Thu hồi tiền trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam: Sai nhưng khó sửa! (Bài 1): “Tồn đọng” đối tượng
Chính sách đối với người hoạt động kháng chiến (HĐKC) và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH), được đánh giá là chính sách lớn và nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, vì là chính sách thể hiện sự tri ân đối với những người đã đóng góp xương máu cho nền độc lập dân tộc, do đó, cần được thực hiện một cách công bằng, đúng đối tượng, đúng chế độ và đặc biệt, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Ông Đỗ Xuân Nhân (sinh năm 1950, quê xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương) bị dừng trợ cấp và thu hồi số tiền trên 74 triệu đồng. Ảnh: P.V
Từ hơn nghìn đối tượng thụ hưởng sai...
Sau hàng thập kỷ triển khai thực hiện, chính sách đối với người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, đã góp phần xoa dịu “nỗi đau da cam” mà hàng nghìn nạn nhân phải gánh chịu. Song quá trình thực hiện đã và đang cho thấy những bất cập, tồn tại, ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của người dân, gây bức xúc dư luận xã hội và tác động đến sự công bằng, hiệu quả của chính sách.
Từ yêu cầu cần sàng lọc, nhằm xác định đúng đối tượng thụ hưởng và mang lại sự công bằng, cũng như bảo đảm cho chính sách được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, đầu năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã triển khai công tác thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên phạm vi rộng, tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước.
Tại Thanh Hóa, quá trình thanh tra (theo Quyết định số 22/QĐ-TTr, ngày 14/2/2022, của Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH), Thanh tra Bộ đã tiến hành kiểm tra 13.425 hồ sơ người HĐKC và con đẻ của họ đang hưởng chế độ CĐHH. Trong đó, xác minh trực tiếp 2.816 trường hợp là con đẻ của người HĐKC bị nhiễm CĐHH, đang hưởng trợ cấp tại 16 huyện; kiểm tra, xác minh 426 hồ sơ bệnh án khám giám định bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH tại Hội đồng Giám định y khoa (GĐYK) tỉnh Thanh Hóa. Trên cơ sở đối chiếu hồ sơ và làm việc trực tiếp với các đối tượng có liên quan, tại Kết luận số 96/KL-TTr, ngày 6/5/2022, Thanh tra Bộ đã chỉ rõ: Trong 13.425 hồ sơ đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, phát hiện 2.114 trường hợp không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn hoặc phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trong đó, số đối tượng đã và đang hưởng sai quy định, buộc phải dừng trợ cấp và thu hồi là 696 trường hợp (đối tượng gián tiếp 617 người, đối tượng trực tiếp 79 người).
Ngay sau khi Thanh tra Bộ LĐTB&XH có Kết luận số 96/KL-TTr, Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định đình chỉ trợ cấp và thu hồi số tiền đối tượng đã hưởng sai để nộp về ngân sách Nhà nước. Theo đó, tổng số tiền phải thu hồi là trên 97,863 tỷ đồng, đối với 699 trường hợp (696 trường hợp theo yêu cầu của Thanh tra Bộ và 3 trường hợp do địa phương đề nghị). Đồng thời, Sở LĐTB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 10/6/2022 về thực hiện Kết luận thanh tra số 96/KL-TTr ngày 6/5/2022 của Thanh tra Bộ LĐTB&XH về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại Thanh Hóa; triển khai thực hiện các kiến nghị được nêu tại Kết luận số 96/KL-TTr.
Sau quá trình kiểm tra, xác minh và yêu cầu các đối tượng bổ sung giấy tờ có liên quan, Sở LĐTB&XH đã có Báo cáo số 171/BC-SLĐTBXH ngày 2/8/2024 về Kết quả thực hiện Kết luận số 96/KL-TTr, trong đó nêu rõ: Tổng số đối tượng đã ban hành quyết định đình chỉ, truy thu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 1.277 đối tượng, với tổng số tiền phải thu hồi là trên 200,579 tỷ đồng.
... đến những chuyện “bi hài”
Cái sai thì đã rõ qua các con số, thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế, cũng như theo đánh giá của ngành chức năng, mới thấy có không ít câu chuyện “bi hài” xung quanh việc triển khai chính sách rất giàu tính nhân văn này.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Sầm Sơn trao quà cho các nạn nhân da cam trên địa bàn.
Ông Đỗ Xuân Nhân (sinh năm 1950, quê xã Quảng Đức, Quảng Xương), nhập ngũ tháng 8/1971, tại Tiểu đoàn 16, Đại đội 12, Trung đoàn 646, Sư đoàn 30B (trực thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559), chiến đấu từ chiến trường Quảng Trị trở vào. Tháng 3/1974, ông phục viên nhưng mãi đến năm 2016 ông mới làm các thủ tục để hưởng chính sách dành cho nạn nhân nhiễm CĐHH. Ông cho biết, lúc đó các giấy tờ, thủ tục ông đã làm đầy đủ theo yêu cầu và hồ sơ của ông đã được duyệt. Đến ngày 1/8/2023, ông Nhân bị cắt chế độ nạn nhân da cam, với lý do không bổ sung được giấy tờ chứng minh có thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh Việt Nam, từ tháng 8/1961 đến ngày 30/4/1975. Đồng thời, ông bị thu hồi số tiền đã được thụ hưởng là trên 74 triệu đồng.
Trường hợp người cựu chiến binh đã ngoài 70 tuổi này, khiến chúng tôi rất băn khoăn. Bởi như ông tâm sự, “tôi biết đi đâu để xin giải mã giấy tờ bổ sung vào hồ sơ, vì đơn vị cũ không biết có còn, rồi lại già yếu không biết nhờ cậy ai”. Chưa kể, hoàn cảnh gia đình ông cũng khiến chúng tôi không khỏi xót xa, khi người con trai duy nhất vừa chết cách đây 6 tháng; con gái lại lấy chồng tận Tây Nguyên, chẳng thể đỡ đần được cho 2 ông bà già đã xế chiều lại đau yếu. “Giờ vợ chồng tôi không biết xoay sở đâu để trả lại số tiền bị thu hồi”, ông Nhân lo lắng.
Giống như trường hợp ông Nhân, còn hàng trăm trường hợp chưa có giấy tờ chứng minh tham gia HĐKC tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH, hoặc giấy tờ có nghi vấn không đảm bảo tính pháp lý. Cũng có những trường hợp đối tượng được xét duyệt, giải quyết chế độ ưu đãi nhưng không đủ cơ sở pháp lý, chẳng hạn hồ sơ không có biên bản GĐYK kết luận đối tượng mắc bệnh liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Đặc biệt, có những trường hợp qua xác minh ngẫu nhiên hồ sơ bệnh án điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho thấy, bản trích sao bệnh án điều trị “ung thư” nhưng không phải do bệnh viện này cấp; có trường hợp không điều trị bệnh ung thư; có trường hợp điều trị bệnh không thuộc danh mục bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH. Ngoài ra, có nhiều trường hợp dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định nhưng vẫn được giới thiệu đi GĐYK để “nâng” mức thương tật và tăng mức trợ cấp ưu đãi; hoặc trường hợp được hưởng cùng lúc 2 chế độ (bệnh binh và CĐHH) do “sơ suất” của đơn vị chức năng khi không tổng hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của đối tượng để làm căn cứ thực hiện chính sách...
Đó là với đối tượng trực tiếp (người HĐKC), còn với đối tượng gián tiếp (con đẻ của người HĐKC), qua tìm hiểu được biết, nhiều người được hưởng chính sách của nạn nhân bị nhiễm CĐHH, thế nhưng bố/mẹ lại không tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh tại Việt Nam (từ 1/8/1961 đến 30/4/1975). Chưa hết, có những đối tượng không bị dị dạng, dị tật hoặc bị dị dạng, dị tật mức độ nhẹ, vẫn còn khả năng lao động và đang đi làm, có thu nhập. Lại có trường hợp khá “hi hữu” khi được hưởng trợ cấp tại 2 địa phương khác nhau...
Nói về khó khăn, bất cập khi thực thi chính sách này, ông Lê Bá Tường, Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Quảng Xương, cho rằng: Năm 2001, thực hiện Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, chỉ cần con dị dạng, dị tật là bố được hưởng và thủ tục, hồ sơ cũng rất đơn giản. Hơn nữa, hồ sơ của đối tượng được lưu tại Sở LĐTB&XH chứ không lưu tại huyện. Do đó, khi Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH, giao việc rà soát đối tượng là nạn nhân nhiễm CĐHH về cho địa phương, nhưng vì không nắm được hồ sơ gốc của đối tượng nên rất khó. Hơn nữa, nhiều đối tượng được xác lập hồ sơ từ những năm 2000, trong khi những người làm chính sách như chúng tôi là thế hệ sau, nên không thể nắm bắt tường tận. Khi Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở LĐTB&XH tiến hành kiểm tra và yêu cầu các đối tượng bổ sung hồ sơ, cũng là không dễ bởi đa số đối tượng trực tiếp tuổi đã cao, thường xuyên ốm đau, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Còn những đối tượng gián tiếp thì nhiều người ngây ngô, thần kinh không bình thường...
Có ý kiến cho rằng, chính sách ưu đãi người có công lẽ ra cần được thực hiện theo mô hình “chóp ngược”, nghĩa là phải bắt đầu từ phạm vi hẹp (những người ảnh hưởng nặng nề), rồi mới đến phạm vi rộng (những người ảnh hưởng ít nặng nề hơn). Thế nhưng, với chính sách dành cho người nhiễm CĐHH thì lại thực hiện ngược lại. Nghĩa là, từ diện rộng đến diện hẹp, từ chỗ nhiều người được hưởng sang ít người được hưởng. Để rồi câu chuyện “tồn đọng” đối tượng thụ hưởng sai, không thể phủ nhận có một nguyên nhân do bất cập trong chính sách. Song, từ yếu tố khách quan thì cũng cần nhìn nhận nhân tố chủ quan: người thực thi chính sách - nhân tố có tính quyết định đến hiệu quả chính sách trong thực tiễn.
Bài và ảnh: Nhóm PV
Bài 2: Bài học nhãn tiền.
{name} - {time}
-
2025-01-21 20:24:00
Nghị quyết số 17-NQ/TU về văn hóa và con người Thanh Hóa: Từ nhận thức đến hành động (Bài 2) - Kiến tạo môi trường tiến bộ, văn minh
-
2025-01-21 19:28:00
Vui tết, nhưng tính mạng con người là trên hết
-
2024-09-22 14:49:00
Cần “thay áo mới” cho những cầu treo
Trao tặng công trình nước sạch cho Trường Mầm non Yên Lạc (Như Thanh)
“Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 3): Nhân lên các quyết sách vì dân
Hậu ly hôn : Nỗi đau con trẻ
“Đây là đường ở Thanh Hóa, biết chưa!”
Gặp mặt Khoá bác sĩ quân y dài hạn 20 Học viện Quân y
Nữ giám đốc HTX sở hữu 3 sản phẩm OCOP 4 sao
Những trường hợp nào được miễn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức?
“Dân thụ hưởng” ở xứ Thanh (bài 2): Bàn làm, không bàn lùi
Di dời khẩn cấp do sạt lở tại Trường THCS Lâm Phú