Hạnh phúc mỉm cười nơi “cơn bão” AIDS đi qua
Trên dốc núi, tôi đã gặp những phận người, mảnh đời từng nát bươm, nhàu nhĩ vì ma túy, vì HIV/AIDS. Nhưng bằng nghị lực phi thường, tình mẫu tử bao la, họ đã vượt qua bão giông, dâu bể, để bám trụ mưu sinh, thay chồng làm trụ cột gia đình, viết tiếp ước mơ dang dở cho những đứa trẻ bản nghèo.
Quốc lộ 15A được mở rộng, nâng cấp đã tạo điều kiện cho khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân phát triển kinh tế.
Ký ức bi thương
Ngày ấy, khi chưa sáp nhập với thị trấn Quan Hóa, khu phố Khằm (còn là bản Khằm, thuộc xã Hồi Xuân), nơi có những căn nhà sàn liêu xiêu bên lưng đồi ven suối. Lợi thế lớn của bản không chỉ nằm gần trung tâm huyện, mà còn có giao thông thuận lợi, theo Quốc lộ 15A ngược lên Hòa Bình, Sơn La, sang Mường Lát, về xuôi. Giao thương phát triển, bao đàn ông trai tráng bản Khằm để lại đồng áng, vườn rừng cho vợ con, theo những chuyến xe khách, xe hàng buôn bán, hoặc bốc vác, làm thuê. Có việc, có tiền, những đứa trẻ bản nghèo cũng có thêm bát cơm, miếng thịt.
Nhưng niềm vui ấy chẳng tày gang, khi đồng tiền theo người lớn về bản ngày càng nhiều cũng là lúc “cơn bão” ma túy ập xuống những mái tranh nghèo. Đầu tiên là đàn ông trung niên, đến thanh niên, rồi đến cả người già, phụ nữ. Họ nối nhau chạy theo tiếng gọi của những cơn phê điên dại, bầu bạn với “tiên nâu, hàng trắng”. Về sau đồ đạc trong nhà phải “đội nón ra đi”, nhưng cũng chẳng đủ cơn phê, nhiều “anh hai, chị cả” đã ngược đường Mường Lát, Sơn La mua ma túy về bán, lấy tiền để hút chích. Từ khoảng năm 2003, bản Khằm vốn yên bình, yên ả với trập trùng ruộng lúa nương ngô mươn mướt, chẳng mấy chốc đã điêu tàn vì ma túy.
Rồi trộm cắp như ong, dân bản hở gì mất nấy, từ con chó giữ nhà, đến nồi nấu cám lợn cũng bị trộm. Chẳng tối nào dân bản được yên. Còi xe inh ỏi nườm nượp vào ra, mang theo những dân “anh chị” chằng chịt hình xăm trổ đầu lâu, quan tài... nghênh ngang ngoài đường.
Nhớ lại những ngày ấy, bí thư chi bộ, trưởng khu phố Khằm Hà Văn Thìn ngao ngán: “Tối đến chẳng người dân nào dám ra đường trừ những con nghiện. Những thanh niên lành lặn sợ quá phải bỏ đi làm ăn xa, vì sợ ở nhà bị lôi kéo nghiện ngập. Ban đầu có tiền, con nghiện tự mình mua thuốc, bơm tiêm chích choác. Về sau, một cái bơm tiêm được con nghiện truyền tay nhau. Bệnh HIV/AIDS sinh ra từ đó”.
Cán bộ khu phố và Công an thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đến thăm, động viên gia đình chị Phạm Thị Toàn ở khu phố Khằm.
Từ năm 2007, trong bản bắt đầu xuất hiện người chết vì HIV/AIDS. Đầu tiên là vài người đàn ông 6X, sau là 7X, rồi tiếp đến là 8X. Đám tang mỗi ngày xuất hiện ngày càng nhiều. Mà đến giờ kể lại, nhiều người dân khu phố Khằm vẫn còn rùng mình sợ hãi. Có những ông già, bà cả chật vật đẻ đau, nuôi nấng được 2 người con khôn lớn, nhưng đều ra đi vì AIDS. Như H.V.S (sinh năm 1977) chẳng hạn.
Khi “hàng trắng” tràn về bản, dù có vợ có con, nhưng S. và người anh ruột của mình vẫn quyết thử cho biết rồi nghiện lúc nào không hay. Và khi bơm tiêm được sử dụng chung, cả hai anh em đều mang “án tử”. Chẳng bao lâu sau, năm 2007, S. ra đi vì AIDS, sau đó là đến người anh ruột. Trớ trêu hơn, trước khi từ giã cõi đời, hai anh em đã kịp quẳng lại cho xã hội người mẹ già tóc bạc mắt mờ và hai người vợ trẻ, cùng lít nhít những đứa con.
Trong tháng ngày đau thương ấy, C.V.C (sinh năm 1969) được biết đến là một “ông trùm” của đám nghiện ngập trong bản. Vốn là người siêng việc, anh C. từng cần mẫn với gốc luồng, cây lúa, lúc nông nhàn còn đi làm thuê kiếm tiền. Nhưng trong một lần nghe bạn rủ rê, thử cảm giác lạ trong cơn phê, anh đã sa ngã. Về sau, của nả trong nhà lần lượt ra đi mà chẳng đủ cơn thèm, C. lên Mường Lát mua heroin về bán lẻ lấy tiền hút chích.
Có tiền, có thuốc, C. còn mồi chài, gây dựng thêm chân rết, mở rộng “thị trường” tiêu thụ ma túy trong bản. Nhưng lưới trời lồng lộng, kẻ gây tội ác thì chẳng thánh thần nào độ được, C. “nhập kho” vì tội tàng trữ ma túy cùng với căn bệnh thế kỷ mang trong người. Ra trại chẳng bao lâu, năm 2010, C. “chầu trời” vì AIDS, để lại người vợ gầy gò cùng 2 đứa con nhỏ xanh xao. Mà trong đám tang ấy, chẳng ai có thể quên được ánh mắt ngây thơ không ngấn nước của đứa con gái C. chưa đầy 3 tuổi, nào biết cảm nhận nỗi đau mất bố.
Bí thư Thìn nhẩm tính, trong khoảng từ năm 2006 đến 2015, bản Khằm có khoảng 40 người chết vì AIDS. Và khi hiểu biết của người dân về căn bệnh thế kỷ còn mơ màng như làn khói bếp, thì những đám tang ấy chẳng mấy ai dám bén mảng. Chỉ có người nhà và cán bộ bản đến viếng rồi khiêng quan tài ra nghĩa địa. Tang thương và lạnh lẽo đến thấu xương.
Đi qua bão giông, chị Hà Thị Hai đã nỗ lực vươn lên, phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi hai con khôn lớn.
Nhưng đớn đau hơn là những người vợ, người mẹ ở lại với bao tiếng xấu của người đời. Có những đứa trẻ không dám đến lớp vì bạn bè xa lánh, thầy, cô giáo phải động viên nhiều ngày mới trở lại. Thậm chí, không ít người vợ đã phải mang con biệt xứ đến giờ... Ma túy, HIV/AIDS đã tàn phá cả tương lai của những đứa trẻ thơ ngây.
Hồi sinh đất nghèo
Năm 2019, xã Hồi Xuân được sáp nhập với thị trấn Quan Hóa mang tên mới thị trấn Hồi Xuân. Bản Khằm trở thành khu phố với những ngôi nhà tầng, nhà bằng vươn lên bên những mái nhà sàn kiên cố. Những đứa trẻ ngày ấy dù được học tiếp hay bỏ dở chừng, giờ người gây dựng mái ấm hạnh phúc, người tiếp tục với ước mơ trên giảng đường đại học. Còn những người vợ khổ đau năm ấy, đi qua tháng ngày lạnh lẽo, tang thương, chạy đôn chạy đáo từng bữa qua ngày, giờ đã nở nụ cười tươi trong hân hoan cuộc đời mới.
Trong căn nhà nhỏ im lìm sâu trong con ngõ, phía trên bàn thờ, chị Hà Thị Hai (sinh năm 1975) vẫn đặt đó hai tấm ảnh, 1 của anh chồng và 1 của chồng. Kể lại ngày ấy, chị nước mắt lưng tròng: “Anh ấy chết vì AIDS, người đời sợ, rồi xa lánh mẹ con tôi. Tôi đã đến Trung tâm Y tế huyện xét nghiệm, cầm kết quả âm tính về đi đến khắp bản, nhưng chẳng nhiều người tin. Sau đó, tôi đã phải ra Hà Nội làm thuê, kiếm tiền nuôi con”.
Khó khăn đã qua đi, người con trai thứ 2 của chị vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và đã lập gia đình. Còn con trai đầu đi làm, thi thoảng gửi tiền về cho chị nuôi bà nội. Trong căn nhà ấy, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng không có ma túy, với chị đã là một hạnh phúc lớn lao.
Nhiều hộ dân ở khu phố Khằm đã đầu tư mở cửa hàng buôn bán.
Dọc con đường dẫn từ Quốc lộ 15A vào nhà văn hóa khu phố Khằm, vỏn vẹn chừng 20 nóc nhà, nhưng ngày ấy, chẳng mấy nhà không có người chết vì AIDS. 3 mẹ con chị Phạm Thị Toàn (sinh năm 1969) cũng mang nỗi đau ấy, khi anh C.V.C chồng chị ra đi từ năm 2010. Bố chết bệnh, hai anh em đói ăn rét áo đã đành, còn phải chịu tiếng, bị bạn bè xa lánh, kỳ thị. Chẳng bao lâu sau, đứa lớn phải bỏ học giữa chừng năm lớp 11 để nhường cơ hội cho đứa em. Còn chị Toàn, đã phải khăn gói đi làm thuê, kiếm tiền đong gạo nuôi con.
Cay đắng, hờn tủi đã qua đi, giờ mẹ con chị Toàn đã có mái nhà kiên cố để ở. Dẫu rằng, cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều việc phải lo, phải nghĩ, nhưng với mẹ con chị, như thế đã là đủ.
Bí thư chi bộ, trưởng khu phố Khằm Hà Văn Thìn bộc bạch: Sau những đợt tấn công trấn áp tội phạm của lực lượng công an, tội phạm ma túy đã được ngăn chặn, cuộc sống yên bình trở lại. Được cán bộ thị trấn tuyên truyền, vận động, bà con trong khu phố đã mạnh dạn đầu tư buôn bán, phát triển trồng trọt, chăn nuôi làm giàu chính đáng. Hiện tại mức thu nhập bình quân của người dân trong khu phố đã đạt 30 triệu đồng/năm.
Chiều ập xuống, từng làn khói bếp cuộn lên từ những mái nhà sàn ẩm ướt sau mưa. Tôi miên man theo nụ cười của những đứa trẻ khu phố Khằm đang vui đùa bên bếp lửa bập bùng. Ở nơi đó, có những người mẹ, người vợ đã vượt qua bão giông, dâu bể để giành lại cuộc sống, niềm vui. Và khu phố Khằm đang chuyển mình vươn lên đổi khác. Cuộc sống đã hồi sinh ở nơi “cơn bão” AIDS đi qua.
"Bí thư Đảng ủy thị trấn Hồi Xuân, bà Phạm Thị Tuyết, cho biết: Thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, thị trấn Hồi Xuân được chọn là một trong những địa bàn trọng điểm. Cùng với tinh thần đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng, Đảng ủy thị trấn Hồi Xuân đã ban hành các nghị quyết chuyên đề tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Từ đó đã có nhiều mô hình tự quản về an ninh trật tự ra đời, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. |
Phóng sự của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-12-14 21:04:00
Khẳng định vị thế đô thị tỉnh lỵ xứ Thanh (Bài cuối): Đô thị thông minh - động lực cho phát triển bền vững
-
2024-12-14 20:15:00
Xanh lại bản Lát
-
2024-06-04 16:12:00
Tư vấn du học và việc làm tại Cộng hòa Liên bang Đức
Tổ chức cuộc thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường” tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 6
Cấm xuất cảnh
Sôi động không gian vui chơi bên trong quảng trường biển Sầm Sơn
Hành trình của lòng nhân ái
Quản lý hành nghề y dược tư nhân - Vì sao khó? (Bài 3): Còn đó những bất cập
Giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID được công nhận là giấy tờ hợp lệ
Người đàn ông cần mẫn giữ gìn trật tự giao thông
Thanh Hóa xếp thứ 2 toàn quốc về số lượt dự thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Công đoàn
TP Thanh Hóa tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn năm 2024