Từ nghị quyết “tam nông” đến việc tạo dựng diện mạo nông thôn hiện đại
Để đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, Đảng ta đã đề ra các quyết sách quan trọng và triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Từ đó mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần tạo dựng nên “những miền quê đáng sống” với nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Diện mạo NTM Thọ Vực (huyện Triệu Sơn). Ảnh: Hoàng Xuân
Nông nghiệp là gốc
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp, nền kinh tế lấy canh nông làm gốc (...) Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thấm nhuần lời dạy của Người, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nền nông nghiệp nước ta đã phát triển cả về quy mô và trình độ, để khẳng định vị thế quan trọng như là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Cùng với đó, trình độ, học vấn và tư duy sản xuất, kinh doanh của người nông dân cũng không ngừng được đổi mới, nâng cao; đồng thời phát huy vai trò chủ thể trong phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn. Đặc biệt, công cuộc XDNTM đã có được những bước tiến mạnh mẽ, tạo thành một phong trào cách mạng sâu rộng, mang lại diện mạo NTM về chất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, khách quan nhìn nhận, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp; XDNTM chưa đồng đều... Để khắc phục những hạn chế này, yêu cầu đặt ra là phải nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ đó, xây dựng các cơ chế, chính sách sát thực tiễn và thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Xuất phát từ yêu cầu đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã ra đời. Nghị quyết một lần nữa khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời và có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và XDNTM; nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh. Đồng thời, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng...
Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Đối với tỉnh Thanh Hóa - nơi mà nông nghiệp đã và đang khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương - thì việc triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Để nhanh chóng đưa quyết sách này đi vào cuộc sống, việc thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng, với việc ban hành Kế hoạch số 93-KH/TU, ngày 13/9/2022 và Kế hoạch hành động số 258/KH-UBND, ngày 2/11/2022. Đồng thời, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; UBND tỉnh ban hành 12 đề án, chính sách thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Các sản phẩm OCOP và nông sản tiêu biểu của huyện Nông Cống tại không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023.
Trên cơ sở đó, nhằm tạo thế “chân kiềng” cho phát triển, trước hết tỉnh ta chú trọng đến nhân tố con người, gắn với việc bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nông dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động được quan tâm. Năm 2023, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 31,5%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 45,997 triệu đồng/người/năm. Các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa... được chăm lo.
Cùng với việc lấy con người là trung tâm trong thực hiện nghị quyết “tam nông”, việc phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cũng được đặc biệt chú trọng. Trên tinh thần đó, nông nghiệp đã và đang khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, với tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 3,91% - cao nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp sạch gắn với ứng dụng công nghệ cao, thông minh, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn. Điển hình là vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao có diện tích 158.158 ha; vùng cây ăn quả tập trung 12.000 ha...
Hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm... Lũy kế đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; có 360 xã và 717 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 xã và 411 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đồng thời, chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt kết quả tích cực, với 464 sản phẩm OCOP được công nhận (407 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 1 sản phẩm 5 sao), của 344 chủ thể OCOP (73 doanh nghiệp, 102 HTX, 10 tổ hợp tác, 159 hộ sản xuất, kinh doanh).
Đặc biệt, hướng đến phát triển nông thôn bền vững, quá trình XDNTM tỉnh đã và đang quan tâm đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Theo đó, tỉnh đã xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp (giai đoạn 1) cho 9/27 huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 27/27 địa phương đã được điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện; đồng thời, bảo đảm quy hoạch không gian hợp lý để các ngành sản xuất có tác động đến môi trường cách xa các đô thị, vùng dân cư đông dân cư.
Để tạo động lực cho phát triển, thì việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, cũng như tích cực thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là giải pháp căn bản. Để khơi thông nguồn lực quan trọng này, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh đã ban hành các chính sách đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu... với sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... Điển hình như dự án phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA), dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB). Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức, phối hợp và tham dự các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm với nhiều tỉnh/thành để quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản.
...
Có thể khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết những điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao đời sống cư dân nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã sớm đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW đi vào cuộc sống. Đồng thời, với nhiều kết quả đạt được từ nghị quyết “tam nông” này, đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; cũng như bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Xuân
{name} - {time}
-
2024-12-13 15:53:00
Thiệu Toán tăng tốc về đích nông thôn mới nâng cao
-
2024-12-13 08:46:00
Tân Châu phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng xã NTM nâng cao
-
2024-01-18 14:18:00
Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới
Xây dựng thôn thông minh ở xã Minh Tân
Thành Tiến xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới
Lồng ghép các chương trình để từng bước hoàn thiện tiêu chí NTM
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Diện mạo mới ở Thiệu Chính
Quảng Trường phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao
Hoằng Châu nỗ lực “cán đích” nông thôn mới nâng cao
Hà Trung xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với XDNTM
Trường Sơn nâng cao chất lượng tiêu chí NTM kiểu mẫu