(Baothanhhoa.vn) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập được MSVT sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Đối với doanh nghiệp, việc “sở hữu” được MSVT có thể trực tiếp xuất khẩu nông sản sang các nước khác. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “buôn tận ngọn, bán tận gốc”, nên doanh thu và lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.

Vì sao doanh nghiệp trong tỉnh chưa xây dựng được mã số vùng trồng

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Việc xây dựng, thiết lập được MSVT sẽ là “hộ chiếu” để nông sản xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Đối với doanh nghiệp, việc “sở hữu” được MSVT có thể trực tiếp xuất khẩu nông sản sang các nước khác. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp “buôn tận ngọn, bán tận gốc”, nên doanh thu và lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.

Vì sao doanh nghiệp trong tỉnh chưa xây dựng được mã số vùng trồngDiện tích ớt được chứng nhận MSVT tại xã Định Hưng (Yên Định).

Nắm bắt được lợi ích nói trên, nên ngay từ khi trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng MSVT, một số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh đã tìm hiểu các quy định và tham gia xây dựng MSVT. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù toàn tỉnh đã được chứng nhận 77 MSVT xuất khẩu. Trong đó có 45 MSVT ớt, 28 MSVT lúa, 1 MSVT bưởi, 1 MSVT vải, 1 MSVT thanh long và 1 MSVT khoai lang, với diện tích 692,2 ha và 1 cơ sở đóng gói ớt, song trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào “sở hữu” được MSVT.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, tại xã Định Liên (Yên Định) là doanh nghiệp chuyên thu mua và xuất khẩu sản phẩm ớt. Trước yêu cầu quy định về MSVT đối với nông sản xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc, năm 2021, thông qua các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp đã nắm bắt được các yêu cầu để xây dựng MSVT. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm trang thiết bị và tập huấn kiến thức cho người lao động cũng như thực hiện các yêu cầu về hồ sơ, nhân sự, quản lý và kiểm soát sinh vật gây hại, nguồn gốc nông sản... Quá trình thực hiện, doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành của huyện Yên Định và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Tuy nhiên, đến khi cơ quan có thẩm quyền thẩm định các tiêu chí thì cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp này không bảo đảm theo yêu cầu. Vì vậy, không được xét duyệt xây dựng MSVT.

Tương tự, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai cũng là doanh nghiệp tích cực nhập cuộc và “khát khao” xây dựng được MSVT. Quá trình thực hiện, doanh nghiệp này cũng được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương và các đơn vị. Tuy nhiên, do không có quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, nên đến nay, Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu thực phẩm Sao Mai vẫn chưa thể sở hữu được MSVT.

Theo quy định, để doanh nghiệp có được MSVT phải đáp ứng yêu cầu về diện tích sản xuất và quy trình kỹ thuật canh tác, tạo ra được sản phẩm đáp ứng các tiêu chí của nước nhập khẩu. Cùng với đó, phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình đóng gói, nhân công, người lao động, quản lý và kiểm soát dịch hại; nguồn gốc nông sản; vệ sinh và xử lý chất thải và các yêu cầu khác. Để làm được những yêu cầu này, đòi hỏi doanh nghiệp cần có tiềm lực mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như đào tạo nhân sự. Ngoài ra, quy trình sơ chế, đóng gói phải nghiêm ngặt và có vùng nguyên liệu.

Theo ông Vũ Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa: Quá trình triển khai xây dựng MSVT, chi cục luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng bà con nông dân, địa phương cũng như doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng MSVT. Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất trên địa bàn còn nhỏ lẻ, diện tích sản xuất tập trung, nhất là đối với các loại cây rau màu chưa nhiều, trong khi yêu cầu để được cấp MSVT là diện tích từ 10 ha trở lên, quy trình kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, việc tiếp cận xây dựng MSVT của doanh nghiệp, HTX và nông dân còn lúng túng; số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu nông sản, nhất là nông sản tươi còn ít.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan cũng đang là “rào cản” đối với việc xây dựng MSVT của các doanh nghiệp, như: Ngày 1-1-2022, Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp của nước ngoài khi xuất khẩu hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này và Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực với nhiều quy định nghiêm ngặt khiến việc xây dựng MSVT của các doanh nghiệp trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng càng trở nên khó khăn. Những yếu tố trên đang là “rào cản” khiến doanh nghiệp trong tỉnh chưa “làm chủ” được MSVT.

Có được MSVT được xem là “tấm vé thông hành” để doanh nghiệp đưa nông sản đến nhiều quốc gia trên thế giới. Từ đó nâng tầm cho nông sản của tỉnh cũng như của doanh nghiệp. “Hơn ai hết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật luôn mong muốn doanh nghiệp trong tỉnh mạnh tay đầu tư để xây dựng được MSVT thông qua các giải pháp như: đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, hợp tác chặt chẽ với các HTX, hộ nông dân có vùng sản xuất đủ lớn. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư công nghệ, hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu” - ông Vũ Quang Trung cho biết thêm.

Bài và ảnh: Tiến Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]