(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và vùng trồng cây ăn quả. Từ việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học- kỹ thuật, xây dựng thành công “thương hiệu” cho sản phẩm mật ong được người tiêu dùng ưa chuộng.

Phát triển bền vững nghề nuôi ong mật

Những năm gần đây, nghề nuôi ong mật trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở những địa phương có tiềm năng cũng như lợi thế về rừng, vườn rừng và vùng trồng cây ăn quả. Từ việc phát triển nghề nuôi ong lấy mật, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học- kỹ thuật, xây dựng thành công “thương hiệu” cho sản phẩm mật ong được người tiêu dùng ưa chuộng.

Phát triển bền vững nghề nuôi ong mậtMô hình nuôi ong mật tại xã Phượng Nghi (Như Thanh).

Với lợi thế có diện tích rừng đặc dụng lớn, xã Bình Lương (Như Xuân) đã khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Theo đó, xã đã thành lập câu lạc bộ nuôi ong để hỗ trợ người dân về kỹ thuật nuôi, cách làm thùng nuôi, cách chăm sóc, tạo ong chúa... và là nơi kết nối các hộ có cùng đam mê, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch mật ong. Ông Đỗ Văn Trung, một trong những hộ có tổng đàn ong lớn trong xã cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu nuôi ong từ năm 2020 với 15 bọng ong ban đầu, đến nay đã có gần 100 bọng ong. Nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong để có chế độ chăm sóc phù hợp từng giai đoạn, từng mùa”. Cũng theo ông Trung, chất lượng mật phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời mưa nhiều mật sẽ lỏng, nắng quá gắt thì mật lại sánh và khó vắt. Mật ngon phải có màu vàng nhạt, sóng sánh, có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như đường và có hương thơm của phấn hoa tự nhiên. Vì vậy, phải nắm bắt được quy trình ra hoa của các giống cây, lựa chọn các loại hoa có giá trị dinh dưỡng cao, tạo mật tốt để cho ong hút nhụy tạo mật. Hiện nay, nhờ biết cách chọn ong chúa, ong đực có chất lượng để nhân đàn, một số hộ nuôi ong trên địa bàn xã đã tạo được tính tụ đàn cao, ít bị bay và thoái hóa giống... nên sản lượng, chất lượng mật thu về cũng rất hiệu quả. Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Bình Lương có khoảng 700 đàn ong mật, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 1.500 đến 2.000 lít mật ong.

Không chỉ là mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong. Ông Bùi Văn Lực, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phượng Xuân, xã Phượng Nghi (Như Thanh), cho biết: Toàn xã hiện nay có khoảng 200 hộ phát triển kinh tế từ nuôi ong mật với hơn 1.000 đàn. Trong đó có khoảng 150 hộ, với 600 đàn ong đã được liên kết, tham gia vào HTX. Thông qua HTX, các hộ nuôi ong được tập huấn, trao đổi, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi ong và thu hoạch mật, xây dựng sản phẩm mang đặc trưng mật ong thiên nhiên Phượng Nghi, góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mật ong thô sau khi được thu mua sẽ được đưa vào máy tinh lọc để khử tạp chất, thủy phân tách bớt thành phần nước. Điều này giúp mật ong không bị lên men, không bị biến màu và đậm đặc hơn. Năm 2021, HTX đã xây dựng và phát triển sản phẩm mật ong thiên nhiên Phượng Nghi thành sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Hiện, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã và đang liên kết với nhiều điểm, cửa hàng bán sản phẩm tại các huyện, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mật ong. Đồng thời, phát triển mật ong thiên nhiên Phượng Nghi thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương trong chiến lược quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch của địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 101.400 đàn ong mật, tập trung tại các huyện: Hậu Lộc, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy... Mỗi năm, sản lượng mật ong toàn tỉnh đạt khoảng 175.000 lít, giá trị sản xuất khoảng 52 tỷ đồng/năm. Một số địa phương đã định hướng và xây dựng thành công sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, như: Mật ong Hưởng Hoa (Thạch Thành), mật ong hoa rừng Yên Nhân (Thường Xuân), mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất Bình Sơn (Triệu Sơn)... Để phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật, các địa phương cần khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi ong theo hướng trang trại, gia trại kết hợp với trồng trọt, tận dụng thức ăn thiên nhiên. Chú trọng thành lập các tổ hợp tác, HTX để hợp tác xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó, để nghề nuôi ong phát triển bền vững, các địa phương cần tích cực hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm mật ong ra các thị trường lớn.

Bài và ảnh: Kim Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]