(Baothanhhoa.vn) - Hội nghị “Biểu dương nông dân tiêu biểu trong khởi nghiệp sáng tạo thành công, phát triển kinh tế hộ gia đình trong vùng đồng bào (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa năm 2024" dự kiến diễn ra ngày 6 - 7/12 tại TP Thanh Hóa, với sự tham dự của 338 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 150.000 hội viên nông dân vùng DTTS&MN, trong đó có 50 tấm gương nông dân điển hình được biểu dương, tôn vinh. Nhân dịp này, Báo Thanh Hóa giới thiệu 2 tấm gương điển hình.

Gương nông dân tiêu biểu

Hội nghị “Biểu dương nông dân tiêu biểu trong khởi nghiệp sáng tạo thành công, phát triển kinh tế hộ gia đình trong vùng đồng bào (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa năm 2024" dự kiến diễn ra ngày 6 - 7/12 tại TP Thanh Hóa, với sự tham dự của 338 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 150.000 hội viên nông dân vùng DTTS&MN, trong đó có 50 tấm gương nông dân điển hình được biểu dương, tôn vinh. Nhân dịp này, Báo Thanh Hóa giới thiệu 2 tấm gương điển hình.

Nông dân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Mông

Thào A Thái (sinh năm 1975), dân tộc Mông là hội viên tiêu biểu Chi hội nông dân và là người có uy tín ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Trong số hộ thoát nghèo ít ỏi của bản có hộ gia đình anh Thào A Thái.

Gương nông dân tiêu biểuAnh Thào A Thái (ngoài cùng bên trái) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Trung Lý và nhà hảo tâm trao gà giống cho hộ dân khó khăn bản Tà Cóm.

Thào A Thái chia sẻ: "Bản Tà Cóm có 112 hộ, 622 nhân khẩu, trong đó có 100 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo, với 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Bản cách trung tâm xã hơn 45km, đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của Nhân dân còn nhiều hạn chế. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, của hội nông dân các cấp về phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN, gia đình tôi nói riêng, đồng bào dân tộc Mông nói chung đã luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhất là hội nông dân trong xây dựng và phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó tôi đã biết phát huy, khai thác thế mạnh đồi rừng chăn nuôi đại gia súc, từ đó vươn lên thoát nghèo”.

Gia đình anh Thào A Thái có 8 khẩu với 4 lao động chính. Nhận thấy nguồn lao động tiềm năng trong gia đình, anh đã đầu tư mua 3 cặp trâu bò về nuôi. Sau một thời gian chăm sóc tốt, đàn gia súc sinh sôi nảy nở. Hiện gia đình có 52 con bò và 20 con trâu, là hộ có số lượng gia súc nhiều nhất bản. Để duy trì tốt việc tăng đàn và và ổn định nguồn thu phục vụ đời sống, anh đã lựa chọn nuôi sinh sản kết hợp với nuôi lấy thịt, tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường mà anh có kế hoạch xuất bán hàng năm. Ngoài chăn nuôi trâu bò, Thào A Thái còn chăm sóc tốt diện tích đồi rừng, khoanh nuôi, trồng mới và chăm sóc tái sinh trên 15ha rừng sản xuất. Đồng thời trồng xen các loại cây lấy gỗ như xoan, lát và các loại cây khác để tạo nên sự phong phú về chủng loại.

Cùng với vườn đồi rừng, gia đình anh còn đầu tư xây dựng ao thả cá để lấy thực phẩm phục vụ sinh hoạt và cho nguồn thu đáng kể. Từ việc chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh dần tích lũy được nguồn vốn, kiến thức vững chắc với thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm sau khi trừ mọi chi phí.

Là đảng viên, hội viên nông dân, người có uy tín ở bản Tà Cóm, anh còn tuyên truyền bà con Nhân dân trong bản luôn đoàn kết, thương yêu, gắn bó giúp nhau cùng phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng biên cương bình yên, no ấm. Anh đã hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho trên 10 lao động, giúp đỡ 6 hộ nghèo phát triển sản xuất vươn lên ổn định cuộc sống.

Từng là bí thư chi bộ, trưởng bản và hiện nay là người có uy tín của bản, anh luôn cùng ban quản lý bản, bộ đội biên phòng nắm chắc tình hình mọi mặt ở khu vực, chủ động, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương khi có vấn đề phức tạp, không để các thế lực thù địch, các đối tượng xấu móc nối, lợi dụng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Vào dịp lễ tết, nghỉ hè, sau hè nhiều học sinh không trở lại trường học, anh cùng nhà trường và chính quyền địa phương đến từng nhà dân, trực tiếp trao đổi, vận động Nhân dân đưa con, em trở lại lớp học. Vận động bà con ốm đau thì đi trạm xá, bệnh viện để điều trị bệnh. Bản thân anh và gia đình gương mẫu trong việc thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Bài và ảnh: Bùi Huấn

Người “mở đường” cho cây ổi Thành Tâm vươn xa

Đó là anh Bùi Anh Kiều (sinh năm 1981), dân tộc Mường, hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế của xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành. Hiện anh là Giám đốc HTX Ổi Thành Tâm.

Gương nông dân tiêu biểuGiám đốc HTX Ổi Thành Tâm Bùi Anh Kiều.

Từ những năm 2014 về trước, gia đình anh gặp không ít khó khăn trong làm ăn kinh tế do chưa tìm được hướng đầu tư phù hợp. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội hội nông dân, được chia sẻ, tư vấn và cùng trải nghiệm tham quan các nhà vườn ở những địa phương khác đang làm ăn hiệu quả đã đem đến cho anh hướng đầu tư mới.

Ngay sau khi quyết định đầu tư trồng ổi, thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân xã Thành Tâm, anh được hội tín chấp cho vay số tiền 200 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đấu mối với Viện cây ăn quả (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam để được cung cấp cây giống chất lượng.

Anh chia sẻ: "Do được tiếp thu kiến thức, kỹ thuật từ các chương trình tập huấn, tôi xuống giống theo hướng cuốn chiếu, trồng, chăm sóc mỗi đợt 1ha. Đây là kinh nghiệm quý để mình vừa có thời gian tích vốn, vừa tạo cho vườn cây có nhiều độ tuổi. Từ nguồn vốn vay, cùng với vốn của gia đình, đến nay gia đình đã đầu tư bài bản trồng 3,5ha ổi và 1,5ha dứa. Có kỹ thuật và chọn cây trồng phù hợp nên trang trại của gia đình phát triển ổn định cho thu đều mỗi năm trên 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí".

Trực tiếp sản xuất, thấy được giá trị kinh tế cao từ cây ổi, anh Bùi Anh Kiều đã mạnh dạn vận động một số hội viên trong chi hội nông dân cùng trồng ổi để tạo nên một khu vực chuyên canh với nguồn cung số lượng lớn. Hội Nông dân xã Thành Tâm vận động, tư vấn và hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể để hội viên có điều kiện hỗ trợ nhau và dựa vào nhau phát triển. HTX Ổi xã Thành Tâm ra đời năm 2021, và anh được tín nhiệm làm giám đốc. Để có sản phẩm ổi chất lượng, an toàn, anh đã tuyên truyền hội viên và gia đình sử dụng phương thức canh tác hữu cơ, vì vậy chất lượng ổi được đánh giá có vị ngọt đậm và kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Từ đó, sản phẩm quả ổi của HTX Thành Tâm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021 và có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều đơn hàng được cửa hàng thực phẩm an toàn đặt mua và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ rộng rãi với số lượng lớn.

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bằng nỗ lực của mình, nhiều năm gia đình anh được UBND xã, UBND huyện Thạch Thành công nhận đạt danh hiệu hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, việc làm thời vụ cho 10 lao động. Kinh tế gia đình phát triển, anh đã giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo và tích cực tham gia ủng hộ các phong trào nhân đạo, từ thiện của địa phương.

Lê Tuấn Anh (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]