Bác Hồ với quê Thanh (Bài 3): Những bông hoa trong vườn Bác
Tự hào được Bác Hồ 4 lần về thăm và làm việc, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Người... “Thanh Hóa... tỉnh kiểu mẫu”. Với mỗi người dân xứ Thanh, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành phong trào rộng khắp, vừa để tỏ lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa để cuộc sống của bản thân tốt hơn, góp phần dựng xây tỉnh nhà.
Ông Lê Hồng Xây, đảng viên chi bộ thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), đã xây dựng con đường vào khu nghĩa địa có chiều dài 515m, tổng khối lượng đất, đá là 2.056,3m3, kinh phí gần 850 triệu đồng.
“Tôi và gia đình mang ơn Bác Hồ”
Sinh năm 1945, ông Lê Hồng Xây, thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) nguyên là cán bộ ngành bưu điện. Trong những năm giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, chính ông là người chuyển “Thư khen trung đội lão dân quân xã H. (Thanh Hóa) bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 trên miền Bắc”. Sau này ông là thành viên đội hỏa tốc đặc biệt làm nhiệm vụ đảm bảo liên lạc chuyển tài liệu từ trung ương đến Vĩnh Linh (Quảng Trị)... Vợ ông - bà Nguyễn Thị Duyên chính là người chỉ huy trận chiến đấu thứ 2 bắn rơi máy bay của trung đội nữ dân quân Hoằng Trường. “Đi qua chiến tranh, chúng tôi càng hiểu giá trị của hòa bình. Vì thế khi xã thực hiện XDNTM kiểu mẫu, mong muốn của tôi là được đóng góp một phần kinh phí”.
Khi Tập đoàn Flamingo vào đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng để phát triển du lịch. Có khoản tiền bồi thường từ đất, ông bàn với vợ và các con hỗ trợ địa phương làm lại con đường ra nghĩa địa. Thay bằng con đường rộng khoảng 2m, thấp ngang mặt ruộng, trời mưa đi lại khó khăn, cô nhìn xem giờ chúng tôi có thể đưa người quá cố sang với “thế giới bên kia” bằng xe ô tô. Con đường được ông xây dựng có chiều dài 515m, tổng khối lượng đất, đá là 2.056,3m3, kinh phí gần 850 triệu đồng.
Ngoài ra bản thân và gia đình đã cùng với Ban phát triển thôn vận động Nhân dân trong thôn hiến tường rào, công trình xây dựng nhà ở để mở rộng đường
giao thông.
Bằng tấm lòng của mình, cộng với tinh thần gương mẫu, ông Lê Hồng Xây đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen, trong đó ông đã được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chia sẻ về điều này ông Xây nói: “Được khen thưởng vinh danh là điều rất tự hào, nhưng tôi tự hào là mình đã vượt qua được sự hẹp hòi, ích kỷ, vượt qua những nỗi sợ ì xèo xung quanh, để sẵn sàng cống hiến vì thôn, vì xã của mình”.
Đưa ánh sáng về Cao Hoong
Có 17 năm làm trưởng thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao (Bá Thước), bà Hà Thị Tự... biết rất rõ những khó khăn của thôn.
Cao Hoong - thôn đặc biệt khó khăn của xã Lũng Cao có 24 hộ/106 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Vì thế, ngoài việc đi đầu tuyên truyền vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bà Hà Thị Tự còn chú trọng công tác gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường; vận động Nhân dân bảo vệ rừng; huy động bà con đóng góp đất đai, công sức xây dựng các công trình phúc lợi: đập tràn Nặm Oong, tuyến mương dài 200m phục vụ nước tưới cho 4,8ha lúa, các tuyến đường nội đồng, đường sân bóng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng...
Sự kiện quan trọng nhất với bà Hà Thị Tự là thôn Cao Hoong - một trong những thôn của tỉnh Thanh Hóa được tài trợ các bộ thiết bị năng lượng mặt trời dùng để thắp sáng. 4 phụ nữ người dân tộc thiểu số, trong đó có bà Hà Thị Tự đã được tham dự khóa học về năng lượng mặt trời, từ tháng 3 đến tháng 9/2015 tại Trường Barefoot ở Tilonia, Ấn Độ. Bà Tự là một trong số những người phụ nữ được lựa chọn gửi đi đào tạo. “Sau 6 tháng, tôi đã có thể lắp nối các mạch điện của đèn xách tay, vận hành bộ điều khiển sạc và máy kích điện, lắp ráp các bộ phận hoàn chỉnh”, bà Tự cho biết.
Khi các bộ đèn năng lượng mặt trời được chuyển về, bà Tự đã lắp đặt cho các hộ dân trong thôn Cao Hoong và các thôn lân cận như Kịt, Pốn. Sau này, mỗi khi đèn nhà ai hỏng, người dân lại gọi bà đến sửa chữa. Những việc làm của bà Tự đến nay vẫn được bà con ghi nhớ và đánh giá cao.
Không chỉ mang đến ánh sáng cho người dân, gia đình bà Tự đã hiến hơn 3 sào đất để thôn xây nhà văn hóa và sân vận động. Nhiều mô hình mới canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn đã được bà hướng dẫn cho người dân.
Vẫn còn lâng lâng cảm xúc vì được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và được trao biểu trưng tôn vinh tại Chương trình Giao lưu điển hình toàn quốc trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, bà Hà Thị Tự, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) khẳng định: Với phương châm, “biến không thành có, biến khó thành dễ”, mỗi người góp chút công sức thì thôn sẽ bớt nghèo, người dân sẽ đỡ khó khăn.
“Cán bộ nào, phong trào ấy”
Đã 8 năm làm bí thư chi bộ thôn, cùng với Nhân dân thôn Trung Tiến, xã Nga Hải (Nga Sơn) sau khi được công nhận thôn NTM kiểu mẫu năm 2022, đến năm 2024 thôn đã hoàn thành tiêu chí thôn thông minh, chị Đỗ Thị Hằng tự đúc rút ra 4 yêu cầu cần phải thực hiện. Đó chính là tính chỉ đạo của cấp ủy; sự đoàn kết nội bộ; Sự nêu gương của cán bộ; và công khai minh bạch từ kế hoạch, cách làm đến từng người dân.
Khi xác định được điều đó, việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu ở thôn Trung Tiến khá dễ dàng. Bí thư chi bộ thôn Đỗ Thị Hằng cho biết: Tôi tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Đơn cử như để hoàn thiện thiết chế nhà văn hóa thôn kiểu mẫu, để huy động nguồn lực từ sự đóng góp kinh phí của người dân còn là sự quyết liệt và nêu gương của lãnh đạo thôn. Vì thế mà rất nhanh, nhà văn hóa đã được mở rộng nâng cấp 2.700m2, với hệ thống sân, kè ao, vườn hoa cây cảnh; bàn ghế, màn hình tivi được trang bị đầy đủ, thuận lợi cho người dân đến sinh hoạt văn hóa tinh thần.
Chị Đỗ Thị Hằng cho biết thêm: Thôn có 152 hộ với 548 khẩu, với 38 đảng viên đang sinh hoạt tại thôn và 36 đảng viên giữ mối liên hệ nơi cư trú. Thu nhập bình quân của người dân đạt 86 triệu đồng/ người/ năm. Kinh tế có thể làm ra được, nhưng để thay đổi tư duy và nhận sự đồng thuận của người dân là không hề dễ.
Nhưng cũng ít ai nói được, làm được như chị Đỗ Thị Hằng. Gần đây nhất, để vận động 3 hộ dân lùi tường mở đường, chị phải nhiều lần thuyết phục. Bởi đây là 3 hộ khó khăn, trong khi dự án không có tiền bồi thường. Để chia sẻ với 3 hộ này, chị Hằng đã xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận của chi bộ trong việc hỗ trợ 70% giá trị xây dựng công trình bị phá dỡ. Ngoài một phần nhỏ kinh phí của chi bộ, chị vận động các hộ dân có điều kiện, một số doanh nghiệp... Đến nay, đoạn đường này đã rộng rãi và được trải nhựa.
Nhờ sự nhận thức đúng về ý nghĩa của cuộc vận động XDNTM kiểu mẫu, thôn thông minh của cán bộ thôn và người dân, đến nay, đường thôn Trung Tiến có chiều rộng ít nhất là 3,5m; rộng nhất
là 8,3m.
Chỉ trong vài năm nhưng quả thật thôn Trung Tiến đã thay đổi hoàn toàn. Cuối năm 2024, thôn đã được nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho tập thể có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Đối với cá nhân tôi, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bắt đầu từ việc gần gũi, cảm thông với người dân; gương mẫu đi đầu khéo léo trong công tác dân vận; trong cương vị lãnh đạo thì mạnh mẽ, lập trường quyết đoán”, Bí thư chi bộ thôn Đỗ Thị Hằng chia sẻ.
64 năm sau ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần cuối, những hình ảnh, những câu chuyện của Người vẫn luôn là sự linh thiêng, là niềm tin, là nỗi nhớ đối với người dân xứ Thanh. Xin thắp lên nén nhang tri ân vị lãnh tụ của dân tộc, và mỗi người dân Thanh Hóa lại nguyện nỗ lực thực hiện những điều Người đã căn dặn.
Bài và ảnh: BẢO ANH
{name} - {time}
-
2025-05-20 15:29:00
Thủy Chú “xinh tốt đáng ưa”
-
2025-05-20 15:27:00
Thúc đẩy du lịch xanh, kiến tạo giá trị bền vững
-
2025-05-20 15:04:00
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 2): Nhớ mãi ngày gặp Bác!
Bác Hồ với quê Thanh (Bài 1): Từ động viên, ghi nhận đến những lời căn dặn
Khơi dậy sức mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời đại mới
Xứ Thanh kết đài hoa dâng Bác...
Cùng Người vươn tới mãi
Khát vọng cùng quê hương đẹp hơn mỗi ngày
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 3): Khúc ca ngày mới
“Huyền thoại” Hàm Rồng (Bài 3): Luôn có một niềm tin
Hùng ca Hàm Rồng - sông Mã (Bài 2): Rực lửa chiến công
Huyền thoại Hàm Rồng