Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, thời gian qua, ngành công thương đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) để thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của tỉnh.
Bánh rau má Văn Trường - sản phẩm OCOP 3 sao của TP Sầm Sơn được quảng bá tại các hội chợ và các nền tảng mạng xã hội.
Theo Trưởng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) Lê Văn Khoa: “Sở thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tham gia các hội chợ thương mại/hội nghị kết nối cung - cầu tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh tổ chức ít nhất 2 hội chợ, triển lãm thương mại, 2 hội nghị kết nối cung - cầu; 3 chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Sở còn phối hợp với các đơn vị tổ chức cho các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế - VIETNAM EXPO tại Hà Nội, Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh... nhằm kết nối tiêu thụ, quảng bá sản phẩm của các DN trong tỉnh đến với các nhà phân phối, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”.
Đặc biệt, từ năm 2022, thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030”, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND. Trong đó, tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM, như: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM. Hỗ trợ XTTM thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Tham gia các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến hỗ trợ DN, HTX và hộ kinh doanh tìm kiếm khách hàng. Hỗ trợ ứng dụng các công cụ, nền tảng số trong việc quảng bá, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, DN địa phương. Hiện 100% DN trong tỉnh đã có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của DN; khoảng 6.500 DN được tiếp cận, thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh về phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Hỗ trợ các DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các nền tảng mạng xã hội (facebook, youtube, zalo) để quảng bá, bán hàng; hỗ trợ các DN, hộ sản xuất, kinh doanh đưa gần 87.300 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; trong đó có 187 sản phẩm OCOP...
Chị Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai (Hà Trung), cho biết: "Sau khi sản phẩm bánh lá Hà Lai được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh (năm 2021), HTX đã đầu tư vào nhãn dán, bao bì, logo, tem truy xuất nguồn gốc... đẹp mắt để đáp ứng thị hiếu khách hàng, xây dựng trang web “banhlahalai.vn”. Bên cạnh đó, HTX còn chú trọng hoạt động quảng bá qua việc tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, hội chợ trong và ngoài tỉnh... Vì thế, bánh lá Hà Lai đã trở thành món ẩm thực quen thuộc, khẳng định được thương hiệu và chất lượng với người tiêu dùng cả 3 miền, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương”.
Thông qua các hoạt động XTTM, các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh đến đông đảo người tiêu dùng và cộng đồng DN trên cả nước. Đồng thời, dễ dàng kết nối với thị trường nước ngoài, từ đó tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tiến tới xuất khẩu. Theo số liệu thống kê trên Website online.gov.vn của Bộ Công Thương, đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 358 thương nhân, 10 tổ chức, 216 cá nhân quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên 219 website thương mại điện tử bán hàng, 3 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, 2 ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và 1 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Để các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh đến với đông đảo người tiêu dùng, cùng với việc tuyên truyền, vận động các DN, cơ sở sản xuất chú trọng việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm để hấp dẫn được người tiêu dùng, ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, hỗ trợ DN trong công tác XTTM để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Bài và ảnh: Phan Nga
- 2024-11-15 11:32:00
Sản xuất rải vụ để giảm áp lực tiêu thụ cây trồng vụ đông
- 2024-11-15 11:11:00
TYM chi nhánh Thanh Hóa: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Tiết kiệm thế giới
- 2024-11-15 07:00:00
Bản tin Tài chính 15/11: Giá vàng nối dài đà giảm; áp dụng quy định mới về lãi suất tiền gửi từ 20/11
Thanh Hoá công bố danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU
Huyện Như Xuân có thêm 4 sản phẩm OCOP 3 sao
Đồng loạt đi xuống, giá xăng RON95-III còn 20.607 đồng/lít
Phối hợp xây dựng môi trường kinh doanh an toàn
Dự án trọng điểm tạo đà bứt phá cho khu kinh tế
Nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thi công hotline trung thế
Hiệu quả thi hành Luật Lâm nghiệp
Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai
Thông báo về việc tài trợ Dự án Khu dân cư phường Quảng Thành của Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á