(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực  thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Không chỉ mang lại hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế, việc phát triển các vùng chuyên canh đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền sản xuất chủ động và bền vững.

Hiệu quả những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Không chỉ mang lại hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế, việc phát triển các vùng chuyên canh đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng đến một nền sản xuất chủ động và bền vững.

Hiệu quả những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệpVùng chuyên canh rau an toàn tại thị trấn Thiệu Hóa.

Để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, huyện Thọ Xuân luôn chú trọng thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hình thành các vùng sản xuất tập trung những sản phẩm lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Từ đó, định hướng cho các xã, thị trấn hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây trồng, như: vùng mía nguyên liệu, với diện tích từ 1.500 đến 2.000 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung, với diện tích 360 ha; vùng sản xuất rau an toàn tập trung 11,8 ha; vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao 6.500 ha;... Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, như: bưởi Luận Văn, bưởi Bắc Lương, cam Xuân Thành... Từ đó, đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ; nhất là đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động trong sản xuất cây ăn quả, rau,... trong nhà lưới với quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng đã và đang hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đi vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững; trong đó, doanh nghiệp làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất, như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty CP Giống cây trồng Trung ương,...

Từ việc tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Thiệu Hóa đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các vùng sản xuất được người dân áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng các khoa học - kỹ thuật tiên tiến để phát triển các sản phẩm chủ lực. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 5 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với tổng diện tích hơn 3.500 ha, như: vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao ở các xã Thiệu Phúc, Thiệu Vận, thị trấn Thiệu Hóa...; vùng sản xuất rau an toàn tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở thị trấn Thiệu Hóa, các xã Thiệu Toán, Thiệu Hợp, Thiệu Phúc...; vùng sản xuất ớt xuất khẩu tập trung tại các xã Minh Tâm, Thiệu Hợp, Thiệu Vũ,... Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa: Các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế tăng từ 1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, tư duy sản xuất của người dân cũng thay đổi và từng bước tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi liên kết. Việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đã góp phần nâng cao tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa; đến nay, toàn huyện có 100% diện tích gieo trồng được cơ giới hóa khâu làm đất, 90% diện tích được cơ giới hóa khâu thu hoạch; ngoài ra, các khâu bóc tách hạt, vận chuyển, gieo hạt, bảo quản, chế biến cũng đã từng bước được cơ giới hóa.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã. Trong đó, nhiều mô hình vùng sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, như: vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung, vùng trồng cây ăn quả tập trung, vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi, vùng chăn nuôi bò sữa tập trung, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng,... Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp không những mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần trở lên mà còn góp phần nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, từ việc tổ chức, chỉ đạo sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Thời gian tới, để phát triển vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, các địa phương cần dựa trên thế mạnh, điều kiện đặc thù, nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng việc hình thành những vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa số lượng lớn. Thực hiện rà soát các cơ chế, chính sách; đồng thời, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]