(Baothanhhoa.vn) - Tuổi 43, anh Bùi Văn Công ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) đã có nhà lầu, ô tô tải chuyên dụng, xe con hạng sang và nhiều tài sản giá trị. Không chỉ ở thôn Đông Tân nơi anh sinh sống, mà trên địa bàn toàn xã, anh đã nổi tiếng với thành công trong nuôi chim bồ câu quy mô lớn gắn liên kết đầu ra của sản phẩm.

Chuyện bán nhà, vay lãi để khởi nghiệp

Tuổi 43, anh Bùi Văn Công ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) đã có nhà lầu, ô tô tải chuyên dụng, xe con hạng sang và nhiều tài sản giá trị. Không chỉ ở thôn Đông Tân nơi anh sinh sống, mà trên địa bàn toàn xã, anh đã nổi tiếng với thành công trong nuôi chim bồ câu quy mô lớn gắn liên kết đầu ra của sản phẩm.

Chuyện bán nhà, vay lãi để khởi nghiệp

Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh Bùi Văn Công thường duy trì quy mô gần 10.000 đôi chim bố mẹ.

Đứng lên từ tay trắng...

Phía sau cánh cổng ngõ hiện đại là những chậu cây cảnh, bonsai được mua từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng chơi cây chỉ là cái thú với chủ ngôi biệt thự khang trang mái Thái lớn nhất nhì ở đất Đa Lộc này. Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở khu vườn phía sau nhà mới là hoạt động kinh tế chính của anh Bùi Văn Công.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Công đã trải qua những thăng trầm, nhiều thời điểm trắng tay, tưởng chừng sạt nghiệp. “Năm 2010 sau khi bố tôi mất, gia đình như mất phương hướng, kinh tế kiệt quệ. Tôi phải nung nấu khởi nghiệp để gánh vác. Thế rồi tôi khăn gói đi nhiều nơi để tìm hướng làm ăn. Khi đến Bắc Giang, tôi thấy nuôi chim bồ câu phù hợp nên quyết tâm về triển khai tại quê nhà. Để có mặt bằng đủ rộng, năm 2013, tôi miễn cưỡng phải bán đi một mảnh đất và căn nhà của gia đình để mua một ao tù và đất vườn của 3 hộ xung quanh. Sau khi san lấp hoàn thổ, tạo được mặt bằng thì cũng hết vốn. Tôi tiếp tục đi vay ngân hàng, rồi vay lãi bên ngoài mới đầu tư được chuồng trại” - anh Bùi Văn Công nhớ lại.

Từ năm 2014, anh bắt đầu khởi nghiệp với 100 đôi chim bố mẹ ban đầu, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm nên tỷ lệ chim non bị chết lên đến 30%. Vừa làm vừa đúc rút, gần năm sau, khi ấy chỉ bán 6.000 đồng một chim non mà đã có lợi nhuận 7 triệu đồng mỗi tháng. Rồi liên tục những năm sau đó, anh mở rộng cơ sở sản xuất, tăng số chim bố mẹ lên 2.000, rồi 7.500 đôi. Lợi nhuận ngày càng cao, đầu ra của chim non thương phẩm được thiết lập nên đến những năm 2018-2019, anh đã trả hết nợ nần, có tích lũy.

Chuyện bán nhà, vay lãi để khởi nghiệp

Anh Bùi Văn Công, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) kiểm tra và chăm sóc chim bố mẹ.

Cũng theo anh Công, tưởng đến ngày hưởng thành quả thì dịch COVID-19 ập đến, các lệnh giãn cách liên tiếp được ban hành, chim không xuất bán được trong thời gian dài. Gắng gượng từng đồng vốn cuối cùng, rồi tiếp tục đi vay lãi để mua thức ăn duy trì đàn chim qua từng ngày, tưởng chừng như phá sản. Số chim non lớn lên đành phải nuôi thành chim bố mẹ nên tổng đàn tăng vọt. May thay, đến giai đoạn 2021-2022, dịch bệnh dần được khống chế, mọi hoạt động sản xuất của trại chim lại tiếp tục phát triển. Lúc này, tổng đàn chim bố mẹ đã là... 20.000 con, trở thành một trong những trại chim lớn ở Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc.

...đến doanh thu 8 tỷ đồng mỗi năm

Dẫn chúng tôi đi thăm khu sản xuất, anh Công nhiệt tình giới thiệu từng công đoạn, quy trình nuôi. Mỗi đôi chim bố mẹ được nuôi nhốt trong một ô lồng, xếp nhiều tầng, ghép với nhau thành mỗi dãy hàng trăm ô. Đây là loài bồ câu lai nguồn gốc từ nước Pháp nên trọng lượng gần gấp đôi chim bản địa truyền thống, con trưởng thành có thể nặng tới 1,3 - 1,5kg.

“Sau khi chim sinh sản, các công nhân thay trứng nhựa để “đánh lừa” chim mẹ ấp trứng. Trứng chim thật được mang đi ấp bằng máy để rút ngắn thời gian. Thay vì phải mất 15 đến 18 ngày ấp trứng, thì chỉ ít ngày sau, 2 chim non được đưa đến cho chim mẹ hàng ngày mớm mồi nuôi lớn. Bởi thế mà người nuôi chim ở đây rút ngắn được thời gian và năng suất” - anh Bùi Văn Công, chia sẻ bí quyết. Chỉ sau 25 ngày xuất bán chim non thương phẩm, các đôi bố mẹ lại tiếp tục đẻ trứng lứa tiếp theo. Theo anh Công, do được chăm sóc đúng quy trình và khoa học, nhiều đôi chim gần 10 năm vẫn đẻ trứng đều.

Khi đã chiếm lĩnh được kỹ thuật, thì mọi khâu đều trở nên dễ dàng. Không những vậy, nhiều tiến bộ kỹ thuật cũng được du nhập vào sản xuất. Có tới 14 dãy chuồng nuôi, mỗi chuồng dài hàng trăm mét, nhưng anh đã lắp đặt hệ thống cho thức ăn và cung cấp nước tự động theo dây chuyền. Từ đó mà 8 lao động trước kia, nay chỉ còn 4, giảm được chi phí nhân công lao động.

Hiện nay, mỗi tháng, trang trại bồ câu của anh Công xuất bán trung bình 6.000 chim thương phẩm. Với giá bán 150.000 đồng mỗi đôi, tương đương thu nhập 450 triệu đồng mỗi tháng. Những năm gần đây, anh đều có doanh thu hơn 5 tỷ đồng mỗi năm. Cộng với doanh thu từ các khâu dịch vụ liên quan, cung ứng cấp thức ăn, dịch vụ thu gom vận chuyển chim thương phẩm cho hàng chục hộ khác, đã nâng tổng doanh thu của anh lên 8 tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, vẫn còn lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Đó là chưa kể giá trị đàn chim trong trại từng được định giá 3 tỷ đồng, hạ tầng chuồng trại khoảng 6 tỷ đồng. 4 lao động làm việc thường xuyên tại đây cũng có thu nhập ổn định 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Liên kết cùng phát triển

Từ sự thành công của anh Bùi Văn Công, nhiều người địa phương đến học tập kinh nghiệm và triển khai. Đến nay, toàn xã Đa Lộc đã có 40 hộ phát triển các khu nuôi chim tương tự, trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Anh Công chính là người chuyển giao kỹ thuật, công nghệ nuôi, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, thiết kế và xây dựng chuồng trại theo đúng quy chuẩn và truyền đạt kinh nghiệm rút ra sau nhiều năm phát triển đàn chim.

Chuyện bán nhà, vay lãi để khởi nghiệp

Chim bồ câu non được ấp bằng máy trong trang trại để rút ngắn thời gian sinh sản cho chim mẹ.

Không chỉ vậy, chủ trang trại chim bồ câu sinh năm 1982 này còn đứng ra làm đầu mối liên kết với các chủ hộ nuôi chim để trở thành cộng đồng cùng tương hỗ nhau phát triển. Ở đất Đa Lộc, những người nuôi bồ câu Pháp thường gắn cho anh tên gọi trìu mến là “chủ tịch”, bởi không những có trại chim lớn nhất mà anh còn là người đứng ra giúp đỡ, kết nối để các mô hình cùng lớn mạnh.

Nhờ có được các hợp đồng cung cấp chim bền vững với đối tác, anh Công đã đứng ra thu gom toàn bộ chim non đến kỳ xuất bán cho các hộ. Mỗi tháng đều đặn 4 chuyến, chính anh là người lái xe tải gia đình để đưa hàng chục nghìn chim thương phẩm cho các đối tác đầu mối của các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội...

Luôn là người đi đầu trong tìm tòi, nghiên cứu, anh đã mua hệ thống máy sản xuất thức ăn cho chim để giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian, hạ giá thành. Ngô xay rối, rau củ cùng tỏi và mật mía, được ủ lên men chính là công thức tối ưu cho chim bố mẹ phát triển mà anh đã đúc kết được. Không chỉ cung cấp cho trang trại gia đình, anh Công còn cung ứng cho nhiều chủ mô hình khác. Từ loại thức ăn có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên ấy, chim bồ câu ở Đa Lộc đã được công nhận là “Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ theo TCVN 11041-3:2017”. Đó cũng chính là “giấy thông hành” để sản phẩm chim bồ câu Pháp của Đa Lộc ngày càng vươn xa đi nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Đa Lộc Bùi Chí Công: “Chim bồ câu Pháp đã trở thành đối tượng con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở vùng biển Đa Lộc những năm gần đây. Xã coi đây là nghề mới, khuyến khích các hộ hợp tác cùng phát triển bền vững. Ưu điểm của con nuôi này là chất thải khô, lượng nhỏ, hầu như không phát tán mùi đi xa nên không gây ô nhiễm môi trường như các trại lợn hay con nuôi khác”.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]