Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
Kẻ Rỵ xưa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) vốn là vùng đất hội tụ của nhiều gương mặt văn quan, võ tướng tài hoa trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ngoài Bảng nhãn Lê Văn Hưu, cha con Lê Quát là những danh sĩ góp phần làm rạng danh “đất họ Lê”, người Kẻ Rỵ.
Lê Quát hiện được thờ trên phần đất của một gia đình người dân thôn 3, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa). Ảnh: KIỀU HUYỀN
Lưu truyền dân gian tại vùng đất Kẻ Rỵ cho biết, Lê Quát (Lê Bá Quát) hiệu là Mai Phong sống vào thời nhà Trần. Cha mất sớm, mẹ mở bán hàng nước ở chợ Rỵ, nên Lê Quát từ nhỏ đã biết phụ mẹ bán hàng, quét dọn chợ. Cũng bởi vậy mà người dân trong vùng vẫn thường gọi cậu bé là “cu Quét”.
Dù nghèo khó nhưng Lê Quát vẫn được mẹ cho học chữ. Cậu Quát thông minh học đâu nhớ đó, học một biết mười nên chẳng bao lâu đã học hết chữ của thầy làng. Có chuyện rằng, một lần Lê Quát khát quá mới vào một nhà người làng để xin nước. Không ngờ đó là nhà của một vị hưu quan. Nghe cậu bé xin nước nói mình là học trò, quan liền hỏi về kinh sử, Lê Quát trả lời trôi chảy. Thấy cậu bé thông minh, vị hưu quan đã chu cấp thêm tiền bạc để cậu học thành tài.
Học hết chữ của thầy làng, cậu bé Quát đến làng Phúc Triền (nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) xin học. Từ làng Phúc Triền, các thầy giáo lại khuyên Lê Quát đến kinh đô thụ giáo danh sư Chu Văn An.
Nhờ tu chí học hành, khoa thi năm 1345 thời vua Trần Minh Tông, Lê Quát thi đỗ Thái học sinh, rồi Đệ nhất giáp Tiến sĩ, Đệ nhất danh. “Do khoa thi đó triều đình không mở thi Đình để chọn Tam khôi nhưng người đỗ đầu là Lê Quát vẫn được truyền tụng là Trạng nguyên... Tin vui từ kinh kỳ về Kẻ Rỵ, Nhân dân gọi ông là Trạng nguyên với cái tên thân thương là “Trạng Quét”, ghi nhớ một thuở hàn vi” (sách Văn tài võ lược xứ Thanh).
Trải qua các triều vua Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, ông luôn được trọng dụng và giao giữ nhiều chức vụ như Tả tư lang kiêm Hàn lâm viện; Thượng thư hữu bộc xạ; Thượng thư hữu bật, Nhập nội hành khiển...
Theo gương thầy Chu Văn An, người đã dâng “thất trảm sớ” xin vua chém ngay 7 tên nịnh thần, Lê Quát cũng nhiều lần đưa ra các quyết sách nhằm thay đổi, phê phán những tiêu cực trong triều nhưng không được vua chấp nhận, bản thân ông cũng bị trách mắng. Cho đến khi qua đời, tâm nguyện của ông vẫn không được thực hiện. Đánh giá về Lê Quát, danh sĩ thời Nguyễn là Phan Huy Chú, đã viết: Chí ông chuộng chính học bài dị đoan. Do văn học mà (ông) được làm quan cùng nổi tiếng ngang với Phạm Sư Mạnh. Thời bấy giờ người ta đều khen “Lê, Phạm”.
Không chỉ là bậc quan thanh liêm, với học vấn uyên thâm, giỏi chữ nghĩa, Lê Quát còn là thi nhân nổi tiếng thời Trần. Tiếc rằng, đến nay hậu thế chỉ còn biết đến ông qua 7 bài thơ trong “Tinh tuyển chư gia luật thi” và “Toàn Việt thi lục”. Ngoài ra, sách “Văn tài võ lược xứ Thanh” khi nhắc đến sở thích du ngoạn và vịnh thơ, đề văn của vị “Trạng nguyên” đất Kẻ Rỵ đã khẳng định: “Dấu chân đã để lại trong hầu nửa thiên hạ”.
Tấm gương nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, cuộc đời và sự nghiệp quan trường vẻ vang, cùng tài năng văn chương của Lê Quát khiến người đương thời và hậu thế kính phục. Sau khi mất, ông đã được người dân quê hương Kẻ Rỵ lập đền thờ. Tương truyền, tại đền thờ khi xưa còn lưu đôi câu đối ngợi ca, đại ý: Văn thơ nức tiếng người đời ai cũng biết/ Đức hiếu trung còn lưu mãi về sau.
Nếu “Trạng Quét” Lê Quát để lại cho hậu thế những câu chuyện về tài năng văn chương, thì Lê Giốc, con trai ông lại là nổi tiếng với tên gọi “Trạng Chửi”.
Lê Giốc (còn gọi là Lê Bá Giốc, Lê Giác) làm quan trải đến chức Thượng thư hữu bật Nhập nội hành khiển. Theo văn bia Văn chỉ Đông Sơn thì Lê Giốc đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi năm 1363, đời Trần Dụ Tông.
Đến thời vua Trần Nghệ Tông, Lê Giốc làm Tuyên phủ sứ Nghệ An. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép, thời gian đó quân Chiêm Thành liên tiếp đánh ra Bắc, quân nhà Trần bại trận. Sau khi em Trần Nghệ Tông là Trần Duệ Tông tử trận năm 1377 khi đi đánh Chiêm tại Chà Bàn, thế lực nhà Trần càng suy yếu.
Bấy giờ, Lê Giốc đang giữ chức Kinh doãn tại kinh thành, bị quân Chiêm bắt được. Theo dã sử, quân Chiêm muốn Lê Giốc hàng phục, ông khinh bỉ mắng nhiếc khiến tướng giặc Chiêm hổ thẹn phải bỏ đi. Bị ông chửi không ngớt miệng, chúng tức giận trói ông vào cột, chất củi thiêu sống. Lửa càng to thì lời chửi của ông càng vang dội, cho đến khi ông chết mới thôi, làm giặc phải khiếp vía.
Tương truyền khi tiếng chửi vừa dứt thì Lê Giốc cưỡi khói bay lên, chứng kiến cảnh lạ lùng ấy, quân Chiêm cho là người trời, lấy làm kinh sợ, vội quỳ xuống bái lạy.
Sau khi qua đời, Lê Giốc được người dân truy phong là “Mạ tặc trung vũ hầu” (trung dũng chửi giặc). Nhà sử học đời Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên đã khen ngợi Lê Giốc: “Bỏ sống để giữ nghĩa còn hơn là sống, cầu sống mà chịu nhục người quân tử không làm”.
Nếu Lê Quát đã dám lên tiếng phản đối những tiêu cực trong triều, thì Lê Giốc dũng cảm và mạnh mẽ thẳng thắn: “Tao là trọng thần nước lớn, há lại lạy mày là quân tiểu man à?” (theo sách Lịch triều hiến chương loại chí).
Thời nhà Nguyễn, nhà sử học Phan Huy Chú xếp Lê Giốc vào nhóm 7 bề tôi tiết nghĩa đời Trần. Vua Tự Đức cũng có thơ vịnh Lê Giốc: “Đời mạt văn tàn võ chẳng trau/ Quân thua một trận thật là đau/ Chỉ đem tấc lưỡi la quân giặc/ Để tiếng ngàn thu “Mạ tặc thần”.
Về xã Thiệu Trung hôm nay, đền thờ Lê Quát - Lê Giốc đã không còn. Tuy nhiên, hiện tại trên phần đất của một gia đình người dân thôn 3 vẫn còn am thờ Lê Quát. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Trọng Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Người dân Thiệu Trung bao đời nay vẫn dành sự kính ngưỡng cho hai cha con Lê Quát - Lê Giốc, danh sĩ thời Trần. Vài năm trước, huyện và xã đã có kế hoạch khảo sát khôi phục, tôn tạo đền thờ. Tuy nhiên, để thực hiện được vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.
“Đất họ Lê, nghề họ Vũ” câu nói ấy đã khẳng định vị trí của họ Lê trên đất Kẻ Rỵ xưa. Ngoài nhà sử học Lê Văn Hưu, hai cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc xứng đáng được có một ngôi đền để hậu thế phụng thờ, khói hương.
KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2025-01-17 10:19:00
Đền thờ Lê Lâm trên đất Phùng Giáo
-
2025-01-10 14:43:00
Thôn Rộc Răm tự hào có lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước
Thành hoàng làng Chu Văn Lương
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
Pù Luông - Mùa đông ngủ yên trên triền núi
Đất làng Hội Triều
Xứ Thanh trong tôi...
Gặp mặt kỷ niệm 63 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển
Đất làng Hà Châu