Nguyễn Thượng Hiền: Từ trí thức Nho học đến chí sĩ yêu nước
Là nhà nho yêu nước, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền đã để lại gia tài văn chương đồ sộ với hơn 600 bài thơ. Nhưng hơn hết ông là một chí sĩ nổi bật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tác động không nhỏ đến các sĩ phu yêu nước của Thanh Hóa.
Với những gắn bó, đóng góp cho vùng đất xứ Thanh, Nguyễn Thượng Hiền được đặt tên cho một tuyến đường giữa lòng TP Thanh Hóa. Ảnh: KIỀU HUYỀN
Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925), quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình khoa bảng, mới 16 tuổi, ông đi thi Hương lần đầu tiên và đỗ cử nhân ở trường thi Thanh Hóa. Năm 1885, ông đỗ đầu kỳ thi Hội nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh thành Huế thất thủ, ông lui về ở ẩn tại núi Nưa (Thanh Hóa). Ðến năm 1892, khi 24 tuổi, ông lại thi Ðình đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), và được bổ làm Toản tu ở Quốc sử quán, rồi thăng Ðốc học Ninh Bình (1901), Hà Nam (1905), Nam Định (1906).
Vốn được giáo dục bởi tư tưởng Nho gia nhưng ông lại ham đọc Tân thư, Tân văn và là một trong những người Việt Nam đầu tiên tiếp thu và truyền bá tưởng dân chủ tư sản của Khang - Lương (Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu - người Trung Quốc - có tư tưởng thay đổi chế độ và duy tân mọi mặt để chấn hưng đất nước), thích giao lưu với các chí sĩ yêu nước như Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...
Khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước: Duy Tân, Duy Tân hội - Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục đã tác động đến các nhân sĩ yêu nước của Thanh Hóa. Cụ thể, năm 1906, trước khi sang Nhật, cụ Phan Bội Châu đã dừng chân tại Thanh Hóa, gặp gỡ nhóm sĩ phu yêu nước xứ Thanh, cùng nhau bàn bạc về con đường cứu nước.
Tại đây, đốc học Nguyễn Thượng Hiền, một yếu nhân trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã tích cực truyền bá những tư tưởng cải cách văn hóa, xã hội theo xu hướng mới vào Thanh Hóa đặc biệt là vào tầng lớp trí thức với những tác phẩm nổi tiếng của Phan Bội Châu như “Việt Nam vong quốc sử”, “Hải ngoại huyết thư”... Qua đây, những người cùng tư tưởng với Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền... không chỉ được tìm hiểu về cuộc cách mạng dân chủ tư sản mà còn tìm thấy con đường cứu nước mới, để lập nên “Tân Đảng” và tham gia phong trào Đông Du, từ đó, dẫn tới sự ra đời một số trường học và cơ sở kinh tế theo mô hình “Nghĩa Thục”, như: Hạc Thành Thư xã, Phương Lâu Công ty. Đây cũng chính là những cơ sở bí mật hoạt động tuyên truyền yêu nước, nuôi dưỡng những mầm mống cách mạng trong Nhân dân Thanh Hóa, để rồi khi thời cơ đến sẽ thành một “động lực” của phong trào rộng lớn trên đất xứ Thanh, nhằm phối hợp với phong trào đấu tranh trong cả nước.
Nguyễn Thượng Hiền là một nhà Nho yêu nước, thiên về khuynh hướng dân chủ, cổ vũ duy tân, từ bỏ lập trường quân chủ, quan điểm Nho giáo lỗi thời. Những hoạt động nhiệt thành của ông trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào Đông du, Việt Nam Quang phục hội... có đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Cuộc đời thế nào thì thơ văn thế ấy. Trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Thượng Hiền là thi sĩ tài hoa. Ông đã để lại sự nghiệp văn học đa dạng với hơn 600 bài thơ, văn bằng chữ Hán, chữ Nôm, sáng tác trong 33 năm, từ 1885 đến 1918. Nếu giai đoạn đầu, khi chán ghét chốn quan trường, ông dồn tình cảm cho non sông đất nước: “Tổng hợp toàn bộ thơ thiên nhiên của Nguyễn Thượng Hiền, chúng ta sẽ có một bức tranh khá hoàn mỹ về non sông đất nước” (Trần Lê Sáng). Giai đoạn sau, các sáng tác của Nguyễn Thượng Hiền chủ yếu nhằm vận động chính trị, cổ vũ đấu tranh, phục vụ công cuộc cứu nước, kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên làm cách mạng, giành độc lập dân tộc. Những câu thơ như “Bế bồng luống những gào than/ Đầy đường nheo nhóc từng đoàn cảm thay/ Bút nào tả hết cảnh này/ Gửi thần mưa gió trên trời thấu cho”; “Thôi thôi càng nói lại càng rầu/ Mảnh áo đêm khuya thấm hạt châu/ Việc nước ai làm ra đến thế/ Cơ trời còn biết ngóng vào đâu?/ Hai bên gánh vác vai thêm nặng/ Muôn dặm xa xôi bước khó mau/ Giận biển sầu non như chẳng chuyển/ Câu thơ tín quốc để về sau”... cho thấy sự thấm thía và chia sẻ nỗi khổ đau, cơ cực của người dân mất nước.
Có thể khẳng định, ở Thanh Hóa, các sách vở liên quan đến Nguyễn Thượng Hiền không còn nhiều. Tuy nhiên, ông đã để lại dấu ấn không nhỏ. Trong lời bạt “Thanh Hóa kỷ thắng” (Vương Duy Trinh, NXB Thanh Hóa, 2021), chính Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Nguyễn Thượng Hiền đã viết (theo bản dịch, chú và giới thiệu của Vũ Ngọc Định - Nguyễn Huy Khuyến): “Kẻ hiền gia ở Hạc Thành đã hơn 20 năm, dấu giày lặn lội, chỉ tiếc là chưa đi được nhiều. Thường muốn đi thăm thú các danh thắng núi sông, nhưng đến nay cũng chưa được như lòng mong mỏi”... Đứng trước cảnh “núi sông tươi đẹp, tiếng anh linh sâu xa”, ông “lại mong tấc đất giang sơn này, mãi mãi xếp vào hàng danh hương”. Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền đã để lại nhiều bài thơ viết về thiên nhiên và cảnh đẹp của Thanh Hóa. Đáng chú ý là các bài thơ: Hạc thành xuân vọng (Ngắm cảnh mùa xuân ở thành Hạc), Hạc thành lữ cảm (Cảm xúc khi ở thành Hạc)... Hoặc trong “Hồi ký Lê Mạnh Trinh” (NXB Thanh Hóa, 2019) khi đề cập đến phong trào Đông Du, Lê Mạnh Trinh có nhắc đến Nguyễn Thượng Hiền và việc xuống tóc đi tu nhằm bảo tròn khí tiết. Dù Nguyễn Thượng Hiền mất trên núi Vân Sơn Cư ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào ngày 27/12/1925, thọ 57 tuổi, song “Lửa can tịnh thiêu xương người khí tiết, sống thanh cao mà chết cũng thanh cao; Đời văn minh mỏi mắt chốn quê hương, danh viên mãn mà chí chưa viên mãn” (Văn tế Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền do Phan Bội Châu viết).
Xuất thân từ Nho học, sẵn sàng từ bỏ quan trường, tránh xa mọi công danh phú quý để tiếp nhận tư tưởng duy tân theo khuynh hướng dân chủ, theo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân, thật ít người như Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền. Bởi thế mà tên ông đã được đặt tên cho đường phố, nhiều trường học ở Thủ đô Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh và ở các tỉnh, thành khác trong đó có Thanh Hóa.
KIỀU HUYỀN
Bài viết có sử dụng tài liệu trong các sách: Thanh Hóa kỷ thắng; Hồi ký Lê Mạnh Trinh và bài viết: Trí thức Thanh Hóa trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp 30 năm đầu thế kỷ XX...
{name} - {time}
-
2024-12-27 15:27:00
Trên đất Kẻ Đinh
-
2024-12-20 09:32:00
Cha con danh sĩ Lê Quát - Lê Giốc trên đất Kẻ Rỵ xưa
-
2024-11-22 09:53:00
Thành hoàng làng Chu Văn Lương