(Baothanhhoa.vn) - Do nằm trong vùng quy hoạch dự án chứa nước Bản Mồng chậm triển khai nhiều năm, khiến cho đời sống của 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân) gặp nhiều khó khăn, đi không được, ở thì lo...

Heo hút thôn nghèo

Do nằm trong vùng quy hoạch dự án chứa nước Bản Mồng chậm triển khai nhiều năm, khiến cho đời sống của 119 hộ dân thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân) gặp nhiều khó khăn, đi không được, ở thì lo...

Heo hút thôn nghèoĐường vào thôn Thanh Sơn, xã Thanh Hòa (Như Xuân).

15 năm chờ tái định cư

Cơn mưa rả rích nhiều ngày qua càng khiến cho con đường dẫn từ trung tâm xã Thanh Hòa vào thôn Thanh Sơn trở nên lầy lội, khó đi. Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa Đỗ Thị Chung khuyên tôi nên xuất phát vào thôn Thanh Sơn sớm để về sớm, vì chiều đến thường có mưa lớn, nước suối dâng, chảy xiết thì không thể qua tràn để quay ra trung tâm xã Thanh Hòa được.

Hơn 20km tuyến đường vào thôn Thanh Sơn phần lớn đã xuống cấp, lại có tới 7 điểm tràn qua suối. Để qua được suối, người dân phải góp công, cùng nhau làm cầu tạm. Thế nhưng, vào mùa mưa, mỗi lần lũ lên, những cây cầu tạm đều bị cuốn trôi, bà con trong thôn bị cô lập hoàn toàn.

Ông Hà Văn Giới, bí thư chi bộ, trưởng thôn Thanh Sơn, cho biết: “Năm 2018, thôn Thanh Sơn được đầu tư làm đường bê tông nhưng mới làm được 1km thì phải dừng lại do vướng dự án”. Khó khăn về đường giao thông gây nên nhiều bất cập với bà con. Thậm chí, có thời điểm mùa mưa lũ, cầu bị cuốn trôi, trong thôn có người ốm đau, lại phải làm bè mảng để vượt suối đưa đi cấp cứu. Khó nhọc nhất là những ngày mưa lũ, học sinh trong thôn lại phải nghỉ học, không thể đến trường.

Dự án hồ chứa nước Bản Mồng được xây dựng tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Tuy nhiên, dự án lại ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của 119 hộ dân với 430 nhân khẩu của thôn Thanh Sơn. Hồ chứa khi tích nước, thôn Thanh Sơn sẽ bị ngập, buộc phải di dời tái định cư.

Thanh Sơn là thôn đặc biệt khó khăn của xã Thanh Hòa. Do phải di dời tái định cư phục vụ dự án nên các hộ dân nơi đây nhiều năm qua không thể xây dựng, cải tạo nhà cửa và không thể tách hộ. Nhiều hộ gia đình có đến 3 thế hệ sinh sống trong ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp, chật hẹp. Trong khi đó, cơ sở vật chất của các điểm trường mầm non, tiểu học tại thôn cũng đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp.

Bà Vi Thị Lan, người thôn Thanh Sơn cho biết: “Trong các kỳ họp tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân với mong muốn sớm được bố trí tái định cư, ổn định đời sống, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, nhưng đến nay mong mỏi trên vẫn chưa được giải quyết”.

Bao giờ người dân được di dời?

Để sớm giải quyết những khó khăn, bất cập trên, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình gửi Sở Xây dựng về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân, thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng giai đoạn 1, tỉnh Nghệ An.

Theo đó, tổng diện tích thực hiện tái định cư tại thôn Đồng Trình, xã Xuân Hòa (Như Xuân) cho 119 hộ dân thôn Thanh Sơn là hơn 14ha, có tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng và thời gian thực hiện trong 2 năm (2024-2025). Nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Theo đó, khu tái định cư sẽ được đầu tư xây dựng mới, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm các hạng mục như đường giao thông, cây xanh, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, các điểm trường mầm non và tiểu học, nhà văn hóa thôn, bãi tập kết rác thải. Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: “Hiện tại, huyện Như Xuân đang thực hiện các bước chuẩn bị dự án, như công tác kiểm đếm, đo đạc, giải phóng mặt bằng. Sau khi thực hiện xong khu tái định cư sẽ tiến hành di dời toàn bộ các hộ dân thôn Thanh Sơn”.

Tìm hiểu được biết, dự án hồ chứa nước Bản Mồng do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được phê duyệt vào năm 2009 bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.744 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng thêm 1.808 tỷ đồng.

Tại tỉnh Thanh Hóa, hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Như Xuân có tổng kinh phí dự kiến là 516.708 triệu đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao làm chủ đầu tư, thực hiện các nội dung, gồm: Bồi thường, hỗ trợ; đầu tư xây dựng khu tái định cư và trồng rừng thay thế cho diện tích rừng phải chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án trên địa bàn huyện Như Xuân.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]