Âm vang ngày hội văn hóa gắn với phát triển du lịch thác Mây
Xuất phát từ TP Thanh Hóa, sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt trên đường Hồ Chí Minh, cửa ngõ phía Bắc của huyện Thạch Thành. Từ đường Hồ Chí Minh vào đến thác Mây, thuộc thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm (Thạch Thành) gần 10km. Hai bên đường, những điểm dừng chân, hàng quán của các hộ dân mở ra thuận lợi cho du khách nghỉ ngơi, ngắm cảnh núi non hùng vĩ. Đây là năm thứ 3, xã Thạch Lâm tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch thác Mây.
Phụ nữ dân tộc Mường thi đánh mảng trong Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch thác Mây năm 2024. Ảnh: T.N
Náo nức ngày hội
Trong khung cảnh núi rừng, tiếng cồng chiêng rộn vang. Trên sân nhà văn hóa thôn Đăng Thượng, tiếng reo hò cổ vũ cho các đội chơi bóng chuyền, đánh mảng... Những ngày diễn ra ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch thác Mây, Nhân dân và du khách được tham quan trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian; ném còn, đánh mảng; được thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương và khám phá thác Mây – một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam.
Thạch Lâm là vùng đất cửa ngõ của huyện Thạch Thành, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương và là nơi tiếp giáp, giao thoa văn hóa với các vùng như: Bá Thước, các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình. Nhắc đến Thạch Lâm là nhắc đến vùng đất có nhiều nét văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc còn được lưu giữ của đồng bào dân tộc Mường. Người Mường ở Thạch Lâm hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa phong phú, mang sắc thái văn hóa riêng, đặc sắc, như: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”; các loại hình diễn xướng dân gian như cồng chiêng, hát ru, sắc bùa, mo Mường...; các trò chơi dân gian như đánh mảng, tung còn, bắn nỏ, chơi đu...; các phong tục tập quán tốt đẹp; món ăn truyền thống đặc sắc như xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá bính sông Ngang, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng...; trang phục thổ cẩm váy áo Mường. Đặc biệt, Thạch Lâm còn lưu giữ được hệ thống nhà sàn đặc trưng với trên 85% là nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường, đây là tài sản văn hóa đặc biệt quý giá, góp phần quan trọng trong nền văn hóa bản địa. Thạch Lâm còn có vị trí địa lý thuận lợi để kết nối với các vùng miền trên cả nước thông qua đường Hồ Chí Minh. Trong những năm qua cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự vào cuộc chung tay góp sức của Nhân dân, hệ thống hạ tầng của xã từng bước được nâng cao nhiều dự án được hoàn thành góp phần chỉnh trang tổng thể địa phương, tạo thuận lợi trong giao thương kết nối giữa các vùng miền, giúp giảm khoảng cách giữa các địa phương trong huyện.
Đánh thức tiềm năng du lịch phát triển
Những năm qua, trên cơ sở những tiềm năng thế mạnh sẵn có, Thạch Lâm đã từng bước bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa gắn với cải cách hành chính, chuyển đổi số, XDNTM, từ đó thu hút các nguồn lực về đầu tư tại địa phương tạo cơ hội để Nhân dân và doanh nghiệp phát triển. Nét nổi bật trong tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch ở Thạch Lâm chính là thiên nhiên đã ưu ái dòng thác Mây hoang sơ, kỳ vĩ. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có các điểm check in đẹp như sông Ngang, sông Bưởi, cầu Cúc Phương IV, cầu treo thôn Đồi. Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống hiện còn lưu giữ tại vùng đất Thạch Lâm là điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch địa phương phát triển. Nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Đăng Thượng nói riêng, xã Thạch Lâm nói chung đã và đang bắt tay vào làm du lịch cộng đồng, trong đó có những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám mạnh dạn đầu tư cho phát triển du lịch. Đặc biệt, từ năm 2022, Thạch Lâm tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai trương du lịch thác Mây và được duy trì cho đến nay. Năm 2023, thác Mây đã đón trên 100.000 lượt du khách trong và ngoài nước về tham quan, trải nghiệm.
Thác Mây thu hút du khách về tham quan, trải nghiệm, tắm mát. Ảnh: T.N
Ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm chia sẻ: Năm 2024 là năm thứ 3 Thạch Lâm tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch thác Mây. Đây là sự kiện quan trọng, thể hiện sự quyết tâm, vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã. Thông qua các hoạt động trong ngày hội, Thạch Lâm mong muốn giới thiệu, quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của địa phương đến với du khách trên mọi miền Tổ quốc; tạo điều kiện cho việc hợp tác trong lĩnh vực văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường kết nối tour, tuyến, thu hút du khách. Đồng thời là cơ hội để xã Thạch Lâm kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh; thu hút các nhà đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, về thương mại dịch vụ đầu tư xây dựng tại xã Thạch Lâm. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế hình ảnh miền đất văn hóa con người Thạch Lâm đến với bạn bè, Nhân dân, du khách thập phương. Để khai thác các lợi thế về cảnh quan tự nhiên của khu vực, hình thành các mô hình khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, trải nghiệm khám phá sông núi, thưởng thức văn hóa truyền thống và con người Thạch Lâm một cách bài bản xứng tầm với giá trị thiên nhiên ban tặng, trong thời gian tới Thạch Lâm sẽ tập trung nguồn lực, tạo mọi điều kiện để người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển. Từng bước chuyển hóa tài nguyên ở dạng tiềm năng theo định hướng phân khu quy hoạch trở thành những sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ XXV, Đại hội Đảng bộ xã Thạch Lâm lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-06-20 09:51:00
Huyền bí thác Trai Gái
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
Viết lên hy vọng - Cuốn nhật ký đã làm rung chuyển nền giáo dục Mỹ
Thanh Hóa chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát”
Liên kết vùng để phát triển du lịch
Huy động nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo thu hút khách du lịch
Khám phá những hang cá “thần” trên quê hương xứ Thanh
Non nước Cửa Bạng
Bác Hồ sống mãi
“Tình Bác như ngàn hoa tỏa ngát”