Trung Quốc kêu gọi xây dựng nền kinh tế thế giới hợp tác, bền vững và đổi mới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cần xây dựng một nền kinh tế thế giới mang tính hợp tác, bền vững và đổi mới trước những thách thức toàn cầu ngày càng nghiêm trọng.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio De Janeiro, Brazil. (Ảnh: AA/TTXVN)
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/11 đã có bài phát biểu nhấn mạnh các khía cạnh quan trọng của cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.
Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, cần xây dựng một nền kinh tế thế giới mang tính hợp tác, bền vững và đổi mới trước những thách thức toàn cầu ngày càng nghiêm trọng, từ an ninh năng lượng đến phát triển công nghệ.
Tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu. Ông kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các tổ chức tài chính quốc tế và các chủ nợ chính, tham gia vào việc giảm nợ và đình chỉ nghĩa vụ trả nợ đối với các quốc gia đang phát triển. Đây là một trong những sáng kiến quan trọng để giúp các nền kinh tế yếu hơn đối phó những khó khăn tài chính, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng các quốc gia phát triển có trách nhiệm đảm bảo sự ổn định của thị trường tài chính quốc tế và tránh tác động tiêu cực do các điều chỉnh chính sách tiền tệ trong nước. Nói cách khác, các nước giàu cần thực hiện nghĩa vụ của mình để không làm gia tăng các bất ổn kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu bền vững và thân thiện với môi trường. Ông đặc biệt nhấn mạnh tới chuyển đổi năng lượng toàn cầu, khẳng định cần thúc đẩy chuyển đổi xanh và giảm phát thải carbon.
Chủ tịch Trung Quốc đề xuất chuyển đổi năng lượng phải được thực hiện một cách có trật tự, không nên vội vàng và có lộ trình thay thế dần các nguồn năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi này cần phải được thực hiện một cách ổn định và có kế hoạch, đảm bảo không gây xáo trộn kinh tế toàn cầu. Đây là một thách thức lớn đối với các quốc gia, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, nên đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu để đảm bảo tiến trình chuyển đổi diễn ra công bằng.
Chủ tịch Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì ổn định trong nền kinh tế toàn cầu và cải thiện quản trị thương mại quốc tế. Ông kêu gọi cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đặc biệt trong việc phục hồi cơ chế giải quyết tranh chấp và thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn cầu mở, công bằng.
Một trong những đề xuất quan trọng mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra là đưa Thỏa thuận Tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cho phát triển vào khung pháp lý của WTO và đạt được đồng thuận sớm về các thỏa thuận thương mại điện tử.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chỉ ra rằng các quốc gia cần tránh chính trị hóa các vấn đề kinh tế và không nên chia rẽ thị trường toàn cầu vì lợi ích cá nhân. Ông cảnh báo rằng việc áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại có thể gây tác hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Một trong những vấn đề quan trọng khác được ông Tập Cận Bình đề cập tới là đổi mới công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Ông kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển AI để đảm bảo công nghệ này sẽ có lợi cho tất cả mọi người, không chỉ cho các quốc gia giàu có.
Việc phát triển AI cần được thực hiện trong khuôn khổ các nguyên tắc đạo đức và phải phục vụ cho mục tiêu chung của nhân loại, thay vì chỉ phục vụ lợi ích của các quốc gia giàu có và các công ty lớn.
Ông cũng nhấn mạnh rằng sự phát triển công nghệ cần phải đi đôi với các nỗ lực quản lý quốc tế để đảm bảo công nghệ không bị lạm dụng và không làm tăng thêm sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.
Cũng theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, những thách thức lớn của thế giới hiện nay, từ khủng hoảng khí hậu đến sự phân mảnh kinh tế, không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác giữa các quốc gia.
Ông kêu gọi các nước cùng nhau nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế toàn cầu ổn định, công bằng và bền vững, nơi mọi quốc gia đều có cơ hội phát triển và thịnh vượng./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-24 08:35:00
Sẽ lại có những kỷ lục mới về mức chi tiêu quốc phòng của NATO?
-
2024-12-24 08:05:00
5 kịch bản cho cuộc chiến Nga - Ukraine trong năm 2025
-
2024-11-19 08:21:00
Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công Nga: Trump thừa hưởng mức độ rủi ro của cuộc chiến
Tấn công tên lửa tầm xa vào Nga có thể là quá muộn đối với Ukraine
“Giải phẫu” chiến thắng của Donald Trump
Nền kinh tế Mỹ trở nên khó đoán định sau cuộc bầu cử Tổng thống
Israel đang “sa lầy” vào các cuộc giao tranh biên giới?
Xung đột Nga-Ukraine: Những trận chiến khốc liệt mùa thu và triển vọng cuối cùng
Liệu Trump có thể hóa giải được đối đầu giữa Israel và Iran?
Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump như thế nào?
Hội nghị COP29: EU công bố kế hoạch hợp tác giảm phát thải methane
Tại sao cách tiếp cận của Trump đối với Ukraine lại khác biệt?