(Baothanhhoa.vn) - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhận thức được điều này, những năm gần đây, người sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhận thức được điều này, những năm gần đây, người sản xuất trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệpDiện tích dưa chuột baby của gia đình ông Hoàng Hữu Hằng, tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa được sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình ông Hoàng Hữu Hằng, tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa có hơn 3 sào ruộng thuộc vùng sản xuất rau an toàn được địa phương quy hoạch. Tuy nằm trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình tuân thủ các quy trình sản xuất, sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng song việc tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn. Sau nhiều năm loay hoay để tìm hướng phát triển, năm 2019, khi địa phương khuyến khích, vận động người dân phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng xây dựng hơn 1.200m2 nhà lưới để sản xuất dưa Kim Hoàng hậu, dưa chuột baby. Đồng thời, ký hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Mía đường Lam Sơn đối với sản phẩm dưa Kim Hoàng hậu và một số cửa hàng thực phẩm sạch đối với sản phẩm dưa chuột baby. Ông Hằng, cho biết: Khi chuyển sang trồng dưa công nghệ cao theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, gia đình được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng vượt trội. Hơn nữa, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên với số lượng sản phẩm lớn song chúng tôi không phải “chật vật” lo sợ khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu trung bình đạt khoảng 700 - 750 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 1,5 lần so với sản xuất truyền thống.

Tại vùng sản xuất rau an toàn của thị trấn Thiệu Hóa có khoảng 18 ha, với 86 hộ thành viên triển khai mô hình sản xuất bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều khiến người dân yên tâm, thêm tin tưởng vào hiệu quả mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị này là chính việc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, cho biết: “Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, tập trung áp dụng quy trình sản xuất bền vững, đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ những mô hình liên kết chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả, người dân đã chủ động tìm kiếm, đấu mối và nhân rộng ra nhiều loại cây trồng khác nhau, góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị sản xuất”.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 2-2022, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 1.012 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt (có 701 chuỗi liên kết từ sản xuất – sơ chế, chế biến – tiêu thụ sản phẩm; 42 chuỗi ở khâu sản xuất; 269 chuỗi ở khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm), 23 chuỗi trong lĩnh vực thủy sản (6 chuỗi ở khâu sơ chế, chế biến – tiêu thụ, 17 chuỗi nuôi trồng thủy sản), 4 chuỗi liên kết khép kín sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp và 79 dự án chăn nuôi phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đều hình thành dựa trên cơ sở của những cánh đồng mẫu lớn, tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ... Thông qua các chuỗi liên kết không chỉ nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp mà còn từng bước hình thành tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho người dân.

Tuy nhiên, theo phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đa dạng về hình thức sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm trồng trọt); tập trung ở khu vực có trình độ dân trí cao, kinh tế phát triển, chưa có nhiều mô hình liên kết thật sự có hoạt động đầu tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật gắn với tiêu thụ nông sản... Do đó, để nhân rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế của các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp bền vững, ngoài việc vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, địa phương thì các mắt xích trong chuỗi cần tuân thủ theo đúng các luật lệ, quy định, tiêu chuẩn đã được thiết lập. Đồng thời, không ngừng cập nhật kiến thức, kỹ năng để đổi mới, nâng cấp chuỗi đã được thành lập.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]