Tạo điều kiện việc làm cho chiến sỹ Công an nhân dân xuất ngũ
Người thân động viên thanh niên quận Hoàng Mai lên đường nhập ngũ. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho chiến sỹ xuất ngũ là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an; góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu về lao động trẻ.
Đại đa số chiến sỹ tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân có ý chí phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao với mục đích được cống hiến, phục vụ lâu dài trong lực lượng Công an nhân dân.
Tuy nhiên, do nhu cầu biên chế nên chỉ duy trì được một tỉ lệ nhất định số chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ được chuyển sang chế độ chuyên nghiệp.
Trên thực tiễn vẫn còn có nhiều chiến sỹ xuất ngũ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm được địa chỉ học nghề hay một việc làm phù hợp để phát huy khả năng và kiến thức của mình sau khi xuất ngũ trở về địa phương.
Do đó, việc quan tâm giải quyết việc làm cho chiến sĩ nghĩa vụ không chỉ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định chính trị và an sinh xã hội, mà còn khai thác được những ưu điểm của chiến sỹ xuất ngũ, góp phần đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động trẻ.
Từ thực tiễn này, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Đề án số 18 về "Dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ giai đoạn 2023 đến 2030."
Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề, cơ hội việc làm và là chính sách hậu phương quan trọng đối với thanh niên xuất ngũ.
Bên cạnh đó, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ còn giúp tăng cường thu hút nguồn tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đề án xác định mục tiêu 100% thanh niên là hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ được tuyên truyền, tư vấn học nghề và hỗ trợ việc làm; các cơ sở đào tạo của Bộ Công an nâng cao khả năng, điều kiện dạy nghề và đề xuất mở rộng nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Thực hiện Đề án số 18, vừa qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã thành lập 3 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, thuộc 3 Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
3 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập, có nhiệm vụ chính là đào tạo lái xe, điều khiển phương tiện phục vụ công tác; tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng, trình độ sơ cấp nghề, giới thiệu việc làm đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ xuất ngũ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an các đơn vị, địa phương và các tổ chức, cá nhân theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết theo lộ trình, từ nay đến năm 2025, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để triển khai công tác dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp số 1.
Từ năm 2026 sẽ triển khai công tác dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp số 2, số 3, trên cơ sở đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp số 1.
Các Trung tâm Huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện về cơ sở vật chất, doanh trại và đội ngũ cán bộ chuyên môn để sớm ổn định tổ chức.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng để tham mưu có hiệu quả cho Lãnh đạo Bộ Tư lệnh quyết định những vấn đề cần thiết để hoàn thiện các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đi vào hoạt động theo lộ trình.
Để thực hiện tốt Đề án 18, thời gian qua, Công an các đơn vị, địa phương cũng tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc làm cho hạ sĩ quan nghĩa vụ Công an nhân dân sau khi được đào tạo nghề hoặc sau khi xuất ngũ; hoàn thiện quy trình hỗ trợ, đăng ký học nghề, hướng nghiệp cho hạ sĩ quan nghĩa vụ Công an nhân dân sau khi xuất ngũ.
Quá trình đào tạo nghề, các cơ sở đào tạo nghề trong Công an nhân dân tạo điều kiện bố trí chỗ ở, hỗ trợ chi phí đào tạo cho hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân sau khi xuất ngũ (nếu có), đảm bảo kinh phí, chi phí đào tạo trong Công an nhân dân thấp hơn các cơ sở đào tạo nghề ngoài xã hội.
Công an các đơn vị, địa phương xây dựng cơ chế phối hợp, tạo “đầu ra” sau khi hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ, đảm bảo chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm gắn kết thống nhất với nhau để tạo cơ hội lớn nhất cho hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân trong học tập, rèn luyện và việc làm, ổn định cuộc sống sau khi xuất ngũ trở về địa phương.
Đồng thời, Công an các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho đối tượng là hạ sỹ quan nghĩa vụ Công an nhân dân chuẩn bị xuất ngũ thông qua các chương trình như: “Ngày hội việc làm”, “Ngày hội thanh niên”... Quan tâm, hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho hạ sỹ quan nghĩa vụ sau khi học nghề và khi trở về địa phương; vận động số công dân đã hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở theo quy định./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2024-12-12 11:32:00
Tổng Bí thư dự kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
-
2024-12-11 16:06:00
Bàn giao “Nhà tình nghĩa” cho thương binh Nguyễn Văn Thắng
-
2024-12-11 16:03:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác
Quân đội Nhân dân Việt Nam truyền cảm hứng cho lực lượng vũ trang toàn thế giới
Đoàn công tác liên ngành kiểm tra kết quả thực hiện Nghị định số 03 của Chính phủ tại Thanh Hóa
Trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật quý về Quân đội Nhân dân Việt Nam
Năm 2024, quốc phòng - an ninh trên địa bàn TP Thanh Hóa được giữ vững
Dấu ấn lực lượng vũ trang nơi bản làng vùng cao
Nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập quân đội Nhân dân Việt Nam
Đảng ủy Sư đoàn 341 vững mạnh toàn diện
Hội nghị Quân chính Sư đoàn 341