Bồi đắp cho “nền tảng tinh thần của xã hội” thêm vững chắc
Văn hóa gắn liền với sự tồn vong của dân tộc - “văn hóa còn thì dân tộc còn”, do đó, khi bàn về vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”!
Đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc). Ảnh: Hoàng Xuân
Nền văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa dân tộc ta nói riêng, là sự kết tinh từ những giá trị bền vững, những tinh hoa được bồi lắng, vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Nền văn hóa ấy được thể hiện qua chiều sâu của truyền thống yêu nước đã được thăng hoa thành lý tưởng, lẽ sống; ở ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết; ở lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống. Đồng thời, thể hiện qua tầm cao trí tuệ con người Việt Nam được phản ánh trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, giàu giá trị.
Văn hóa làm nên hồn cốt dân tộc. Do đó, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn quan tâm và phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển đất nước. Năm 1943, với sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã chỉ ra 3 nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa Việt Nam đó là “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng”. Từ đó đến nay, nhiều nghị quyết quan trọng về văn hóa đã ra đời, để truyền đi thông điệp ý nghĩa về vai trò của văn hóa như một nguồn lực nội sinh cho phát triển. Điển hình là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, năm 2014, Đảng đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết đã nhấn mạnh mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có thể nói, với sự ra đời của Nghị quyết số 33-NQ/TW, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước càng được khẳng định mạnh mẽ hơn.
Thanh Hóa - mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và một “cái nôi di sản của đất nước”. Vùng đất “căn bản” là nơi phát tích của nhiều vương triều phong kiến, đã in dấu ấn đậm nét vào lịch sử dân tộc. Đây cũng là mảnh đất đã sinh ra nhiều văn thần, võ tướng, mặc khách tao nhân đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Nơi đây từng là cái nôi của loài người và nhiều nền văn hóa, mà rực rỡ bậc nhất phải kể đến là văn hóa Đông Sơn. Cũng chính bề dày lịch sử và văn hóa ấy đã hun đúc nên một nền văn hóa xứ Thanh giàu có, đa dạng, với hàng trăm di sản văn hóa vật thể giàu giá trị, đã được xếp hạng các cấp và các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, làm dày thêm cho kho tàng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quán triệt sâu sắc quan điểm, sự định hướng của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa, trong 10 năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển văn hóa, đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trên tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, Thanh Hóa đặt mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, hướng đến các giá trị Chân, Thiện, Mỹ, giàu sắc thái văn hóa xứ Thanh. Đồng thời, hoàn thiện các chuẩn mực về giá trị văn hóa, con người Thanh Hóa trên cơ sở hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, đồng bộ từ trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thể chế, thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa để văn hóa, con người Thanh Hóa thực sự là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động thiết thực nhằm xây dựng con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, gắn với thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW, đã và đang được các địa phương triển khai lồng ghép trong các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Công dân kiểu mẫu”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”; “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”; “Xây dựng phong cách nhà giáo, trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam”; Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”...
Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục là một trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025; kế hoạch khảo sát, đánh giá khả năng xây dựng hồ sơ khoa học di tích Hang Con Moong đề cử UNESCO ghi vào Danh mục Di sản thế giới; Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa”... Nhiều di tích được tu bổ, phục hồi và tôn tạo đã và đang trở thành điểm du lịch, nghiên cứu, học tập của đông đảo du khách. Điển hình như di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, đền Bà Triệu, lăng miếu Triệu Tường... Đồng thời, nhiều lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.
Đặc biệt, việc huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế, công trình văn hóa được chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 567 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao (trong đó có 5 công trình cấp tỉnh, 20 công trình cấp huyện, 542/559 xã có trung tâm văn hóa - thể thao hoặc hội trường đa năng). Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4794/QĐ-UBND, ngày 31/12/2022 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, dự kiến bố trí nguồn lực cho công tác phát triển hệ thống thiết chế văn hóa khoảng 8.202,355 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2022-2025, dự kiến bố trí khoảng 5.176,185 tỷ đồng từ ngân sách các cấp và xã hội hóa cho công tác này. Việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nhất là những công trình văn hóa trọng điểm không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hóa của người dân; mà còn tạo thêm các điểm nhất kiến trúc cảnh quan cho diện mạo kinh tế - xã hội các địa phương.
...
Văn hóa vốn được kiến tạo, bồi đắp, gìn giữ và trao truyền qua các thế hệ con người Việt Nam. Đồng thời, mang sức mạnh nội sinh to lớn mà khi phân tích đến cùng các trọng tâm, động lực và mục đích của sự phát triển, người ta không thể không tìm đến văn hóa. Chính vì lẽ đó, trong sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa hiện nay và tương lai, không thể không đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, nhằm tạo nên một trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững.
Hoàng Xuân
{name} - {time}
-
2024-12-22 17:47:00
Cầu nối thông tin hữu ích ở các xã vùng “sáu Thanh”
-
2024-12-22 13:44:00
Xây dựng quy ước, hương ước gắn với thực tiễn đời sống
-
2024-04-12 22:14:00
Anh hùng dân tộc Lê Hoàn: Chiến công ghi mãi ngàn năm
Vĩnh Lộc: Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Theo Đảng vững bước ta đi”
[E-Magazine] - Nỗi nhớ vàng thơm như nắng
Mở ra trường phái ấn tượng trên đất Lam Kinh
Lễ hội đền Đức Thánh Cả, làng Đông Sơn
Triển khai Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III
Tết Hàn Thực có phải là Tết Thanh Minh không?
[Podcast] - Tản văn: Yêu những mùa lúa đơm bông
Tổ chức chuỗi hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trong trường học
Lễ hội Đền thờ Quang Trung được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia