(Baothanhhoa.vn) - Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp sinh nhật Bác, những người có may mắn được gặp Bác lại chộn rộn cảm xúc khó tả. Đối với họ, Bác Hồ là "lẽ sống niềm tin”.

Bác Hồ với quê Thanh (Bài 2): Nhớ mãi ngày gặp Bác!

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp sinh nhật Bác, những người có may mắn được gặp Bác lại chộn rộn cảm xúc khó tả. Đối với họ, Bác Hồ là "lẽ sống niềm tin”.

Bác Hồ với quê Thanh (Bài 2): Nhớ mãi ngày gặp Bác!

Ông Nguyễn Trọng Thể (sinh năm 1937), ở thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa nhắc lại lần gặp Bác ở Sân vận động tỉnh năm 1961.

Xã có 5 người được gặp Bác Hồ

Ở tuổi gần bách niên, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm những lần được gặp Bác, ông Lê Trung Dĩnh, ở thôn Đạt Tài 2, xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) vẫn móm mém kể lại: “Tôi có 3 lần được gặp Bác. Nhưng tôi nhớ nhất là lần đầu tiên, sau khi tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ, tôi được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân”. Ấn tượng của ông về Bác Hồ trong lần gặp này là tình cảm ân cần và những lời thăm hỏi, động viên Người dành cho những học viên - người lính trẻ vừa trở về từ chiến trường. “Ngày mai duyệt binh (2/9/1957), Bác đến cho các chú nhìn thấy Bác, để không phạm quy”, và động viên: “Các chú chiến thắng rồi thì giờ về đây các chú phải học giỏi", là những lời nói mãi ngân vang trong lòng ông Dĩnh.

Cũng như ông Dĩnh, vì tham gia trong đoàn duyệt binh nên ông Nguyễn Trọng Lục (sinh năm 1940) có 3 lần được gặp Bác Hồ. “Hình ảnh Bác trên sách báo cũng đủ để chúng ta thấy gần gũi rồi, và khi giọng Bác cất lên, đối với lính trẻ chúng tôi ngoài mệnh lệnh còn chan chứa tình cảm thân thương”.

Ông Lê Sỹ Hứa, ở thôn Đạt Tài 1 nhớ mãi khoảng thời gian năm 1957. Lần ấy, Bác Hồ đến thăm đơn vị ông đóng quân ở thôn Ô Cách, xã Trường Lâm, huyện Gia Lâm (nay là quận Gia Lâm, Hà Nội). Ông nhớ bước chân của Bác khi đi thăm nhà ăn, nhà bếp, công trình vệ sinh, nơi ăn chốn ở của bộ đội. Bác căn dặn cán bộ phải giáo dục bộ đội cho tốt, phải tôn trọng chính sách dân vận của quân đội. “Chưa đến 30 phút, Bác lại đi, nhưng “đó là may mắn của một người lính như tôi. Được gặp Bác là hạnh phúc”. Những lời Bác nói về việc giáo dục bộ đội là động lực để cả đời quân ngũ, đi qua hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ông luôn giữ vững tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc. Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội... tặng cho ông là minh chứng vẻ vang cho cuộc đời học và làm theo Bác của người lính Lê Sỹ Hứa.

Còn với ông Nguyễn Trọng Thể (sinh năm 1937), ở thôn Đạt Tài 2, được nhìn thấy Bác ngay trên mảnh đất xứ Thanh là kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là lần thứ 4 Bác Hồ về thăm và làm việc với Thanh Hóa. Lúc bấy giờ, ông đang là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 57, Quân khu Hữu Ngạn (trước thuộc Sư đoàn 304). Ông kể lại: Trong không khí sôi động, Bác đã bắt nhịp, đồng bào và Nhân dân Thanh Hóa đồng ca bài ca “Kết đoàn”. Ai nấy đều hát vang thể hiện khát vọng và quyết tâm của mình.

Trên quê hương Thanh Hóa, có rất nhiều người từng được gặp Bác Hồ trong nhiều bối cảnh khác nhau, và họ có một điểm chung: đều là những người con ưu tú của quê hương, là những cán bộ, đảng viên, quân nhân, người lao động gương mẫu, trọn đời học và làm theo Bác. Những lời dạy ân cần của Người đã trở thành động lực tinh thần to lớn để mỗi người không ngừng phấn đấu, rèn luyện.

Những người được dự lễ tang Bác Hồ

Khi còn ở Tiểu đoàn 135 đóng quân trên đảo Vạn Hoa (tỉnh Quảng Ninh), ông Hoàng Tiến Lực (sinh năm 1932), quê ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa đã từng được gặp Bác Hồ. Ông Lực kể lại: Đó là ngày 13/11/1962, bước xuống thang chiếc máy bay là Bác Hồ với bộ quần áo lụa, màu gụ đã bạc, đầu đội mũ cát rộng vành, chân đi đôi dép cao su có quai rất to được làm bằng săm ô tô và đế dép làm bằng lốp ô tô. Tận mắt nhìn thấy Bác tự tay sửa lại đôi dép cao su bị đứt quai, chứng kiến bữa cơm đạm bạc và những cử chỉ ân cần khi Bác nói chuyện, dặn dò cán bộ, chiến sĩ: phải cảnh giác, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí cho tốt... và dù công tác ở dưới tàu, hay trên bờ đều có chung nhiệm vụ nên các chú yên tâm công tác... khiến ông Lực không bao giờ quên những hình ảnh đó.

Năm 1969 khi Bác mất, ông Hoàng Tiến Lực là một trong số 100 cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu của lực lượng Hải quân về dự lễ tang Người tại Quảng trường Ba Đình. Dù Bác Hồ đi xa, song lời dạy của Bác và những cử chỉ ân cần của Bác luôn đọng mãi trong tâm trí ông.

Thấm nhuần, khắc ghi lời Bác dạy, trong suốt cuộc đời đi theo Đảng, ông Lực luôn nỗ lực và đạt nhiều thành tích với phần thưởng là huân, huy chương các loại.

Với Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển, 3 lần gặp Bác là những trạng thái cảm xúc khác nhau. Bà chậm rãi bà kể lại: Sau trận đấu ác liệt với không quân Mỹ diễn ra ngày 25/6/1965, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngày 30/12/1966, tôi đại diện cho cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa tham gia Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ IV họp ngày 30/12/1966 tại Hà Nội. Tại đây, tôi vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Vừa rơm rớm nước mắt, bà Tuyển nói thêm: “Hạnh phúc lắm, vì tôi được ưu tiên ngồi cạnh Bác lúc đại hội giải lao, được Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, chuyện gia đình, chuyện của dân quân tự vệ Nam Ngạn... Trong tôi, Bác lúc nào cũng giản dị, ân cần, trìu mến”. Năm 1969 khi đang điều trị tại Hà Nội, bà bất ngờ được đón đi đo quần áo và đưa về nhà khách Bộ Quốc phòng cùng một số cán bộ cấp cao. Đến đây, bà mới biết mình là một trong số ít người được gặp Bác lúc Bác ốm nặng.

Lần cuối cùng nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển được nhìn thấy Bác, đó là giây phút Bác về cõi người hiền. Sau đó, bà còn vinh dự được dự lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. “Bác Hồ đã ra đi nhưng hình bóng Người luôn sống mãi trong trái tim tôi. Cả cuộc đời tôi nhớ về Bác. Mỗi khi nhớ Bác tôi không sao cầm được nước mắt”, bà Tuyển nói. Kể từ đó, trong căn nhà nhỏ của bà có thêm bàn thờ Bác Hồ. Nhiều năm trôi qua, biết bao câu chuyện bà đã dần quên, thậm chí không muốn nhớ đến, nhưng “hình ảnh Bác Hồ thì mãi tươi nguyên, ánh mắt Bác lúc nào cũng cười với tôi”.

Tôi gặp Bác trong hình ảnh chiếc huy hiệu

Gặp được Bác Hồ là điều may mắn với bất cứ ai, và kể cả những người dù chưa từng được gặp Bác thì nghĩ về Bác, nhắc đến Bác họ cũng đầy tự hào và xúc động mỗi khi nhắc đến Bác

Hiện đang sống tại khu 6, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa), thương binh, Anh hùng lao động Hà Văn Dân vừa tròn 78 tuổi. Vốn là công nhân Công ty Lâm nghiệp Quan Hóa, ông Dân thường xuyên đi bè vận tải dọc sông Mã.

Thời điểm 1964 - 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn gian khổ, ác liệt. Đơn vị của ông có nhiệm vụ thu gom luồng, gỗ từ vùng thượng nguồn sông Lò, sông Luồng, sông Mã. Sau đó, tập kết về bến Hồi Xuân (Quan Hóa), rồi vận chuyển xuống Cửa Hà (Cẩm Thủy), để phục vụ kháng chiến.

Những cây gỗ, cây luồng từ miền Tây xứ Thanh được đưa ra chiến trường để làm hầm, công sự, lán cho bộ đội. Đặc biệt, là làm cầu phao cho người, phương tiện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Mỗi cây luồng, khối gỗ là một viên đạn của hậu phương gửi ra tiền tuyến, góp phần đánh thắng giặc Mỹ.

Có hàng trăm lần chinh phục sông Mã với những chuyến bè gỗ (thường từ 11 - 12 khối), bè luồng (chừng 5 - 6 trăm cây), nhưng cái lần ông vật lộn hàng tiếng đồng hồ cứu bè gỗ 12 khối vào bên bờ, được đăng trên báo, đọc được thông tin này, Bác Hồ rất khen ngợi và tặng huy hiệu cho ông vì đã “Dũng cảm cứu tài sản Nhà nước”.

“Chính chiếc huy hiệu của Bác Hồ mà cả đời tôi luôn nỗ lực để có nhiều thành tích xứng đáng với niềm vinh dự ấy”, ông Dân cho biết. Sau này, tháng 12/1973, ông đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1978, thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam ông tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại Cu Ba. Từ khóa IV đến khóa VII, ông liên tiếp được bầu làm đại biểu Quốc hội...

Vinh dự là 1 trong 3 xã viên Hợp tác xã Yên Trường (Yên Định) được Bác Hồ tặng huy hiệu khi Người về thăm năm 1961. 64 năm trôi qua, ký ức về lần gặp Bác và được Bác trao huy hiệu vẫn đậm sâu đối với bà Hoàng Thị An (thôn Thạc Quả). “Khi ấy tôi vừa bước sang tuổi hai mươi. Tôi vẫn nhớ Bác dặn: Cháu cố gắng lên lập nhiều thành tích cho sau Bác về nữa, các em học sinh không phải nhà tranh vách nát... Rồi Bác còn nói: thành tích của cháu Minh (ông Trịnh Gia Minh - người cũng được Bác Hồ trao huy hiệu) và cháu An mới là bước đầu, còn phải cố gắng hơn nữa, hàng năm nhớ viết thư về báo công cho Bác.

“Chỉ duy nhất một lần gặp Bác, nhưng mỗi lần nhìn vào chiếc huy hiệu, hình ảnh Bác Hồ nhắc nhở tôi phải cố gắng hơn nữa là thế”, bà An nói rất vui vẻ.

Tình cảm, sự biết ơn và trân trọng đối với Bác Hồ trong lòng người dân Thanh Hóa sẽ không có lời nào tả hết. Mỗi người có một cách lưu giữ hình ảnh, kỷ niệm của Bác riêng. Minh chứng rõ nét cho điều đó là mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thanh Hóa đã đang và luôn đoàn kết gắng sức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]