Thường Xuân phát triển hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển
Xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tuy còn khó khăn nhưng huyện Thường Xuân đã tập trung nguồn lực để đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, qua đó đẩy mạnh liên kết vùng.
Dự án xây dựng cầu Tổ Rồng đang được các đơn vị đẩy mạnh thi công, đến nay đã hoàn thành 98% khối lượng công trình.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm
Từ nhiều nguồn lực khác nhau, huyện Thường Xuân đã tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Những con đường liên thôn, liên xã tới huyện và những tuyến đường mang tính động lực, kết nối thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dần hình thành.
Ông Lê Hùng Cường, chỉ huy trưởng công trường thi công tuyến đường từ xã Xuân Dương đi trung tâm thị trấn Thường Xuân cho biết: “Chúng tôi đang huy động tối đa nhân lực, vật lực đẩy mạnh thi công đắp nền đường để nhanh hoàn thiện tuyến đường với tổng chiều dài hơn 2,75km. Thời gian thi công là 365 ngày, dự kiến đến tháng 9/2025 sẽ hoàn thành”.
Để làm tốt việc phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, từ đó khai phóng nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới, huyện Thường Xuân đẩy mạnh tiến độ thi công hệ thống giao thông đối ngoại. Dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng được HĐND tỉnh phê duyệt từ tháng 5/2022, bắt đầu triển khai thi công từ tháng 1/2024. Tuyến đường có chiều dài hơn 7,5km, điểm đầu tiếp giáp đường Hồ Chí Minh tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, điểm cuối tiếp giáp đường Xuân Cao đi xã Luận Thành tại địa phận xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân. Thiết kế đường đạt tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng, với tổng mức đầu tư 202 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tuyến đường sẽ kết nối địa phương này với đường Hồ Chí Minh, Cảng Hàng không Thọ Xuân và vùng kinh tế động lực Lam Sơn - Sao Vàng, mở ra không gian mới, giúp Thường Xuân phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Thường Xuân đã hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trên chiều dài tuyến hơn 6,8km, với 178 hộ gia đình và 2 đơn vị bị ảnh hưởng, phải thu hồi đất. Công trình đã phá tuyến, làm nền trên toàn tuyến, đã hoàn thành 2 cầu và các hạng mục cống thoát nước ngang đường, đang triển khai thi công cầu Sông Đằn. Khối lượng thi công toàn tuyến đạt hơn 50% hợp đồng. Huyện phấn đấu hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trước ngày 30/4/2025.
Hiện tại, huyện cũng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường tránh thị trấn Thường Xuân đi xã Ngọc Phụng (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng) và đang lập báo cáo đầu tư dự án đường từ xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc đi huyện Thường Xuân (dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 440 tỷ đồng).
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng huyện Thường Xuân cho biết: “Ban quản lý đang được giao quản lý 8 dự án giao thông quan trọng, trong đó có 6 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến nay về cơ bản, các dự án giao thông số vốn giải ngân đạt gần 70%. Để hoàn thành mục tiêu đến 31/12 đạt 100% số vốn giải ngân, chúng tôi đang khẩn trương đề nghị các nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, trang thiết bị, chủ động nguồn vật liệu để tập trung thi công liên tục “3 ca, 4 kíp, 24/7” xuyên các ngày lễ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”.
Tạo đột phá cho hạ tầng giao thông
Trên địa bàn huyện Thường Xuân có 1.116,95km đường giao thông các loại, trong đó: quốc lộ, đường tỉnh, đường tuần tra biên giới là 216,985km; đường huyện, đường xã là 899,96km. Tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trên địa bàn huyện đến hết năm 2024 ước đạt 73%.
Huyện đang triển khai thi công 54 dự án giao thông (cả các dự án chuyển tiếp) với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, chương trình khuyến khích phát triển giao thông nông thôn và ngân sách huyện, xã. Tổng mức đầu tư khoảng 1.291 tỷ đồng.
Mặc dù kết cấu hạ tầng giao thông của huyện đã được đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên quá trình này còn gặp nhiều khó khăn như: Địa bàn huyện với diện tích lớn, địa hình đồi núi bị chia cắt bởi nhiều sông, suối dẫn đến biện pháp thi công phức tạp, tốn kém; việc đầu tư các tuyến giao thông kết nối gặp nhiều khó khăn về mặt bằng vì liên quan đến đất rừng và kinh phí lớn; không có mỏ đất, mỏ cát để cung cấp vật liệu phục vụ cho dự án giao thông; việc thực hiện cứng hóa đường đều được thực hiện bằng nguồn ngân sách tỉnh hoặc các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, chưa thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư. Công tác xã hội hóa trong cứng hóa giao thông còn nhiều hạn chế.
Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các vùng, huyện tiếp tục vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư công, đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; phân bổ vốn bảo đảm theo kế hoạch đầu tư từng năm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn cho biết: "Huyện đang tập trung giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; triển khai thẩm định, quy hoạch, đầu tư sát với tình hình thực tế địa phương. Cùng với đó là tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến thực hiện công trình giao thông; tập trung đẩy mạnh các công trình trọng điểm có tính kết nối; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương, huy động sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp và người dân trong xây dựng giao thông. Đồng thời quan tâm công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch đất đai để thu hút đầu tư vào thực hiện các công trình; làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng đối với các công trình đã hoàn thành. Phấn đấu năm 2025, tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn (không tính quốc lộ, đường tỉnh) được cứng hóa đạt 75%".
Bài và ảnh: Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-01-21 07:10:00
Thêm gần 600 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm Tết
-
2025-01-21 07:00:00
Bản tin Tài chính 21/1: Vàng “lao dốc”, mất hơn nửa triệu trong 2 ngày
-
2024-11-18 14:36:00
Đẩy mạnh đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Các dự án BOT giao thông sẽ bị tạm dừng thu phí trong trường hợp nào?
Nâng tầm dịch vụ y tế tại Phú Quốc với Bệnh viện Quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng
Bản tin Tài chính 18/11: Vàng dự báo nhiều biến động, tâm lý lạc quan giảm
Tích tụ, tập trung đất đai tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Nga Sơn
“Số hóa” sản phẩm OCOP
Tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế
Thực hiện Chiến lược phát triển thương mại cho nông sản
Bản tin Tài chính 17/11: Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới
Giải bài toán bỏ ruộng hoang