Phát triển kinh tế từ hoạt động lấn biển: Bài học từ Trung Quốc
Gần một thế kỷ qua, Trung Quốc đã bắt tay vào công cuộc mở rộng diện tích đô thị, hạ tầng về phía biển với những công trình quy mô, chứng minh hiệu quả kinh tế, trở thành hình mẫu phát triển của khu vực.
Một khu vực lấn biển tại Thượng Hải. Ảnh Shutter stock
“Cách mạng” bắt đầu từ “đại dương xanh”
Biển ngày càng trở thành “vũ đài” quan trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia, bao gồm khai thác tài nguyên một cách khoa học, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển bền vững.
Ngay từ thời nhà Thanh (1644-1911), khu vực ven biển Trung Quốc đã được tận dụng để gia tăng quỹ đất cho canh tác, sản xuất muối và nuôi trồng hải sản. Từ năm 1949, kinh tế biển đã được xem là phần quan trọng trong chiến lược phát triển của nước này. Do đó, mở rộng không gian phát triển về phía biển trở thành vấn đề ưu tiên cho mỗi chiến lược quy hoạch.
Đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia lấn biển nhiều nhất thế giới. Tính đến năm 2021, tổng diện tích các dự án lấn biển của nước này đã vượt hơn 20.000km2. Diện tích này gần gấp đôi Qatar và xấp xỉ bằng tổng diện tích đất của Israel.
Tiêu biểu trong đó là đặc khu kinh tế Sán Đầu (nằm ở ven biển tỉnh Quảng Đông) với 20km2 diện tích lấn biển; Cảng Thiên Tân - cảng lớn nhất ở miền bắc Trung Quốc có 107km2 đất lấn biển từ Vịnh Bột Hải; Khu thương mại tự do Tiền Hải (Qianhai) ở Thâm Quyến được xây dựng trên 15km2 đất lấy từ biển; tỉnh Giang Tô lấn 1.817 km2 đất từ biển Hoàng Hải để xây dựng nhà ở, khu công nghiệp và dịch vụ - diện tích này bằng cả London và Munich cộng lại.
Sân bay Macau được xây dựng trên đất lấn biển. Nguồn Moodie Davit
Diện tích bề mặt của Ma Cao cũng đã tăng 10 lần nhờ lấn biển. Hay khi nhìn Thượng Hải trên ảnh vệ tinh, sẽ thấy khu vực rộng lớn nhô ra ở mũi Phố Đông - đó là thành phố Nam Hội với 133km2 lấn biển, nơi được ví như một “Hồng Kông thu nhỏ”.
Trong khi, với những đặc khu có diện tích đất hạn chế, 62% bị “niêm phong” hoặc “bán niêm phong” như Hong Kong thì việc thiếu hụt nhà ở là bài toán khó giải nhiều năm qua. Đó là động lực để chính quyền phê duyệt xây dựng dự án gần 80 tỷ USD - Lantau Tomorrow Vision. Giai đoạn đầu, dự án sẽ tạo ra 1.000ha đất xung quanh đảo Kau Yi Chau, nằm ở phía đông Lantau (đảo lớn nhất Hongkong). 700ha còn lại sẽ được tiếp tục cải tạo trong giai đoạn hai. Đây dự kiến sẽ là trung tâm kinh tế lớn thứ ba của Hong Kong và có mạng lưới giao thông xuyên biển.
Trước đó, từ năm 1998, đặc khu này cũng sử dụng 80 triệu mét khối vật liệu, mở rộng diện tích đảo Chek Lap Kok để xây dựng Sân bay quốc tế Hồng Kông. Ngày nay, đây là một trong những sân bay “bận rộn nhất thế giới”, phục vụ hơn 40 triệu hành khách năm 2023.
Đặt nền móng cho “giấc mộng Trung Hoa”
Các dự án lấn biển tại Trung Quốc những năm qua không chỉ giải quyết tức thì bài toán về quỹ đất, mà còn tạo nguồn thu về kinh tế, góp phần hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” - trở thành cường quốc về kinh tế biển của quốc gia này. Được giới truyền thông gọi là “món quà từ biển cả”, việc mở rộng quỹ đất nhờ lấn biển đã trở thành một “trào lưu” ở đất nước tỷ dân này nhiều năm qua, khi hầu hết các tỉnh ven biển đều có các dự án quy mô lớn đã, đang hoặc sắp triển khai.
Năm 2023, kinh tế biển thu về cho Trung Quốc gần 10 tỷ NDT, tương đương khoảng 8% GDP. Trong đó, du lịch biển thu về hơn 1,4 tỷ NDT, tăng 10% so với cùng kỳ và dịch vụ kinh tế biển thu về gần 5,9 tỷ NDT. Trong số các lực đẩy tăng trưởng thì các công trình lấn biển đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chẳng hạn, đặc khu kinh tế Sán Đầu gồm một phần diện tích lấn biển, hiện là 1 trong 5 đặc khu kinh tế lớn nhất Trung Quốc, thu nhập bình quân đầu người của địa phương tăng gần 100 lần so với những năm 1980.
Bên cạnh đó, việc mở rộng không gian phát triển của các đô thị trên biển, thu hút đầu tư cũng góp phần giúp các ngành như BĐS tăng trưởng phi mã. Ví như đặc khu kinh tế Tiền Hải đã “bỏ túi” không dưới 37 tỷ USD nguồn thu từ BĐS nhờ các dự án xây dựng trên đất lấn biển. Hay những lô đất trên đảo nhân tạo ở Hải Nam từng được giao bán với giá hơn 1,5 triệu USD/m2.
Trong khi, năm 2011, thành phố ven biển Long Khẩu tại Sơn Đông đã từng xây dựng 7 đảo nhân tạo ở ngoài khơi với tổng diện tích hơn 44km2, cung cấp quỹ đất để xây dựng các khu phức hợp căn hộ, khu nghỉ dưỡng, văn phòng, sân golf và công nghiệp. Ước tính nguồn thu từ các quần thể này sẽ đạt hơn 50 tỷ USD và thu hút hơn 200.000 người đến sinh sống.
Một tổ hợp đảo nhân tạo tại Hải Nam. Ảnh Shutter stock
Tuy nhiên, đi đôi với công cuộc “khai hoang” từ đại dương xanh, chính quyền Trung Quốc cũng kiểm soát chặt hoạt động lấn biển để đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, các hoạt động lấn biển bắt buộc phải được đưa vào quản lý, kế hoạch. Chỉ tiêu kế hoạch lấn biển luôn được sát sao, không tùy tiện điều chỉnh.
Gần đây, cơ quan quản lý biển của Trung Quốc cũng đã xây dựng và ban hành các quy định thắt chặt quản lý hoạt động lấn biển trên nguyên tắc bảo đảm phù hợp với pháp luật, sử dụng các vùng biển và quy hoạch không gian biển khoa học, hợp lý.
Có thể coi bài học thành công của Trung Quốc là hình mẫu để các quốc gia có đường bờ biển dài như Việt Nam soi chiếu, tính toán đưa hoạt động lấn biển vào quy hoạch. Theo đó, Việt Nam cũng cần có định hướng xuyên suốt để phát triển kinh tế biển dài hạn, “mở cửa” cho hoạt động khai thác biển bằng quy hoạch tổng thể, có những quy định rõ ràng tạo thuận lợi cho các đề xuất phù hợp được triển khai, nhằm khai phóng những “đại dương xanh” từ kinh tế biển.
Thực tế, Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8/2024 đã dành riêng Điều 190 quy định chi tiết về hoạt động lấn biển. Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện lấn biển theo quy định của pháp luật. Nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong đó có hoạt động lấn biển. Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển kinh tế biển ở Việt Nam.
Theo đánh giá từ các chuyên gia tại Đại học Delft (Hà Lan), sở dĩ xu hướng lấn biển được ưa chuộng, không chỉ ở Trung Quốc mà trên cả thế giới, bởi “đất từ biển tạo ra không gian “rẻ” cho nông nghiệp, công nghiệp và đô thị hóa. Và với các nhà quy hoạch, đất nhân tạo như một “tờ giấy trắng”, có thể vẽ trên đó mọi thứ”.Bởi vậy, đây là một trong những cách nhanh nhất để mở rộng quỹ đất cho các dự án mới. |
Tùng Dương
{name} - {time}
-
2025-01-15 19:59:00
Khẩn trương thi công tu bổ xung yếu hệ thống đê điều Thanh Hóa
-
2025-01-15 16:36:00
BMS Vina tham quan Đà Nẵng và Dentium cùng DANAGO
-
2024-10-07 12:19:00
Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa”
Kinh tế 9 tháng 2024: Chính phủ năng động, đổi mới đã tiếp sức cho các động lực tăng trưởng
Bản tin Tài chính ngày 7/10: Giá vàng ít tín hiệu lạc quan trong tuần mới
“Bệ phóng vàng” cho khởi nghiệp đột phá
Bản tin Tài chính ngày 6/10: Vàng thế giới sụt giảm, trong nước vàng nhẫn vẫn neo cao
Nga Sơn thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực
Hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực cạnh tranh
Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Trưng bày những sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên xứ Thanh
Hội LHPN tỉnh ra mắt mô hình kinh tế tập thể và trao hỗ trợ vật tư cho thành viên