Sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ: Việc rất khó nhưng khó mấy cũng phải làm
Cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được triển khai quyết liệt để nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại. Cuộc cách mạng này yêu cầu phải được nhất quán tuân thủ và nghiêm túc triển khai theo định hướng và sắp xếp của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, để bảo đảm tiến độ tinh gọn bộ máy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, sáng 7/12.
Trong bộ máy của hệ thống chính trị, một bộ máy chính phủ tinh gọn, minh bạch và hiện đại bảo đảm quản trị quốc gia hiệu quả, tạo nền tảng để Việt Nam vươn mình mạnh mẽ hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, tự lực, tự cường, và hội nhập quốc tế sâu rộng, phấn đấu hoàn thành hai mục tiêu 100 năm, trong đó mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao như tinh thần và quyết tâm đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII. Đổi mới mô hình quản trị chính là động lực để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào giữa thế kỷ 21.
Hiệu năng đề cập đến khả năng vận hành linh hoạt và nhanh chóng của bộ máy; hiệu lực nhấn mạnh tính pháp lý, quyền lực và sự minh bạch trong các quyết định hành chính; còn hiệu quả là kết quả cụ thể mà các chính sách và chương trình mang lại cho người dân và xã hội. Ba yếu tố này gắn kết chặt chẽ, tạo nên một cơ chế hoạt động đồng bộ, thống nhất và tối ưu hóa mọi nguồn lực quốc gia.
Cải cách bộ máy chính phủ không đơn thuần là việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức mà là một quá trình tái thiết toàn diện nhằm tạo đột phá trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, thể hiện rõ sức sáng tạo chưa từng có, thúc đẩy sự phát triển về lý luận, tư tưởng, thúc đẩy sự đổi mới về quan điểm điều hành, phương thức điều hành chính quyền giúp bộ máy chính phủ có thêm sức sống mới, hoàn toàn phù hợp tình hình phát triển của đất nước, mở ra nhiều con đường để hiện đại hóa, tiến lên, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại.
Kỷ nguyên mới mà Việt Nam đang bước vào không chỉ đòi hỏi những chính sách đột phá, mà còn cần một hệ thống hành chính công đủ mạnh để hiện thực hóa các chính sách đó. Trọng tâm của cải cách bộ máy chính phủ là xây dựng một hệ thống quản trị hiện đại, tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Hiệu năng, hiệu lực, và hiệu quả. |
Tầm quan trọng của việc xây dựng một chính phủ hiệu lực
Những năm gần đây, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ cả trong và ngoài nước. Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn đã làm thay đổi cách thức quản trị và điều hành trong mọi lĩnh vực. Hội nhập quốc tế cũng đặt ra yêu cầu cao về tính minh bạch, hiệu quả và sự linh hoạt của bộ máy chính phủ để đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài. Đồng thời, trong nước, dân số ngày càng tăng, nhu cầu về dịch vụ công ngày càng cao, cùng với khát vọng phát triển mạnh mẽ của toàn dân tộc, đòi hỏi chính phủ phải thay đổi để phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn.
Một chính phủ hiệu lực là chính phủ dựa vào sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức để có được các quyết định, chính sách thực thi một cách đúng đắn và kịp thời. Chính phủ cần bảo đảm các nguồn lực quốc gia được sử dụng tối ưu để đạt được kết quả tốt nhất với chi phí thấp nhất. Đây là mục tiêu cuối cùng của mọi cải cách, nhằm mang lại những giá trị thiết thực nhất cho xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 , Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhằm tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực; phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được Hiến pháp quy định nhằm xây dựng Chính phủ chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường sự quản lý thông suốt từ Trung ương đến địa phương, trên cơ sở phân cấp, phân quyền hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Một chính phủ hiệu lực là chính phủ dựa vào sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức để có được các quyết định, chính sách thực thi một cách đúng đắn và kịp thời. |
Cải cách bộ máy chính phủ với khát vọng vươn mình và phát triển bền vững của Việt Nam thuận theo ý Đảng lòng dân, đi theo vận mệnh thời đại, quyết đoán đưa ra quyết sách quan trọng, nắm chắc mục tiêu chung của cuộc cách mạng tinh gọn chính là mấu chốt trong việc quán triệt thực hiện hàng loạt các biện pháp tinh gọn gắn liền với mục tiêu xây dựng một quốc gia phát triển, hiện đại và hội nhập sâu rộng:
Thứ nhất, động lực gắn kết với tầm nhìn chiến lược quốc gia.
Tại Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra tầm nhìn chiến lược cho tương lai, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển. Để thực hiện tầm nhìn này, cải cách bộ máy chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm mục tiêu phù hợp yêu cầu thực tiễn, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển toàn diện quốc gia và là con đường tất yếu để kiên trì phát triển đất nước.
Trên cơ sở bố trí theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bao quát, toàn diện, hiệu quả; tổ chức chính quyền địa phương có sự điều chỉnh phù hợp từng loại đơn vị hành chính nông thôn, đô thị, hải đảo và các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Làm rõ chức năng, trách nhiệm, quyền lực, nghĩa vụ của từng tổ chức trong bộ máy, của các cấp, các bộ phận trong mỗi bộ máy, tổ chức. Thiết kế mô hình tổ chức thành hệ thống xuyên suốt, phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật (cấp Trung ương) với các cấp tổ chức thực hiện (cấp trung gian) và cấp cơ sở (vừa là cấp tổ chức thực hiện, vừa là cấp tự quản). Phân biệt rõ các loại hình đơn vị hành chính (nông thôn, đô thị, hải đảo, miền núi...) để hình thành mô hình tổ chức bộ máy phù hợp.
Xác định rõ chức năng “hiệu quả” giữa ngành dọc với địa phương, giữa quản lý tập trung thống nhất với phân cấp quản lý. Quán triệt quyết tâm khắc phục việc không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động, hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng đa dạng và linh hoạt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và môi trường cụ thể.
Thứ hai, nền tảng cho phát triển vượt bậc, bền vững.
Việt Nam cần một bộ máy chính phủ hiện đại, minh bạch để bảo đảm thực hiện hiệu quả các chiến lược phát triển bền vững, để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực xã hội và con người làm nền tảng, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo làm đột phá trong cả ba lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Các nguồn lực tài chính, nhân lực, tài nguyên thiên nhiên cần được phân bổ đúng nơi, đúng chỗ, tránh thất thoát lãng phí, bảo đảm duy trì nguồn lực cho thế hệ tương lai. Đồng thời, cải cách bộ máy chính phủ giúp tăng cường năng lực thực thi các chính sách quốc gia, hiện đại hóa hệ thống quản lý và năng lực quản lý nhà nước, nỗ lực phát triển kinh tế đất nước tạo nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ của quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện của con người, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của thế giới.
Thứ ba, tăng cường lòng tin và đoàn kết dân tộc.
Một bộ máy chính phủ hiệu quả, minh bạch sẽ nâng cao lòng tin của người dân vào hệ thống chính trị. Đây là yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sự đồng thuận trong việc thực hiện các chiến lược phát triển quốc gia. Tăng cường phát huy vai trò của nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, khát vọng phát triển đất nước kết hợp với tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, tập hợp trí tuệ của nhân dân, không ngừng lắng nghe ý kiến để sửa chữa và cải thiện.
Thêm vào đó, việc đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh thế giới ngày nay phát triển, biến đổi và điều chỉnh mạnh mẽ, quá trình đa cực hóa và toàn cầu hóa kinh tế, thông tin hóa xã hội và đa dạng hóa văn hóa của thế giới đi vào chiều sâu, sự chuyển đổi của hệ thống quản trị toàn cầu và trật tự quốc tế ngày càng gia tăng, sự gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc, một bộ máy chính phủ hiệu quả sẽ tạo cơ hội để huy động các nguồn lực từ nước ngoài và tạo ra động lực lớn để các doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Cải cách triệt để giúp bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Cơ cấu tổ chức bộ máy của chính phủ đang ngày càng được hoàn thiện, phù hợp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và từng bước thu gọn đầu mối bộ, cơ quan thuộc chính phủ.
Bộ máy chính phủ, với vai trò là trung tâm điều hành và quản lý các hoạt động quốc gia, cần bảo đảm hiệu quả, minh bạch và linh hoạt trong mọi khía cạnh. Tuy nhiên, trong thực tế, bộ máy chính phủ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mang tính hệ thống, làm suy giảm hiệu quả quản trị nhà nước, lãng phí nguồn lực. Sự cồng kềnh và chồng chéo chức năng không chỉ làm giảm tốc độ ra quyết định mà còn khiến các chính sách khó triển khai đồng bộ, hiệu quả. Điều này đặc biệt rõ nét trong các tình huống cần phản ứng nhanh, như đối phó với thiên tai, dịch bệnh, hoặc xử lý các vấn đề kinh tế khẩn cấp.
Trong thực tế, bộ máy chính phủ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế mang tính hệ thống, làm suy giảm hiệu quả quản trị nhà nước, lãng phí nguồn lực. Sự cồng kềnh và chồng chéo chức năng không chỉ làm giảm tốc độ ra quyết định mà còn khiến các chính sách khó triển khai đồng bộ, hiệu quả. |
Bộ máy chính phủ không hiệu quả sẽ dẫn đến việc các nguồn lực quốc gia bị lãng phí. Thay vì được sử dụng để phát triển kinh tế-xã hội, một phần lớn ngân sách phải chi trả cho các hoạt động hành chính không cần thiết. Sự lãng phí này không chỉ làm chậm quá trình phát triển của đất nước mà còn tạo thêm áp lực lên ngân sách quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn thu ngày càng bị thu hẹp do những biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Điều này cũng tác động đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với tính minh bạch và hiệu quả của chính phủ, từ đó dẫn đến sự miễn cưỡng trong việc tuân thủ quy định pháp luật và vô hình trung làm gia tăng áp lực lên hệ thống quản trị.
Muốn xây dựng hình ảnh một quốc gia minh bạch, hiện đại và sáng tạo trên trường quốc tế, công cuộc cải cách bộ máy chính phủ phải được tiến hành triệt để theo các nguyên tắc sau:
Một là, sáp nhập các cơ quan trùng lặp chức năng, tinh gọn bộ máy. Hiện nay, sự tồn tại song song của nhiều đơn vị có nhiệm vụ tương tự nhau gây ra lãng phí nguồn lực, làm chậm tiến độ công việc và giảm hiệu quả quản trị. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ.
Như vậy, bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn còn: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Việc đề xuất duy trì số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nêu trên là cần thiết, bảo đảm tính ổn định, kế thừa và phù hợp yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Hai là, phân định rõ trách nhiệm và quyền hạn giữa các cấp chính quyền. Việc tái cấu trúc tổ chức không thể đạt hiệu quả nếu không có sự phân định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa các cấp chính quyền. Ở nhiều trường hợp, sự “mơ hồ” trong vai trò và nhiệm vụ giữa chính quyền trung ương và địa phương dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu chủ động trong thực thi chính sách.
Mỗi cấp chính quyền cần có một cơ chế quản lý độc lập trong phạm vi được phân công, đồng thời phối hợp hiệu quả với các cấp khác. Điều này yêu cầu xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, xác định rõ ràng chức năng của từng cơ quan để bộ máy gọn nhẹ hơn, chi tiêu ít hơn, hoạt động hiệu quả hơn, giúp các chính sách được triển khai nhanh chóng và minh bạch hơn.
Ba là, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số xây dựng chính phủ hiện đại. Một trong những yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số trong quản trị công là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đầy đủ và đồng bộ. Các cơ quan chính phủ hiện nay thường hoạt động với hệ thống dữ liệu riêng lẻ, gây khó khăn trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp hành động. Việc thiết lập một cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối toàn diện giữa các ngành, lĩnh vực là tiền đề để giảm thiểu các thủ tục không cần thiết và nâng cao hiệu quả quản lý.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là một mục tiêu quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Thay vì yêu cầu người dân cung cấp nhiều loại giấy tờ tại các cơ quan khác nhau, các thông tin cá nhân nên được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép tra cứu nhanh chóng và giảm thiểu sự phiền hà. |
Đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là một mục tiêu quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Thay vì yêu cầu người dân cung cấp nhiều loại giấy tờ tại các cơ quan khác nhau, các thông tin cá nhân nên được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia, cho phép tra cứu nhanh chóng và giảm thiểu sự phiền hà.
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở xây dựng hạ tầng kỹ thuật mà còn đòi hỏi việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số vào quản trị công. Các nền tảng số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và internet vạn vật cần được triển khai để cải thiện quá trình ra quyết định, dự báo và quản lý.
Chính phủ cần thúc đẩy các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao hơn, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn cho phép hoàn tất toàn bộ thủ tục qua mạng. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm chi phí vận hành, tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động hành chính.
Bốn là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, liêm chính, và tận tâm đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm. Các chương trình đào tạo cần tập trung vào các kỹ năng mới, như quản trị số, phân tích dữ liệu và kỹ năng giải quyết vấn đề theo cách sáng tạo.
Liêm chính và trách nhiệm là những tiêu chuẩn không thể thiếu trong đội ngũ cán bộ. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng một văn hóa tổ chức minh bạch, trong đó các cán bộ được đánh giá không chỉ dựa trên kết quả công việc mà còn qua phẩm chất đạo đức và thái độ phục vụ.
Để thu hút và giữ chân nhân tài, cần áp dụng chế độ đãi ngộ hợp lý, bảo đảm cán bộ, công chức được trả công xứng đáng với năng lực và đóng góp của họ. Hơn nữa, việc đánh giá hiệu suất công việc phải minh bạch, dựa trên các tiêu chí cụ thể và có sự giám sát độc lập, nhằm tránh tình trạng thiên vị hoặc bất công.
Quá trình cải cách triệt để bộ máy chính phủ hướng đến sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả đòi hỏi sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự lãnh đạo sáng suốt từ các cấp cao nhất và sự đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị. Vì thế, việc cải cách bộ máy chính phủ, không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là sứ mệnh dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sự phát triển bền vững và xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, việc cải cách bộ máy chính phủ không chỉ dừng lại ở việc khắc phục những hạn chế hiện tại mà còn phải hướng đến một mô hình quản trị tiên tiến, nơi chính phủ thật sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với sự đoàn kết thống nhất, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân ta, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên giàu mạnh của dân tộc và là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, tự cường và sẵn sàng vươn xa trên trường quốc tế.
Theo NDO
{name} - {time}
-
2025-01-12 07:00:00
Dự kiến tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa XV có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, không còn cấp tổng cục
-
2025-01-12 06:00:00
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 12/1
-
2024-12-12 07:07:00
Hợp nhất nguyên trạng Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 12/12
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 12/12/2024
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 11/12
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt các chức sắc Công giáo nhân dịp Giáng sinh năm 2024
Ngày 16/12 sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô
[Bản tin 18h] Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội năm 2024
Quảng Xương có tân Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
Vĩnh Lộc phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2025 ở mức cao nhất
Như Xuân trong nhóm các đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công