Trắng đêm đợi Tết
Đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29 Tết, những túp lều nhỏ trông đào, quất vẫn sáng đèn. Mưa phùn khiến cái lạnh mùa đông càng tê tái.
Chiếc lều dựng tạm, căng lên từ tấm bạt nilon của anh Nguyễn Văn Hòa là nơi che mưa, chắn gió của anh và cô con gái từ đầu tháng 12 âm lịch đến bây giờ. Vợ chồng anh Hòa có một quán cơm bình dân nhỏ, làm ăn cũng tàm tạm. Vì thích cái không khí “bận rộn” trước Tết nên cứ tháng 12 âm lịch, anh và một vài người bạn đánh xe xuống Quảng Xương, lên Thiệu Hóa lấy đào về Hậu Lộc bán. “Chắc hơn chục năm rồi, từ hồi 2013”, anh nói. Quán cơm vãn khách, anh Hòa lại xách đồ ra đường ngồi bán đào. Cô con gái nhỏ cũng theo chân bố, ăn đường, ngủ chợ và tỏ ra rất thích thú với điều đó. Có lẽ khoảng thời gian này sẽ là những mảng kí ức đẹp trong tuổi thơ ấm áp của em.
Trái ngược với niềm vui con trẻ là nỗi lo toan của người lớn. Năm nay kinh tế khó khăn, sức mua kém nên 27, 28 rồi mà đào vẫn còn rất nhiều. Trong lều, anh Hòa nghịch điện thoại để giết thời gian, cô con gái nhỏ cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng. Bên ngoài, mưa phùn giá rét đang hành hạ những cây đào hoa nở gần hết. Hỏi anh, túp lều yếu ớt, xiêu vẹo có chịu được mưa gió không? anh Hòa nhìn cô con gái, mỉm cười: “Em xem, ấm mà”.
Vừa nói anh vừa với tay lấy phích chế thêm nước vào ấm trà, khói bốc lên nghi ngút. Màu nước trà rất nhạt, có lẽ trà này đã chế nhiều lần nước rồi, nhưng vị đắng vẫn còn chút đọng lại nơi đầu lưỡi. “Vụ đào năm nay làm ăn được không anh?”, tôi hỏi. "Ế lắm em ạ! Năm nay cũng tính trước là kinh tế khó khăn, bọn anh chỉ lấy 200 gốc bán lai rai, mà giờ vẫn còn gần 100 gốc. Chưa kể, đào nở sớm, mưa gió tơi bời khiến cành đào xơ xác, bán bằng giá nhập cũng khó” - vừa dứt lời, anh Ba ở lều bên cạnh không ngủ được sang xin cốc nước chè, anh Võ rồi chú Sắc thấy điện sáng cũng vào góp chuyện.
Cả một dọc đường chính từ xã Minh Lộc, qua xã Hưng Lộc đến xã Đa Lộc, cơ man đào, quất, hoa các loại. Lướt qua chỗ này thấy chú bán đào xì xụp húp cốc mì tôm còn dở, anh canh quất cúi gằm mặt tranh thủ chợp mắt. “Mấy năm trước, cả xã chỉ có 1, 3 điểm bán là cùng. Nhưng bây giờ, góc nào cũng có đào. Mình hiểu, ít người bán thì bạn có quyền “hét” giá, khách sẽ phải giành nhau mua. Nhiều người bán, khách sẽ có nhiều sự lựa chọn, họ thoải mái mặc cả, rẻ và đẹp là được. Cơ chế thị trường thuận mua vừa bán, mình cũng chẳng dám trách, nhưng ngẫm thấy buồn. Từ cái mầm nhỏ như giá đỗ, bé xíu nằm gọn trong lòng bàn tay, mình tưới tắm, chăm sóc thành cây đào. Khi đào lên mầm, mình cắt rồi ghép, nuôi thêm một năm nữa mới thành cành đào nhỏ, cành đào to cắt bán như thế này. Kể cả không phải đào vườn, mà đào đá, đào rừng, “lái đào” cũng phải đánh xe lên các huyện miền núi “săn” cả tháng, rồi thuê xe chuyển từ trên rừng về vườn, xong lại cắt, lại ghép. Để ra được một cây đào gọi là đẹp có khi phải mất 2-3 năm hoặc lâu hơn, chứ có phải trong 1 năm mà “ăn” tiền được đâu. Thế mà bán 1 cành đào 1-2 trăm nghìn; 1 cây đào 1-2 triệu đồng, khách còn kêu đắt”, chú Sắc, lấy vợ người Triệu Sơn, bố vợ là dân “lái đào” lâu năm, thường lấy đào gửi xuống Hậu Lộc cho con rể bán, chia sẻ.
Chú Sắc có một mảnh đất rộng chừng 1ha ở xã Đa Lộc trồng táo và đào. Thường, dân địa phương sẽ lên tận vườn nhà chú chọn đào, ưng cây nào bứng về cây đó. Số còn lại, chú mang ra dọc đường bán. Chiều 30, những gốc đào không bán được, chú mang về vườn trồng lại đợi mùa sau.
Khác với chú Sắc, anh Hòa không có đất để “đầu thai” cho số đào bị ế. Đào không bán được, chiều 30 anh phải “xử lý” cho bằng hết, cho hoặc vứt. Thường, nhà vườn sẽ nhận “kí gửi” lại đào ế của khách buôn nhưng tiền thuê xe chở lên, tiền công chăm sóc có khi còn nhiều hơn cả tiền đào. Cận ngày, cận tháng, ai chẳng muốn thảnh thơi sum họp cùng gia đình, anh ngại làm phiền nên thường “tự xử”. Anh Hòa cảm thán: “Hơn 10 năm cũng có năm “trúng”, năm “mất”, buôn bán chuyện may rủi là bình thường. Nhưng, nông dân trồng đào hay thương lái theo thời vụ như bọn anh đi tìm kiếm sự may mắn vào những ngày cuối năm, cũng chỉ mong thêm pha đôi ba đồng cho vợ con thêm đồng quà, tấm bánh. Nhưng khách hàng chỉ tìm đến vào những tích tắc cuối cùng với tâm lý mua được giá gốc, mua được giá rẻ. Vậy chẳng phải công sức cả năm qua của người nông dân, cả tháng màn trời chiếu đất của bọn anh bỏ ra thành công cốc hay sao?".
Mùa xuân mới sắp gõ cửa. Để không ai bị bỏ lại phía sau, giúp những tiểu thương mau chóng hết hàng trở về với gia đình chuẩn bị cái tết tươm tất, những đứa trẻ có thêm manh áo mới và cũng để cho bản thân có thêm sự lựa chọn... chúng ta đừng để chiều tối 30 Tết mới hối hả đi tìm một cành đào về trưng trong nhà, với tâm lý “vừa rẻ, vừa đẹp”. Tôi tin, khi cho đi sự sẻ chia, tình thương giữa người với người, chúng ta sẽ nhận lại rất nhiều may mắn trong cuộc sống, đặc biệt trong những khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời như thế này.
Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-12-14 15:10:00
Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
-
2024-12-14 14:18:00
Chung tay chăm lo cho hộ nghèo và gia đình chính sách
-
2024-02-09 03:48:00
Bập bùng ánh lửa quê hương
Mặc mưa rét, dịch vụ rửa xe tất bật ngày cận tết
Mường Lát khẩn trương cấp phát gạo cho người trồng rừng
Cảnh báo ngộ độc rượu, bia vào dịp Tết
Nhiều điểm du xuân hấp dẫn giữa lòng thành phố
Dịch vụ làm đẹp “hái tiền” ngày giáp Tết
Thú chơi hoa ngày Tết
Mơ về Sài Khao
Xứ Thanh chập chờn... tết
Sắc xuân Châu Thường