(Baothanhhoa.vn) - Thường Xuân là huyện miền núi có hơn 55% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Những giá trị văn hóa độc đáo của người Thái đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa của vùng đất “Quế ngọc - Châu thường”. Để gìn giữ những giá trị văn hóa của người Thái, huyện Thường Xuân đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Thái Thường Xuân

Thường Xuân là huyện miền núi có hơn 55% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Những giá trị văn hóa độc đáo của người Thái đã tạo nên vẻ đẹp văn hóa của vùng đất “Quế ngọc - Châu thường”. Để gìn giữ những giá trị văn hóa của người Thái, huyện Thường Xuân đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Thái Thường XuânMột cảnh trong lễ hội Nàng Han năm 2024.

Trải qua quá trình lao động sản xuất, người Thái Thường Xuân đã hình thành và phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc sắc vừa mang sắc thái riêng vừa có tính thống nhất của văn hóa Việt và văn hóa xứ Thanh. Đó là những lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình trình diễn dân gian, trò chơi trò diễn, ẩm thực, trang phục, tiếng nói, chữ viết, nghề dệt thổ cẩm, nhà sàn...

Các lễ hội của người Thái Thường Xuân được cộng đồng cư dân duy trì, thực hành nhằm thể hiện sự tôn trọng, thành kính của người dân đối với thần linh và những người có công với bản, làng. Đến nay, người Thái Thường Xuân vẫn duy trì thường xuyên lễ hội Nàng Han và lễ hội mừng cơm mới. Tiêu biểu trong đó là lễ hội Nàng Han, ở xã Vạn Xuân. Đối với người Thái mường Chiềng Ván ở xã nói chung, bản Lùm Nưa nói riêng, trong mỗi tấc đất bản mường, mỗi con sông, dòng suối, ngọn núi, rừng cây đều có thần linh cai quản, họ vừa biết ơn, vừa thiêng hóa con người và tự nhiên. Quan niệm và tín ngưỡng trong trẻo, thuần phát đó được thể hiện rõ và in dấu ấn sâu đậm trong lễ hội Nàng Han. Lễ hội Nàng Han diễn ra vào ngày đầu xuân, chính hội vào ngày mùng 5 tết và kéo dài trong suốt cả mùa xuân. Phần lễ được người dân chuẩn bị sẵn những lễ vật là những sản vật của địa phương, của người Thái. Phần hội được tổ chức sôi nổi với các trò chơi, trò diễn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Với những đặc trưng văn hóa ấy, lễ hội Nàng Han đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với các lễ hội, người Thái Thường Xuân có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, trò chơi, trò diễn độc đáo như: khặp Thái, khua luống, boong bù, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, kéo co, ném còn. Những loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Thái. Và các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cũng khiến cho lễ hội trở nên náo nhiệt hơn, người dân gắn kết hơn.

Với mỗi dân tộc, tiếng nói, chữ viết, trang phục cũng là những đặc trưng để nhận diện. Do đó, huyện Thường Xuân đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn trang phục, tiếng nói, chữ viết của người Thái. Đến nay, trang phục của người Thái vẫn được bà con gìn giữ thông qua việc mặc trang phục trong các lễ hội, các sự kiện quan trọng. Đồng thời, người dân vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm để tạo ra những bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Đối với tiếng nói, chữ viết đang có xu hướng mai một, thế hệ trẻ phần lớn không giao tiếp bằng tiếng Thái. Do đó, huyện đã có nhiều hoạt động khuyến khích người am hiểu chữ Thái, tích cực tham gia truyền dạy chữ viết cho đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện; các gia đình thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Thái; các trường học quan tâm việc dạy tiếng Thái cho học sinh.

Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của người Thái, huyện Thường Xuân đã bám sát các văn bản chỉ đạo về văn hóa, từ đó xây dựng các đề án, chương trình hành động nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của người Thái. Đồng thời, lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Thường Xuân. Phát huy vai trò của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, huyện Thường Xuân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống cho người dân và các em học sinh trong các trường học. Cùng với đó, huyện đã tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích người dân các địa phương thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống và tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao.

Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân, cho biết: "Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của người Thái cũng như các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân mà còn góp phần tạo động lực, nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Thái, huyện xác định cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp giữa đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân với tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác phục dựng các lễ hội, trò chơi, trò diễn; khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]