(Baothanhhoa.vn) - Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở thôn, xóm đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách. Nhờ có đội ngũ không chuyên này mà việc cho vay, thu nợ, giám sát sử dụng vốn được thực hiện xuyên suốt, liên tục và đóng góp vào chất lượng chương trình cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn - “cánh tay” nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hội

Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), những tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở thôn, xóm đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách. Nhờ có đội ngũ không chuyên này mà việc cho vay, thu nợ, giám sát sử dụng vốn được thực hiện xuyên suốt, liên tục và đóng góp vào chất lượng chương trình cho vay tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn - “cánh tay” nối dài của Ngân hàng Chính sách xã hộiPhạm Thị Sinh, tổ trưởng tổ TK&VV khu phố Ngọc Minh, thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) cùng cán bộ NHCSXH kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay của hội viên.

Tổ trưởng tổ TK&VV là những người ở cơ sở, gần dân nhất, luôn sát cánh cùng hộ nghèo trong quá trình sử dụng vốn. Hơn 10 năm trước, kinh tế gia đình chị Lê Thị Xuân, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc (Lang Chánh) rất khó khăn. Đất đồi rừng nhiều, nhưng hầu hết là đồi trọc, lại không có tiền để đầu tư. Giữa lúc khó khăn ấy, chị Xuân được chị Lê Thị Luyến, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Tân Phong giới thiệu và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Với số vốn vay 30 triệu đồng, chị Xuân đầu tư trồng keo; đồng thời, chăn nuôi thêm trâu, lợn, gà theo phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”. Đến nay, vườn keo của gia đình đã bắt đầu cho khai thác, mang lại cho gia đình chị khoản thu nhập gần 100 triệu đồng/năm và gia đình thoát nghèo. Số vốn vay 10 năm trước đã trả xong, chị Xuân vay tiếp 70 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ vừa thoát nghèo đầu tư chăm sóc và trồng mới rừng keo. Hiện nay, gia đình có hơn 2 ha keo, 11 con bò..., ít năm tới khi diện tích trồng mới cho khai thác dự kiến thu nhập của gia đình sẽ tăng lên vài trăm triệu đồng/năm.

Không chỉ gia đình chị Xuân, thông qua hoạt động của 6.696 tổ TK&VV tại các thôn, bản, khối phố, có hàng trăm nghìn lượt hộ trên địa bàn tỉnh được vay vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất, với dư nợ đạt 10.697 tỷ đồng. Để giúp người dân tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ trưởng tổ TK&VV tích cực tuyên truyền về các chương trình vốn, quy định về thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Trong quá trình sử dụng vốn, tổ trưởng là người thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý và cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết.

Hơn 10 năm làm công tác quản lý vốn tín dụng chính sách, chị Phạm Thị Sinh, tổ trưởng tổ TK&VV khu phố Ngọc Minh, thị trấn Ngọc Lặc, cho biết: Hiện nay, tổ quản lý 5 chương trình tín dụng, với dư nợ hơn 1,1 tỷ đồng, 32 hộ đang vay vốn. Để quản lý hiệu quả nguồn vốn, sau 30 ngày giải ngân, chị đều kiểm tra thực tế tình hình sử dụng vốn của các hội viên, nếu có hộ nào sử dụng chưa đúng mục đích, chị sẽ đôn đốc, nhắc nhở ngay. Từ đó, tổ viên có ý thức, trách nhiệm trong sử dụng vốn. Hơn 10 năm làm tổ trưởng, tổ TK&VV do chị quản lý không có nợ quá hạn.

Hằng tháng, tại các buổi giao dịch cố định tại xã, các tổ trưởng tổ TK&VV còn tham gia giao ban với ngân hàng để kịp thời nắm bắt chương trình, chính sách mới và phổ biến cho người dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý. Qua đó, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu lãi của NHCSXH tỉnh hiện đạt 99,6%, huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ đạt 735,3 tỷ đồng; số tổ TK&VV xếp loại khá, tốt chiếm 93,5%.

Ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc NHCSXH Thanh Hóa, đánh giá: Tổ trưởng tổ TK&VV là những “cánh tay” nối dài của NHCSXH, là người nắm rõ tên tuổi, hoàn cảnh gia đình, mục đích vay vốn của hội viên. Do đó, từ khâu bình xét cho vay, kiểm tra, đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay, trả nợ, lãi luôn kịp thời, nếu có khó khăn, vướng mắc sẽ kịp thời báo cáo với ngân hàng để có biện pháp xử lý.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]