(Baothanhhoa.vn) - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, “đúng vai, thuộc bài” thì ít va vấp. Đó cũng là biểu hiện sinh động của việc làm tốt công tác cán bộ, để mỗi người đều làm tốt việc của mình, thượng tôn pháp luật. Và khi mỗi cán bộ đều “đúng vai, thuộc bài”, nhiều “cánh cửa” hy vọng, tươi sáng sẽ mở ra, trên nhiều lĩnh vực...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làm tốt công tác cán bộ - “đánh chìa khóa” mở nhiều “cánh cửa”

Kỳ cuối: “Đúng vai, thuộc bài” và những “cánh cửa” mở ra

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, “đúng vai, thuộc bài” thì ít va vấp. Đó cũng là biểu hiện sinh động của việc làm tốt công tác cán bộ, để mỗi người đều làm tốt việc của mình, thượng tôn pháp luật. Và khi mỗi cán bộ đều “đúng vai, thuộc bài”, nhiều “cánh cửa” hy vọng, tươi sáng sẽ mở ra, trên nhiều lĩnh vực...

Kỳ cuối: “Đúng vai, thuộc bài” và những “cánh cửa” mở ra

Để ít xảy ra va vấp

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức sáng 30-12-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phân tích, nhấn mạnh rằng: Đúng vai tức là đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng việc làm, đúng vị trí. Việc gì đáng làm, việc gì người khác làm, đừng làm việc của người khác, việc của mình thì bỏ. Thuộc bài là nắm vững chức năng, nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách, hiểu biết. Bất cứ cương vị nào cứ làm đúng vai, thuộc bài thì ít xảy ra va vấp... Câu khái quát, đúc kết dễ nhớ, dễ hiểu “đúng vai, thuộc bài” sau đó được lan tỏa rộng rãi, trở thành câu trích dẫn của nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp trong những diễn văn, phát biểu, chỉ đạo điều hành công việc.

Về đúng vai, trong thực tế nếu như làm đúng việc của mình, cả theo nghĩa là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, cũng như làm đúng luật pháp là điều hiển nhiên, ai cũng phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc. Thế nhưng, ở nhiều nơi, nhiều khi vẫn diễn ra những bất cập, khá phổ biến là trường hợp nhiều người thường không chú tâm vào công việc được giao nhưng lại rất hay “để ý” việc của người khác, thậm chí cản trở, ngăn cản người khác làm việc hiệu quả. Bên cạnh đó, không ít trường hợp nhìn người khác rồi làm theo, nhưng lại theo chiều hướng không tích cực, làm việc qua loa, đại khái cho xong... Tinh thần làm việc thiếu trách nhiệm, nhiệt tình, thờ ơ nên chất lượng công việc kém, hiệu quả không cao. Đã thế, những người làm việc tích cực lại không được khích lệ, động viên kịp thời, đúng lúc, có thể gây tâm lý hoài nghi, cảnh giác, mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ bè phái trong tập thể...

Trong thực tế, không ít cán bộ không làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, trình độ không ngang tầm nhiệm vụ nên thiếu tự tin, thiếu bản lĩnh, thậm chí còn dò xét cấp dưới, nhất là những người có ý kiến trái chiều với mình, ưa thích những người biết điều, ngọt nhạt, nịnh nọt, bợ đỡ... nên không công tâm, khách quan trong đánh giá nhân viên. Cũng vì thiếu tự tin, “mặc áo quá rộng” nên cán bộ không quyết đoán, không dám đột phá đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ mong cầu sự yên ổn... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lề lối, môi trường, hiệu quả làm việc của cả tập thể trong cơ quan, đơn vị.

Về thuộc bài, không ít trường hợp cán bộ chưa thuộc bài, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt khách quan, do công tác cán bộ không được triển khai đúng pháp luật, chưa trung thực, khách quan, công tâm nên vẫn không ít trường hợp bổ nhiệm kiểu “chín ép”, “thần tốc”, cố tình bỏ qua những quy định pháp luật. Có những cán bộ không nắm vững chức năng, nhiệm vụ, luật pháp, cơ chế, chính sách. Có những cán bộ trình độ không ngang tầm nhiệm vụ gây trì trệ, ì ạch, rối loạn cả bộ máy... Về mặt chủ quan, nhiều người dù thiếu trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tư cách đạo đức không trong sáng, không đủ 3T (tâm - tầm - tài) nhưng vẫn tìm mọi cách để chạy chọt, lo lót làm sao để được thăng quan, tiến chức.

Rõ ràng, không có con số thống kê chính xác, không thể ước đoán được số lượng cụ thể những cán bộ không được bố trí sắp xếp, làm việc đúng vai, thuộc bài. Nhưng chắc chắn, điều này không phải hiếm hoi, cá biệt. Cứ nhìn vào những vụ việc cán bộ tham nhũng, lãng phí, kéo bè kéo cánh, trù dập người tố cáo tham nhũng... mà báo chí phát hiện, thông tin trong suốt thời gian qua có thể dễ dàng kiểm chứng. Và để ít xảy ra va vấp, vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý, chỉ có thực hiện đúng những gì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khái quát: Làm đúng vai, thuộc bài!

Những “cánh cửa” mở ra

Cả về mặt lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng, nếu làm tốt công tác cán bộ, nói giản dị là khi cán bộ làm đúng vai, thuộc bài thì sẽ không có va vấp, không gây ra những hệ lụy tiêu cực, những hậu quả đáng tiếc. Nói cách khác, nếu vấn đề nhân sự được thực hiện một cách khách quan, công tâm, khoa học, đúng người, đúng việc, đúng tầm chiến lược thì sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, hoặc ví von hình ảnh là nhiều “cánh cửa” sẽ được mở ra, giúp cá nhân, tập thể bước tới những cái đích đặt ra như kỳ vọng. Việc làm tốt công tác cán bộ cũng như quá trình “đánh chìa khóa” để mở ra nhiều “cánh cửa”, hay việc bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Những “cánh cửa” ấy, có thể bước đầu hình dung như sau:

- Thứ nhất, làm tốt công tác cán bộ cũng là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Đó cũng là việc triển khai thiết thực Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Có như thế, cán bộ mới thực sự là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ đúng là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

- Thứ hai, làm tốt công tác cán bộ sẽ góp phần ngày càng hoàn thiện những quy định, chính sách pháp luật về công tác cán bộ, để cán bộ thực sự là cái gốc, là nhân tố, là khâu then chốt quyết định sự thành công của mọi công việc, để hiện thực hóa Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Có như vậy, mọi “dây chuyền” của tất cả các “bộ máy” đều vận hành trơn tru, hiệu quả chứ không trục trặc, tê liệt. Và khi ấy, cán bộ sẽ thực sự là những “đầu tàu”, là thủ lĩnh thực sự uy tín, công tâm, đáng kính của đơn vị đủ sức chèo lái con tàu đi đến bến bờ đã định. Làm tốt công tác cán bộ, vì thế, chính là giải pháp quan trọng để xây dựng bộ máy nhà nước vững mạnh.

- Thứ ba, làm tốt công tác cán bộ cũng chính là công việc quan trọng để “xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, đúng như quan điểm của Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Làm tốt công tác cán bộ sẽ là bước quan trọng, quyết định đến việc xây dựng được đội ngũ cán bộ chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Đồng thời, đó cũng là triển khai thực hiện quá trình “kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài” (Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII).

- Thứ tư, làm tốt công tác cán bộ sẽ góp phần chặn đứng tình trạng tham nhũng, lãng phí, những tiêu cực, khuất tất, những mất đoàn kết nội bộ, rối ren, bất công... trong xã hội. Khi ấy, mọi cán bộ đều được đặt đúng vị trí, đúng khả năng, trình độ của mình và việc sử dụng cán bộ thực sự như cổ nhân dạy rằng “dụng nhân như dụng mộc”. Và khi việc sử dụng người cũng tuân theo nguyên tắc của người thợ mộc chọn gỗ làm đồ thì sẽ không có sự bố trí cán bộ “lệch vai”, trái sở trường, không có việc tiêu cực, “chạy chức, chạy quyền”, “lợi ích nhóm”... dẫn đến những sai lầm gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí với cá nhân cán bộ thì “thân bại, danh liệt”, với tập thể thì suy yếu, mất cán bộ, với xã hội thì suy giảm lòng tin, giảm sút ý chí phấn đấu, cống hiến...

- Thứ năm, làm tốt công tác cán bộ sẽ tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, chuyên nghiệp, mọi cá nhân đều được đối xử bình đẳng, kích thích sự hăng say lao động, làm việc, tư duy đổi mới, đột phá, vì tập thể, dám nghĩ dám làm. Thực tế, con người chính là tài sản quý nhất của mỗi đơn vị, là nền tảng cơ bản để đơn vị xây dựng, phát triển. Khi tạo được môi trường làm việc lý tưởng, mọi người đều được tạo cơ hội phát triển một cách toàn diện, với trách nhiệm cũng như quyền lợi, việc khen thưởng, xử phạt được quy định rõ ràng, nhờ đó mỗi người đều toàn tâm toàn ý ra sức cống hiến cho đơn vị. Cũng vì thế, các chế độ, chính sách, việc chăm sóc, đãi ngộ sẽ được quan tâm hơn, trong đó có cả chế độ thăng tiến trong công việc, để triệt tiêu việc “chạy chức, chạy quyền”. Mặt khác, khi tạo được môi trường làm việc lý tưởng, từng thành viên trong tập thể cảm thấy thân thiện, có sự tin tưởng lẫn nhau, yêu thương, gắn bó với nhau, tạo ra sự đoàn kết chung sức đồng lòng giúp tập thể phát triển nhanh, mạnh, vững bền. Từ những hạt nhân, tế bào mạnh, từ những “dây chuyền”, “bộ máy” hoạt động hiệu quả, phát triển tăng trưởng chắc chắn sẽ góp phần quan trọng giúp xã hội mạnh hơn, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Ngày 27-12-2019, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, công bằng, công minh trong công tác cán bộ cũng là động lực để xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi, có phẩm chất, năng lực, trình độ và có động lực để cống hiến. Nếu để mảnh đất tiêu cực phát triển thì cán bộ tốt cũng thành xấu. Điều này còn làm thui chột và dập tắt ngọn lửa cống hiến của cán bộ tốt. “Nếu công tác cán bộ không công khai minh bạch, lại vây cánh cục bộ, rồi chạy tuổi, chạy chức, chạy bằng cấp, thì sẽ làm thui chột động lực phấn đấu của những cán bộ giỏi, trung thực và sẽ là điều kiện để những cán bộ cơ hội phát triển trong đội ngũ chúng ta”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

TS Nguyễn Tri Thức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]