(Baothanhhoa.vn) - Khoảng 6 tháng trở lại đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (NTMNC) cho 15 xã trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, đây là những địa phương biết phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất. Từ đó, đời sống người dân được nâng cao, có điều kiện để tác động trở lại quá trình nâng cao các tiêu chí cũng như lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phát triển mô hình sản xuất ở những xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Khoảng 6 tháng trở lại đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (NTMNC) cho 15 xã trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, đây là những địa phương biết phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế, phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất. Từ đó, đời sống người dân được nâng cao, có điều kiện để tác động trở lại quá trình nâng cao các tiêu chí cũng như lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phát triển mô hình sản xuất ở những xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Sơ chế tổ yến tại Công ty CP Dịch vụ Yến sào VietNest ở xã Yên Phong (Yên Định).

Là xã bán sơn địa thuộc huyện miền núi Như Thanh, nhưng những năm gần đây, Yên Thọ đã nổi lên là điển hình trong phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất. Hiếm có xã miền núi nào đến thời điểm hiện tại có tới 4 HTX dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp hoạt động hiệu quả. Trong đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thọ và Xuân Thọ thiên về các mô hình trồng trọt; HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng với các mô hình sản xuất nấm hiệu quả; HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Tuấn Long với các mô hình liên kết sản xuất lâm nghiệp. Hiện các HTX đang triển khai tốt vai trò dịch vụ các khâu cung ứng vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, làm đất, thủy lợi, thu hoạch nông sản, cung ứng cây dược liệu, trồng rau an toàn... Hằng năm, các HTX đã liên kết với các đối tác bảo đảm tiêu thụ khoảng 5.000 tấn các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ cầu nối là các HTX, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã trở thành đối tác thường xuyên của nông dân trong xã, như: Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt, Công ty TNHH Ớt Việt Nam, Công ty TNHH Hoàng Sơn Tùng, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Thực phẩm Thiên Nhiên Xanh... Nhờ đó, một số sản phẩm của xã đã được các doanh nghiệp xuất khẩu thành công sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc.

Ngoài ra, trên địa bàn xã cũng thu hút được 20 doanh nghiệp để phát triển các ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Phát huy lợi thế có tuyến đường tỉnh 505B đi qua, hoạt động thương mại – dịch vụ của xã cũng phát triển mạnh, với 395 cửa hàng và hộ kinh doanh cá thể. Các ngành nghề như may mặc, dịch vụ, cơ khí, mộc... đang giúp xã chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ hiệu quả. Cùng với các lĩnh vực sản xuất khác, đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã lên gần 50 triệu đồng/năm.

Với hơn 330 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng khả năng thâm canh cao nên diện tích gieo trồng hàng năm của xã Yên Phong (Yên Định) đạt gần 870 ha. Trong đó, gần 500 ha lúa chuyên canh tập trung tại các xứ đồng Tam Đa, Đanh Thôn, Phượng Lai, Thị Thư, Tân Phong. Diện tích còn lại được xã hình thành các vùng sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa như ớt, hành, đậu tương, ngô, lạc, dưa chuột, bí đỏ... Đáng nói là vùng sản xuất ớt tập trung tại các xứ đồng Thần Nông, Quan Nội, Tầm Tang, Đồng Phỏ cho thu nhập cao. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã tích tụ, tập trung được 81,7 ha đất nông nghiệp để hình thành 2 vùng trồng màu tập trung; đồng thời chuyển đổi gần 19 ha diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và rau màu.

Trong chăn nuôi, Yên Phong đã vận động Nhân dân đầu tư phát triển các gia trại, trang trại tập trung ra các khu đồng xa dân cư để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đến nay, toàn xã có 48 trang trại và gia trại chăn nuôi, trong đó có 3 trang trại lợn và gà quy mô lớn. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và ngành nghề nông thôn của Yên Phong cũng phát triển mạnh với 19 doanh nghiệp, 324 hộ kinh doanh cá thể và 12 tiểu thương kinh doanh tại chợ Hôm. Nhờ đó, các ngành nghề như vận tải, may mặc, kinh doanh điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng và tạp hóa phát triển mạnh, tạo thêm hàng trăm việc làm cho cư dân địa phương. Điển hình nhất là Công ty CP Dịch vụ Yến sào VietNest ở thôn 9 của xã chuyên sơ chế, tinh chế tổ yến để đưa ra thị trường với doanh thu từ 1 đến 2 tỷ đồng mỗi tháng.

Xuất khẩu lao động cũng được coi là hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương, bởi xã đang có 200 lao động đang làm việc tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ma Cao... Hiện thu nhập bình quân của các lao động đạt 28 triệu đồng/người/tháng, theo đó, lượng ngoại tệ gửi về để xây dựng quê hương và phát triển kinh tế đạt tương đương 5,6 tỷ đồng mỗi tháng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Yên Phong đã đạt khoảng 64 triệu đồng/năm.

Với các xã mới đạt chuẩn NTMNC còn lại, mỗi địa phương đều có những mô hình thế mạnh và các phương thức phát triển sản xuất hiệu quả. Xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) với làng nghề đúc đồng hàng trăm năm tuổi, doanh thu mỗi năm hơn 200 tỷ đồng. Xã Thọ Xương (Thọ Xuân) với vùng chuyên canh bưởi Luận Văn đặc sản nổi tiếng và các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển mạnh. Xã Quảng Lộc (Quảng Xương) đã biến khu vực chợ Đình thành trung tâm thương mại, dịch vụ của các xã trong vùng, đồng thời thu hút được các công ty giày da, may mặc để tạo nhiều việc làm cho cư dân địa phương. Có thể kể đến nhiều xã như: Định Hòa (Yên Định), Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), Đông Vinh (TP Thanh Hóa)... đang có nhiều đổi thay nhờ phát triển thành công các mô hình kinh tế để xóa đói, giảm nghèo, giúp đời sống Nhân dân ngày càng khá giả.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]