(Baothanhhoa.vn) - Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa là một tổ chức tín dụng chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Trải qua hành trình 25 năm xây dựng và phát triển với biết bao thăng trầm, Tổ chức TCVM Thanh Hóa vẫn kiên định mục tiêu vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển Tổ chức TCVM Thanh Hóa: Trao nguồn vốn vi mô hướng đến phát triển bền vững

Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa là một tổ chức tín dụng chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Trải qua hành trình 25 năm xây dựng và phát triển với biết bao thăng trầm, Tổ chức TCVM Thanh Hóa vẫn kiên định mục tiêu vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển Tổ chức TCVM Thanh Hóa: Trao nguồn vốn vi mô hướng đến phát triển bền vữngTổ chức TCVM Thanh Hóa ghi đậm dấu ấn trên hành trình vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

TCVM đặt bước chân đầu tiên đến Thanh Hóa từ năm 1998, khởi đầu là một chương trình tín dụng nhỏ do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ thành lập, được thực hiện tại 3 xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nông Cống với số vốn ban đầu là 90 triệu đồng cho 300 thành viên, mức vay là 300 nghìn đồng/người. Bằng việc cung cấp các sản phẩm tín dụng nhỏ, tổ chức cho phép thành viên được vay vốn theo từng nhóm đoàn kết, không thế chấp bằng tài sản mà bằng uy tín của từng thành viên trong cộng đồng. Thông qua hình thức “vay một thúng trả từng đấu” - vay một lần trả dần trong nhiều tháng, dịch vụ tín dụng của TCVM Thanh Hóa không chỉ dễ vay dễ trả, hết chu kỳ vay khách hàng lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Thủ tục vay vốn đơn giản thuận tiện, phát và thu vốn ngay tại địa phương nên phù hợp với các đối tượng khách hàng là phụ nữ nghèo, người thu nhập thấp, yếu thế. Khách hàng tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa sẽ được công nhận là hội viên, được tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, được tư vấn phương án kinh doanh và được bổ sung nguồn vốn ở các chu kỳ vay tiếp theo.

25 năm xây dựng trưởng thành, Tổ chức TCVM Thanh Hóa trải qua 3 giai đoạn phát triển: Từ Chương trình Tài chính vi mô Thanh Hóa (năm 1998-2008), thành lập Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa (2008-2015) và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thành lập Tổ chức TCVM Thanh Hóa (tháng 3-2015 đến nay). Nhìn lại quy mô, tiềm lực, cơ cấu tổ chức như hiện nay, ít ai biết rằng, TCVM Thanh Hóa đã từng vượt qua biết bao thăng trầm. Ông Nguyễn Hải Đường - Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa cho biết: “Từ trong những nguy cơ, chúng tôi tìm thấy cơ hội hiện hữu. Năm 2005, quá trình chuyển đổi được bắt đầu với việc tuyển chọn và đào tạo nhân viên chuyên trách, lựa chọn mô hình phù hợp để hướng tới chuyên nghiệp, xây dựng đề án, điều lệ và quy chế hoạt động trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, củng cố chính sách cho vay và kiểm soát nội bộ, duy trì kỷ luật tín dụng... Đây là bước chuẩn bị quan trọng để chuyển chương trình theo mô hình Quỹ xã hội và là bước đệm quan trọng để đệ đơn thành lập tổ chức tài chính quy mô nhỏ theo Nghị định 25/2005/NĐ-CP”.

Sau 3 năm tái cơ cấu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho phép thành lập "Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa”. Đây là quỹ xã hội đầu tiên và duy nhất tại tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh ký quyết định thành lập, là đơn vị có tư cách pháp nhân hoạt động vì mục đích phát triển cộng đồng theo NĐ 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa đã tạo cơ hội cho hàng trăm ngàn phụ nữ nghèo và hộ có thu nhập thấp được tiếp cận với sản phẩm và dịch vụ TCVM. Thời điểm đó, quỹ được xem là mô hình điển hình tại Việt Nam, được nhiều chương trình, dự án của các tỉnh, thành phố trên cả nước đến học tập kinh nghiệm, nhiều nhà tài trợ quốc tế quan tâm.

Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, quỹ ngày càng phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ngày 22-8-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép số 65/GP-NHNN thành lập Tổ chức TCVM Thanh Hóa với vốn điều lệ hơn 6 tỷ đồng. Đây là mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, đánh dấu bước tiến chuyên nghiệp của tổ chức trong ngành TCVM cả nước và quốc tế. Cũng trong năm 2014, Tổ chức TCVM Thanh Hóa nhận giải thưởng tổ chức TCVM xuất sắc nhất tại Việt Nam. Ngày 12-3-2015, Tổ chức TCVM Thanh Hóa khai trương hoạt động, mang theo động lực, khát vọng cống hiến và phát triển.

Mục đích hoạt động của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, đặc biệt là phụ nữ nghèo tạo dựng tài sản thông qua việc phát triển một hệ thống cung cấp dịch vụ toàn diện, năng động, thân thiện, hiệu quả và phòng tránh rủi ro. Tổ chức cung cấp dịch vụ tín dụng, đáp ứng các nhu cầu ngày càng đa dạng của nhóm đối tượng, nhằm giúp họ tự tổ chức cuộc sống và phát triển các hoạt động sinh kế để ổn định và gia tăng thu nhập, cải thiện mức sống.

Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển Tổ chức TCVM Thanh Hóa: Trao nguồn vốn vi mô hướng đến phát triển bền vữngTổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa Nguyễn Hải Đường trao quà cho khách hàng trên địa bàn huyện Nông Cống.

Cùng với đó, tổ chức chú trọng việc nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi mặt cho nhóm đối tượng hướng đến, đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực thông qua các hoạt động huấn luyện, đào tạo, xây dựng một môi trường làm việc chăm chỉ, kỷ luật và trách nhiệm; tôn trọng, đoàn kết, thân thiện và sẵn sàng vì sự tiến bộ của mỗi người và cộng đồng. Khuyến khích và đẩy mạnh mối quan hệ giữa địa phương và các cơ quan hữu quan, từng bước mở rộng địa bàn hoạt động của TCVM Thanh Hóa. Xây dựng hình ảnh của tổ chức, phát triển các chi nhánh mới ở những vùng nghèo nhằm hỗ trợ ngày một nhiều hơn các phụ nữ nghèo, góp phần đạt được mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng và phát triển. Đảm bảo sự bền vững về tổ chức và tài chính của TCVM Thanh Hóa để hỗ trợ liên tục và lâu dài cho nhóm đối tượng, giúp họ thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Tổ chức TCVM Thanh Hóa có phương pháp hoạt động hiệu quả, mục đích nhân văn, hướng tới cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ nghèo, người thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội được tiếp cận với các dịch vụ tài chính thân thiện, từ đó có thêm động lực, niềm tin, hướng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển bền vững. Do đó, các hoạt động của tổ chức có sức lan tỏa rộng khắp. Đến nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa ngày càng lớn mạnh, đã và đang ghi dấu ấn tiêu biểu trên hành trình vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ và mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Tổ chức hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 19 huyện, thị xã trong tỉnh; phục vụ hơn 40.000 khách hàng, trong đó có 92% là phụ nữ, 12% khách hàng là hộ nghèo và 10% khách hàng là người dân tộc thiểu số; tổng dư nợ đạt khoảng 434 tỷ đồng. Các chỉ số an toàn, bao gồm tỷ lệ thanh khoản và vốn tối thiểu năm trong mức được Ngân hàng Nhà nước quy định.

Trong suốt quá trình hoạt động, TCVM Thanh Hóa đã tổ chức hàng nghìn khóa tập huấn nâng cao năng lực cho khách hàng vay vốn, cung cấp kịp thời các kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh giúp khách hàng lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp. Mục tiêu và cũng là động lực lớn nhất đối với bất kỳ một thành viên nào của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đó là được đồng hành, chứng kiến sự thay đổi, tốt dần lên từng ngày trong cuộc sống của khách hàng khi được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, hiệu quả.

Sẽ chẳng phải là nói quá nếu nhận định rằng: Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển của Tổ chức TCVM Thanh Hóa là cuốn sổ nhật ký lưu lại từng niềm vui, nỗi buồn, giọt nước mắt xen lẫn nụ cười hạnh phúc, nghị lực vươn lên của hàng chục nghìn khách hàng. Trước khi được tiếp cận nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa, ít ai trong số hàng chục nghìn khách hàng ấy nghĩ được rằng: Một người nghèo, thu nhập thấp, không có bất kỳ tài sản thế chấp nào cũng có thể được tiếp cận với dịch vụ tài chính, được vay vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và đóng góp cho xã hội. Họ được vay vốn dựa vào uy tín cá nhân của mình trong cộng đồng, tức là họ được trao gửi niềm tin, nhân lên niềm hy vọng. Từ nguồn vốn vay nhỏ ấy đã trở thành điểm tựa cả về vật chất, tinh thần cho những người nghèo, yếu thế tìm được chỗ đứng trong xã hội, quyết định tương lai của mình. Ít có tổ chức tín dụng nào mà khách hàng của họ gắn bó suốt 10, 15 năm, mỗi lần vay lại là một lần phát triển.

Với quyết tâm trở thành tổ chức TCVM điển hình, đầu mối chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ thông tin và công nghệ TCVM tốt nhất tại Việt Nam, trên hành trình 25 năm xây dựng và phát triển, Tổ chức TCVM Thanh Hóa quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên; mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số.

“Sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng hợp tác” là phương châm hoạt động của Tổ chức TCVM Thanh Hóa ngay từ ngày đầu thành lập. Trong suốt 25 năm hình thành và phát triển, TCVM Thanh Hóa đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khác như: Ford Foundation, KIVA, Citibank, Quỹ Unilever, Planet Finance, IFC, BOPA, ILO, CIDEAL, Terre Des Hommes, Trung tâm tư vấn nguồn lực Doanh nghiệp nhỏ và vừa, OikoCredit, Babyloan,... nhằm huy động nguồn tài trợ cũng như đầu tư xã hội để tạo cơ hội cho ngày càng nhiều khách hàng được tiếp cận với các dịch vụ tài chính, lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, kinh doanh...

Công nghệ thông tin luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của TCVM Thanh Hóa. Trong những năm qua, hệ thống quản lý thông tin liên tục được rà soát, đổi mới đảm bảo an toàn hoạt động, luôn lấy chất lượng và hiệu quả làm trọng tâm, nâng cao tính hợp tác, an toàn, bền vững cho cả khách hàng và cho chính Tổ chức TCVM Thanh Hóa.

Xác định mục tiêu, hướng đến hoạt động chuyên nghiệp, ban lãnh đạo tổ chức đã xây dựng hồ sơ, thành lập chi bộ Đảng và các tổ chức chính trị xã hội: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, công đoàn..., tạo môi trường, động lực cho cán bộ, nhân viên cống hiến, trưởng thành.

Theo đúng tinh thần, mục tiêu “vì cộng đồng”, TCVM Thanh Hóa luôn tích cực thực hiện, tham gia các chương trình an sinh xã hội, thiện nguyện như: tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em nghèo vượt khó tại khu vực nông thôn và miền núi, tặng quà tết cho hộ nghèo, chắp cánh ước mơ cho con em khách hàng có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trao tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết đến xuân về, tặng quà cho trẻ em nghèo vượt khó và các hộ gia đình chính sách...

25 năm một hành trình - Con số không chỉ mang tính định lượng. Hơn hết, nó cho thấy một quá trình nỗ lực, quyết tâm, cống hiến của các thế hệ cán bộ, nhân viên Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Quan trọng hơn tất thảy, hành trình phát triển ấy đã khẳng định vai trò, vị thế, tác động kinh tế - xã hội lớn lao của Tổ chức TCVM Thanh Hóa vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ và trong cuộc chiến xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Bà Hoàng Thị Định, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoằng Hóa:

Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển Tổ chức TCVM Thanh Hóa: Trao nguồn vốn vi mô hướng đến phát triển bền vững

TCVM Thanh Hóa là tổ chức tín dụng hoạt động với quy mô rộng khắp, hình thức vay vốn thuận tiện, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đối tượng khách hàng hướng đến là phụ nữ nghèo, các hộ thu nhập thấp, tiểu thương. Từ những ngày đầu thành lập, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với hội LHPN các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên trong quá trình vay vốn. Hội LHPN các cấp phối hợp Tổ chức TCVM Thanh Hóa thẩm định, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ, động viên hội viên gửi tiết kiệm tại tổ chức.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa có 3.377 hội viên đang tham gia vay vốn và gửi tiết kiệm tại Tổ chức TCVM Thanh Hóa, trong đó có hơn 1.200 hội viên có dư nợ vốn vay. Tổng dư nợ đạt hơn 30,7 tỷ đồng. Tổng tiết kiệm là 26,2 tỷ, trong đó tiết kiệm tự nguyện đạt 20 tỷ đồng. Những con số ấy cho thấy uy tín, hiệu quả, sức lan tỏa của TCVM Thanh Hóa trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Với mức vay từ 5-100 triệu đồng, nguồn vốn vay từ Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho nhiều khách hàng, đặc biệt là phụ nữ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp có động lực, điểm tựa, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Cùng với đó, Tổ chức TCVM Thanh Hóa tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn huyện thông qua nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, trong thời gian tới, Tổ chức TCVM Thanh Hóa tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với hội LHPN các cấp từ công tác tuyên truyền, động viên, kiểm tra, an sinh xã hội...; tăng nguồn vốn vay nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu vay vốn của khách hàng; tạo điều kiện cho hội viên được giao lưu, học hỏi...

Bà Vũ Thị Minh, Trưởng Phòng giao dịch Quảng Xương 2 (Chi nhánh TP Thanh Hóa):

Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển Tổ chức TCVM Thanh Hóa: Trao nguồn vốn vi mô hướng đến phát triển bền vững

TCVM Thanh Hóa hoạt động trên địa bàn huyện Quảng Xương từ năm 2007, trên phạm vi 3 xã: Quảng Nhân, Quảng Giao, Quảng Nham. Ban đầu, do chưa có hiểu biết, nhận thức rõ ràng về cách thức hoạt động, cho vay của TCVM nên chưa tạo được sức hút, lan tỏa với khách hàng. Tuy nhiên với sự tâm huyết của cán bộ tín dụng cùng với sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời từ ban lãnh đạo, TCVM Thanh Hóa dần dần tiếp cận đối tượng khách hàng là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các hộ thu nhập thấp, các nữ tiểu thương. Sau những nỗ lực, cố gắng, bằng sự nhiệt tình, uy tín, trách nhiệm, với thủ tục vay vốn đơn giản, thuận tiện, hoạt động TCVM ngày càng thu hút đông đảo khách hàng trên địa bàn huyện.

Từ ban đầu triển khai hoạt động trên 3 xã với hơn 100 hội viên tham gia, đến nay, chúng tôi đã phát triển địa bàn trên 20 xã với hơn 3.500 hội viên tham gia vay vốn, hơn 8.500 hội viên tham gia gửi tiết kiệm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từ đó góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện, TCVM Thanh Hóa đã chủ động tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa và mục đích cách thức vay trả và đã được chính quyền địa phương và hội phụ nữ các cấp đón nhận, tạo điều kiện đầy đủ về cơ chế, cơ sở vật chất, con người... Thông qua các buổi sinh hoạt phụ nữ tại các cơ sở, hội phụ nữ phối kết hợp chặt chẽ cùng TCVM tuyên truyền nguồn vốn vay đến các hội viên.

Ngoài những hoạt động tài chính, TCVM Thanh Hóa còn có các hoạt động phi tài chính như: phối kết hợp với hội LHPN các cấp và chính quyền địa phương tổ chức các chương trình an sinh xã hội như: tặng quà cho các gia đình khách hàng có công với cách mạng nhân ngày 27-7; tặng quà cho con em của hộ gia đình khách hàng có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết trung thu, tết nguyên đán; tặng quà khuyến học, tham gia chương trình “Mẹ đỡ đầu”; chung tay phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, thăm hỏi các hộ gia đình cách ly do COVID-19; ủng hộ các công trình phúc lợi tại địa phương và nhiều hoạt động ý nghĩa khác... Có thể thấy, TCVM Thanh Hóa ngày càng khẳng định được vị thế của mình, trở thành một kênh vay vốn không thể thiếu đối với chị em phụ nữ trên hành trình chống đói nghèo, phát triển kinh tế.

Chị Lường Thị Mai, khách hàng vay vốn, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc):

Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển Tổ chức TCVM Thanh Hóa: Trao nguồn vốn vi mô hướng đến phát triển bền vững

Trước đây, hoàn cảnh của gia đình tôi khá khó khăn. Sau khi trải qua 3 lần phẫu thuật, sức khỏe của tôi yếu đi nhiều, gánh nặng kinh tế đổ dồn về phía chồng tôi. Công việc chính của chồng tôi là phụ hồ, thu nhập bấp bênh, chỉ lo trang trải cuộc sống với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học thật sự thấy lao đao, mệt mỏi. Nhiều khi nghĩ thương chồng, thương con, tôi cũng rất mong muốn có thể phát triển để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình mà loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu.

Trong lúc đó, gia đình tôi may mắn được tiếp cận với nguồn vốn vay của Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Với thủ tục vay vốn đơn giản, thuận tiện, được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm của cán bộ tổ chức, cán bộ phụ nữ thôn, xã, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, gia đình tôi đã trả hết nguồn vốn vay ban đầu. Nhận thấy cơ hội vươn lên, năm 2022, tôi tiếp tục làm thủ tục vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa để mua thêm con giống, phát triển chăn nuôi bò. Nguồn vốn vay, sự đồng hành từ Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã cho tôi cơ hội, thêm động lực, niềm tin để vươn lên. Giờ đây, cuộc sống của gia đình tôi đã vơi bớt đi khó khăn, tôi có công việc để làm, cùng chồng chia sẻ gánh nặng kinh tế, xây dựng tương lai cho các con.

Bài và ảnh: Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]