Triển khai nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số.
UBND xã Ngọc Sơn phối hợp với các đơn vị tổ chức hội nghị tuyên truyền các kỹ năng chuyển đổi số cho người dân.
Trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của huyện, UBND xã Ngọc Sơn đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đồng thời thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số xã và thành lập 8 “Tổ công nghệ số cộng đồng”. Cử cán bộ, công chức xã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao trình độ công nghệ thông tin; kiến thức an toàn thông tin; kỹ năng sử dụng công nghệ số; sử dụng các phần mềm, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; sử dụng chữ ký số và quy trình gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành; thực hiện quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng dịch vụ công...
Các thành viên ban chỉ đạo chuyển đổi số xã đã triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Các thành viên trong tổ “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân dùng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công; mở tài khoản thanh toán điện tử, cũng như hỗ trợ người dân mua bán sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ chính quyền tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.
Đến nay, các chỉ tiêu về chính quyền số của xã đã được hoàn thành. Trong đó, 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử một cách công khai, minh bạch; cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, đúng thời gian và kế hoạch, giảm tình trạng chậm trễ hồ sơ của tổ chức và công dân.
Bà Bùi Thị Nhung, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn, cho biết: ‘‘Cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã từng bước ứng dụng công nghệ số đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường; nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống Nhân dân’’.
Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND huyện Ngọc Lặc đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn huyện. Đồng thời, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số triển khai trong các hội nghị, giao ban, hội nghị trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã. Các cơ quan chuyên môn xây dựng chuyên mục tuyên truyền về chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, thị trấn.
Huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Công an huyện, Trung tâm Viễn thông Ngọc Lặc - Lang Chánh, Viettel Ngọc Lặc, Huyện đoàn Ngọc Lặc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngọc Lặc tổ chức tập huấn hướng dẫn người dân trên địa bàn sử dụng các ứng dụng số, tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... Trong năm 2024, UBND huyện đã tổ chức 2 lớp tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ trực tiếp làm công tác chuyển đổi số cấp xã và 213 tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Có 692 cán bộ lãnh đạo, công chức xã, thị trấn tham gia học tập trên nền tảng chuyendoiso.mobiledu.vn.
Các địa phương trong huyện cũng chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng. Đến nay, toàn huyện có 23 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến; trong đó 2 điểm cầu cấp huyện; 21 điểm cầu tại UBND cấp xã, thị trấn đang phát huy hiệu quả, tạo môi trường hội họp hiện đại, thuận tiện, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, đảm bảo triển khai các cuộc họp nhanh chóng, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như phòng chống dịch bệnh, bão lụt, thiên tai. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là 100%; họp trực tuyến được duy trì và nâng cấp. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 99,5%; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện. 13/13 sản phẩm OCOP của huyện đều có tem truy xuất, trang thông tin kết nối cung cầu của tỉnh. 100% tổ chức, doanh nghiệp nộp thuế điện tử...
Bài và ảnh: Minh Khanh
{name} - {time}
-
2025-05-06 14:57:00
Tiện ích mô hình “3 không” ở Thường Xuân
-
2025-05-05 16:45:00
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ở Trường THCS Nhữ Bá Sỹ
-
2025-05-05 10:06:00
Văn phòng UBND tỉnh và TP Thanh Hóa dẫn đầu xếp hạng chuyển đổi số năm 2024
Phát động sự kiện Hưởng ứng Ngày Sở hữu Trí tuệ Thế giới 2025
Chữ ký số góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính
Nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất
“Gõ từng nhà” để triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”
Mắt xích thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số”
Triển khai sâu rộng phong trào “Bình dân học vụ số”
Xây dựng mạng lưới “Đại sứ số” - Phổ cập kỹ năng số cho cộng đồng
Xã hội số - khi người dân trở thành trung tâm của quá trình chuyển đổi số