Sa Lắng, gần mà xa
Bản Sa Lắng, xã Phú Xuân (Quan Hóa) là bản tái định cư (TĐC) do ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Hồi Xuân. Dù cách trung tâm hành chính xã chưa đầy 1km đường chim bay, song do bị chia cắt bởi con sông Mã, việc đi lại, sản xuất và tiếp cận dịch vụ công của người dân gặp nhiều khó khăn.
Một góc bản tái định cư Sa Lắng.
Bản có 54 hộ dân với gần 300 nhân khẩu. Kể từ khi chuyển về khu tái định cư, đời sống người dân đã được cải thiện về nhà ở, điện lưới quốc gia và các hạ tầng cơ bản. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là tình trạng giao thông cách trở. Đến nay, mọi hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, học hành của trẻ em và việc khám, chữa bệnh của người dân đều phụ thuộc vào các chuyến đò ngang qua sông Mã.
Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Cao Hồng Được cho biết: Việc chưa có cầu kiên cố bắc qua sông khiến cuộc sống người dân gặp nhiều bất tiện. Để sang được trung tâm xã, người dân phải đi đò khoảng 10 phút. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao, dòng chảy xiết, việc di chuyển tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Chiếc đò phục vụ bà con được xã vận động xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí duy trì, nhưng cũng chỉ hoạt động cầm chừng, không thể đáp ứng hết nhu cầu”, ông Được chia sẻ.
Giao thông không thuận lợi kéo theo nhiều hệ lụy cho đời sống người dân. Để mua vật liệu xây dựng như xi măng, sắt, thép và gạch, người dân buộc phải thuê đò cùng người khuân vác, khiến chi phí tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó, nông sản địa phương như lúa, ngô, sắn, cây luồng và xoan khó được vận chuyển đi tiêu thụ, thường xuyên bị thương lái ép giá.
"Mỗi khi sửa nhà, chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng về giá cả thị trường. Có lần, riêng tiền thuê đò chở vật liệu đã tốn đến hàng chục triệu đồng. Còn nông sản làm ra thì thương lái không mặn mà vì khó khăn trong việc vận chuyển", chị Hà Thanh Quýnh ở bản Sa Lắng chia sẻ.
Không chỉ sản xuất, mà giáo dục cũng chịu ảnh hưởng. Hiện bản Sa Lắng có hơn 60 học sinh các cấp hàng ngày phải đi đò sang sông đến lớp. Những hôm trời mưa, nước lớn, phụ huynh buộc phải cho con nghỉ học để đảm bảo an toàn, khiến việc học hành bị gián đoạn. Cô Cao Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân, cho biết: “Nhà trường có 11 học sinh mầm non ở bản Sa Lắng. Vào mùa mưa lũ, chúng tôi cho các cháu nghỉ học và dạy bù vào cuối tuần. Ngoài ra, trường cũng bố trí ăn bán trú cho các cháu học cả ngày để hạn chế việc đi lại qua sông”.
Đi lại khó khăn cũng khiến người dân gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận dịch vụ y tế. Trong những tình huống khẩn cấp như ốm đau nặng, việc đưa người bệnh sang bên kia sông hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chiếc đò thô sơ.
Để vào được bản tái định cư Sa Lắng người dân phải qua sông bằng đò.
Theo phản ánh của người dân và chính quyền xã, trước đây bản Sa Lắng từng được đề cập đến sẽ đầu tư xây dựng cầu dân sinh. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch hành lang Dự án Thủy điện Hồi Xuân, đến nay mong ước ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Việc làm cầu tạm hay cầu treo cũng gặp nhiều vướng mắc vì không thuộc danh mục được ưu tiên đầu tư.
Phó bí thư chi bộ bản Sa Lắng Cao Thanh Bình, trăn trở: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư cầu dân sinh, hoặc ít nhất là cầu treo vượt sông. Nhưng hiện nay bản không nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ. Trong khi đó, đất sản xuất hạn chế, bà con chủ yếu sống dựa vào nông, lâm nghiệp nhỏ lẻ, tự cung tự cấp”.
Dẫu đã an cư, người dân Sa Lắng vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình ổn định cuộc sống và phát triển. Những trở ngại về giao thông đang trở thành rào cản vô hình, hạn chế cơ hội phát triển của cả cộng đồng. Hiện nay, bên cạnh việc duy trì bến đò tạm bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, chính quyền xã Phú Xuân đang kiến nghị UBND huyện Quan Hóa xem xét đưa bản Sa Lắng vào danh mục ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn sắp tới. Những nỗ lực này nhằm từng bước tháo gỡ “nút thắt”, cải thiện điều kiện sống và tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho người dân địa phương.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2025-05-09 18:33:00
Tiêu chí nổi trội ở xã nông thôn mới kiểu mẫu
-
2025-05-09 17:32:00
Lan tỏa phong trào hiến đất ở Hoằng Hợp
-
2025-05-09 17:01:00
EVN tăng giá điện thêm 4,8% từ ngày mai
Nhiều việc làm thiết thực từ thực hiện phong trào thi đua đặc biệt
Bỉm Sơn tập trung phát triển hạ tầng đô thị
Thọ Xuân: Nhiều lao động có việc làm và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp
Khánh thành công trình trường tiểu học tại thị xã Nghi Sơn
Công đoàn Công ty TNHH Giầy Annora Việt Nam phát động “Tháng Công nhân” năm 2025
Như Xuân chắp cánh ước mơ “an cư lạc nghiệp” cho các đối tượng yếu thế
Điểm tựa giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích
Góc khuất nơi “Cổng trời”