(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, cảng Nghi Sơn đã có 21 bến đi vào hoạt động; trong đó, có 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp có tải trọng đến 60.000 DWT, 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở 3.500 TEU (tương đương 30.000 đến 40.000 tấn)...

Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn

Hiện nay, cảng Nghi Sơn đã có 21 bến đi vào hoạt động; trong đó, có 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 70.000 DWT; 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp có tải trọng đến 60.000 DWT, 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở 3.500 TEU (tương đương 30.000 đến 40.000 tấn)...

Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Nghi Sơn

Xe chở hàng hóa của Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn vào Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn xuất khẩu hàng hóa đi Trung Mỹ.

Ngoài ra, tại đây còn có các cảng chuyên dụng hiện đại của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn hiện đang là đơn vị duy nhất khai thác tuyến container quốc tế. Trong năm 2021, Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn đã mở thêm được một tuyến container quốc tế Nghi Sơn - Singapore song hành với tuyến vận chuyển cũ là Nghi Sơn - Đông Á - EU, Mỹ.

Để phát huy lợi thế, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện đang chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các sở, ban, ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tiếp tục rà soát quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), nguồn vốn tư nhân và vốn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...). Đồng thời, trên cơ sở phân tích ưu điểm, hạn chế và kiến nghị của các công ty vận hành cảng, các hãng vận tải và khách hàng để có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, xây dựng chính sách thúc đẩy gia tăng sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng.

Theo số liệu rà soát của Sở Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK), tổng trọng lượng hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn tăng lũy tiến qua các năm. Điển hình như năm 2020, có 1.579 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cảng Nghi Sơn, với tổng trọng lượng hàng hóa XNK đạt 24,86 triệu tấn; tổng kim ngạch XNK đạt 5,28 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) của hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn đạt hơn 10.195 tỷ đồng. Năm 2021, có 1.829 lượt phương tiện xuất nhập cảnh qua cảng Nghi Sơn, với tổng trọng lượng hàng hóa XNK đạt 25,07 triệu tấn; tổng kim ngạch XNK đạt 6,55 tỷ USD; nộp NSNN của hàng hóa qua cảng đạt hơn 11.181 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch XNK qua cảng Nghi Sơn đạt 4,791 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu 1,256 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,535 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, cũng theo rà soát của Sở Công Thương, nguồn thu NSNN từ hàng hóa XNK qua cảng Nghi Sơn chủ yếu là thuế giá trị gia tăng từ dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Từ năm 2020 đến ngày 31-3-2022, số thu NSNN từ nguồn này đạt hơn 20.345 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng số thu NSNN của hàng hóa qua cảng Nghi Sơn (20.345 tỷ đồng/25.638 tỷ đồng). Số thu NSNN từ các mặt hàng khác chỉ đạt hơn 5.292 tỷ đồng; trong đó, tập trung từ nguồn nhập khẩu (nguyên liệu phục vụ sản xuất, máy móc, thiết bị) và xuất khẩu khoáng sản của một nhóm doanh nghiệp lớn, thu NSNN đạt 4.810 tỷ đồng, chiếm 91% tổng số thu NSNN của hàng hóa XNK ngoài dầu thô. Tuy nhiên, số thu nêu trên bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho các dự án đầu tư và sẽ kết thúc khi dự án hoàn thành việc nhập khẩu máy móc thiết bị, như Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (đã kết thúc nhập khẩu), Dự án của Công ty CP Xi măng Đại Dương (đang nhập khẩu) và một phần số thu của Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Nghi Sơn của Tập đoàn VAS Nghi Sơn (khoảng hơn 300 tỷ đồng - nhập khẩu đến hết năm 2022).

Bên cạnh đó, hoạt động XNK thông qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn chưa thu hút được số lượng doanh nghiệp ổn định cũng như các doanh nghiệp mới tham gia. Điển hình như năm 2020, số doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK hàng hóa thông qua cảng là 92 doanh nghiệp; năm 2021 là 114 doanh nghiệp, nhưng những tháng đầu năm 2022 chỉ còn 56 doanh nghiệp. Thêm nữa, mặc dù tổng thu NSNN thông qua cảng tăng qua các năm, nhưng tỷ lệ nộp NSNN/tổng số thu ngân sách từ các hoạt động tại Khu Kinh tế Nghi Sơn giảm, chứng tỏ hoạt động XNK qua cảng Nghi Sơn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, ngoài khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới giá cước container tăng cao, một số nước tạm thời đóng cửa, siết chặt XNK hàng hóa dẫn đến thời gian giải phóng hàng chậm. Việc thiếu vỏ container, tàu chậm chuyến khiến hàng hóa XNK bằng container cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay, tại cảng Nghi Sơn mới có hãng tàu CMA-CGM Việt Nam khai thác tuyến container nhưng tần suất số chuyến còn thấp, chưa đa dạng tuyến dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa qua nhiều cảng phải trung chuyển nên phát sinh chi phí so với các tàu không chuyển tải. Vì vậy, từ tháng 10-2021 đến nay, hãng tàu CMA - CGM đã không có chuyến tàu cập cảng Nghi Sơn.

Thu NSNN qua cảng Nghi Sơn phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong bối cảnh bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu hiện nay khiến giá dầu thế giới rất khó dự đoán. Hiện nay, các cấp có thẩm quyền đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ duy trì hoạt động bình thường của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bảo đảm công suất hoạt động và kế hoạch XNK hàng hóa của công ty được ổn định, thông suốt.

Để đa dạng hóa nguồn thu thuế XNK, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, từ năm 2021, công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan tại Thanh Hóa và thực hiện XNK hàng hóa qua cảng biển Nghi Sơn đã được triển khai. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chưa đánh giá cao năng lực XNK hàng hóa qua cảng Nghi Sơn, do mới chỉ có 1 hãng tàu mở tuyến vận chuyển bằng container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn, tần suất các chuyến quá thấp trong khi tuyến đường khai thác chưa thực sự phù hợp (không có tuyến vận chuyển trực tiếp cho các hàng hóa thuộc lĩnh vực may mặc, da giày, bột đá... là những mặt hàng chủ yếu trên địa bàn tỉnh); chủng loại, số lượng container chưa đủ đáp ứng tính đa dạng của hàng hóa, dịch vụ vận tải đường bộ còn chưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII vừa qua, HĐND tỉnh đã xem xét và quyết nghị ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn (thay thế Nghị quyết số 166/NQ-HĐNĐ về hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn và Nghị quyết số 338/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn). Với mức ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn, hiệu quả hơn cùng sự chỉ đạo thực thi hiệu quả, sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động XNK tại cảng Nghi Sơn, góp phần từng bước đưa cảng Nghi Sơn trở thành cảng biển trọng điểm của khu vực và cả nước.

Bài và ảnh: Minh Hằng


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]