(Baothanhhoa.vn) - Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Khơi dậy sức mạnh từ sự đồng thuận

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Khơi dậy sức mạnh từ sự đồng thuậnDáng dấp làng quê nông thôn mới Định Tân (Yên Định). Ảnh: khôi nguyên

Đây chính là khâu quan trọng và cấp bách đã được nhấn mạnh trong Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Từ đó đến nay, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW và gần đây là Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, quyền làm chủ của Nhân dân đã và đang được thực thi, góp phần khơi dậy sự đồng thuận, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn, nhận được nhiều sự kỳ vọng từ phía người dân. Bởi thành công của chương trình đã và đang tạo dựng một diện mạo mới về “chất” cho nông thôn. Đó là những giá trị mới của một nông thôn hiện đại cả về kinh tế, văn hóa xã hội và tổ chức cộng đồng. Muốn vậy, một trong những yêu cầu đầu tiên và có tính quyết định đó là người dân phải trở thành chủ thể, phải bàn và tham gia ngay từ đầu khi bắt tay xây dựng NTM. Đây được xem là khâu hết sức quan trọng, vừa có tính trước mắt vừa mang tính lâu dài, bởi xây dựng NTM vốn dĩ là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Đã có nhiều minh chứng thuyết phục về sự tham gia tích cực và vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM ở Thanh Hóa. Điển hình như gần đây nhất là năm 2022, trong tổng nguồn lực khoảng 3.760 tỷ đồng huy động để xây dựng thôn, bản NTM, NTM kiểu mẫu, Nhân dân đã tình nguyện hiến hơn 258.000m2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn. Đồng thời, cũng từ sự tham gia đóng góp của người dân, toàn tỉnh đã xây dựng và nâng cấp hơn 600 km đường giao thông nông thôn; cải tạo và nâng cấp 389 nhà văn hóa thôn/bản; chỉnh trang và xây mới 36.200 nhà ở dân cư; cải tạo hơn 800 km đường hoa, cây xanh... Có thể khẳng định, thành quả này chỉ có thể có được khi người dân là chủ thể, được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được thụ hưởng thành quả. Đồng thời, thành quả từ sự tham gia của người dân trong xây dựng NTM cũng là một trong những minh chứng thuyết phục về quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước - đã và đang được phát huy một cách trực tiếp và rộng rãi.

Thời gian qua, việc thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Đặc biệt, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai để Nhân dân được biết, được bàn và quyết định theo quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong đó, hầu hết các địa phương đã tổ chức cho Nhân dân tham gia ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đồng thời, công khai các khoản thu, mức thu các loại thuế, phí, lệ phí và các cuộc vận động ủng hộ; kế hoạch thu, chi ngân sách của địa phương, cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh và địa phương về phát triển kinh tế, sản xuất hàng hóa, an sinh xã hội, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; công khai các chính sách vay vốn, chính sách đối với người có công, chế độ hỗ trợ cho các đối tượng chính sách...

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở: Khơi dậy sức mạnh từ sự đồng thuậnNhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn tại Làng thanh niên lập nghiệp Sông Chàng (Như Xuân).

Việc công khai được thực hiện bằng nhiều hình thức như niêm yết tại nhà văn hóa thôn, khu phố, trụ sở UBND xã, huyện; qua các hội nghị được tổ chức ở thôn, xã; qua lấy phiếu để người dân được biết, được bàn, được giám sát. Đặc biệt, chú trọng tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia giám sát trong quá trình triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... Cùng với đó, nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động Nhân dân tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh, tham gia xây dựng NTM, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được triển khai sâu rộng và mang lại nhiều kết quả tích cực. Điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang được đẩy mạnh, nhờ đó tỷ lệ khu dân cư văn hóa hiện đạt 76%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan kiểu mẫu đạt 24,1%...

Để góp phần thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Đồng thời, duy trì chế độ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức đối thoại với Nhân dân để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của người dân. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền” 2022 và mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, góp phần cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Quan tâm kiện toàn, bổ sung, nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra Nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải để phát huy quyền giám sát, phản biện ở cơ sở, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tại hội nghị Tổng kết nhiệm vụ xây dựng cơ sở (XDCS) và thực hiện QCDC năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 (ngày 14-12-2022), đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo XDCS và thực hiện QCDC tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) và Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 7-12-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đặc biệt, cần đề cao vai trò người đứng đầu trong việc triển khai nhiệm vụ XDCS và thực hiện QCDC ở các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết tốt các vụ việc ngay tại cơ sở, không để phát sinh thành điểm nóng. Quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách dân tộc... Phát động các phong trào thi đua và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự tin tưởng, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]