Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN

(Baothanhhoa.vn) - Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2023. Hội nghị biểu dương, tôn vinh 150 đại biểu là người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023.

Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2023. Hội nghị biểu dương, tôn vinh 150 đại biểu là người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2023.

Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MNĐồng chí Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tặng giấy khen cho các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN huyện Quan Hóa năm 2023.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt. Trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh định lên thăm đồng bào thượng du, nhưng Bác có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Bởi vậy, Bác đã viết thư gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa. Trong thư Bác viết: “Cùng đồng bào yêu quý! Tôi đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm các đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc...”. Khắc ghi lời căn dặn của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của tỉnh, đồng bào các DTTS&MN luôn đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương ngày một ấm no, hạnh phúc. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên địa bàn vùng DTTS&MN nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước trong đồng bào các dân tộc

Vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi; có 174 xã, thị trấn/1.551 thôn, bản, khu phố thuộc vùng DTTS&MN. Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, với dân số 992.692 người (trong đó người DTTS là 701.039 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh và hơn 70% dân số toàn khu vực miền núi); có 213,6 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) qua địa bàn của 16 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Thường Xuân. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về KT-XH, QP-AN của tỉnh và cả nước.

Trong những năm qua, với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào DTTS&MN, tình hình KT-XH, QP-AN vùng đồng bào DTTS&MN tiếp tục chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi năm 2022 đạt 36,98 triệu đồng (toàn tỉnh là 51,7 triệu đồng), tăng 6,36 triệu đồng so với năm 2019; năm 2023, ước đạt 40,7 triệu đồng.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 thì tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi còn 11,04% (giảm 4,15% so với năm 2022); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 14,01% (giảm 3,06% so với năm 2022). Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của đồng bào các DTTS tiếp tục được quan tâm; an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng DTTS&MN được giữ vững. Đến nay, toàn vùng đã có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được nhựa hóa; 100% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (trong đó nhựa hóa và bê tông hóa đạt 68%); 100% các xã thuộc khu vực miền núi đều có điện lưới quốc gia, dự kiến cuối năm 2023, 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 72,8%. Hiện nay, 11 huyện miền núi có 63 xã đạt chuẩn NTM...

Những kết quả đạt được trong phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh Thanh Hóa có vai trò quan trọng của đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân DTTS trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2023, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 3.899 lượt người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 1.282 người có uy tín (bao gồm già làng, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, người sản xuất, kinh doanh giỏi...). Đội ngũ nhân sĩ, trí thức trên địa bàn tỉnh khoảng 63.298 người, trong đó có khoảng 5.207 người DTTS, chiếm tỷ lệ 8,22%. Theo số liệu thống kê của 11 huyện miền núi, toàn vùng có 1.411 doanh nhân, trong đó, số lượng doanh nhân người DTTS là 374 người, chiếm tỷ lệ 26,5%; hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ, xây dựng, vận tải, cung ứng vật tư nông nghiệp, cây con giống...

Trong những năm qua, những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã trở thành lực lượng quan trọng, có vai trò và vị trí quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là trên các lĩnh vực chính trị, KT-XH, QP-AN, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần giải quyết vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đặc biệt là góp phần to lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững của vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa.

Tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước có ông Lương Văn Mơ, già làng bản Cang, xã Mường Chanh (Mường Lát); ông Trương Ngọc Quản, người có uy tín thôn Cò Con, xã Hạ Trung (Bá Thước); ông Vi Đình Thoan, người có uy tín bản Bôn, xã Yên Khương (Lang Chánh); ông Triệu Văn Mạnh, trưởng dòng họ Triệu, làng Phùng Sơn, xã Phùng Giáo (Ngọc Lặc)...

Trong phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, XDNTM, tiêu biểu như bà Đinh Thị Na, người có uy tín khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh); ông Lê Văn Quân, người có uy tín thôn Minh Tiến, xã Ngọc Sơn (Ngọc Lặc); ông Lò Thanh Bình, người có uy tín thôn Ngòi, xã Xuân Hòa (Như Xuân); ông Lục Văn Thành, người có uy tín thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long (Như Thanh)...

Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết các dân tộc, tiêu biểu như: Ông Hà Văn Toán, người có uy tín khu phố Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát (Mường Lát); ông Cầm Bá Tiến, người có uy tín thôn Bù Đồn, xã Vạn Xuân (Thường Xuân); ông Bùi Công Bằng, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vân Lung, giáo phận Thanh Hóa, người có uy tín thôn Thành Minh, xã Thành Long (Thạch Thành)...

Trong bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ QP-AN, một số điển hình tiêu biểu như: Ông Sung Văn Lự, người có uy tín bản Cặt, xã Nhi Sơn (Mường Lát); ông Lương Văn Noọng, người có uy tín bản Na Ấu, xã Tam Thanh (Quan Sơn); ông Lò Viết Lâm, người có uy tín bản Ngàm Pốc, xã Yên Thắng (Lang Chánh); ông Trương Văn Khắc, người có uy tín thôn Cẩm Bộ, xã Thành Minh (Thạch Thành)...

Trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tiểu biểu như: Ông Lầu Minh Pó, người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát); ông Cao Bằng Nghĩa, người có uy tín khu phố Khằm, thị trấn Hồi Xuân, (Quan Hóa)...

Về đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ người DTTS trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng và có nhiều đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý nhà nước; QP-AN; văn hóa - nghệ thuật...

Cùng với sự phát triển đội ngũ doanh nghiệp của tỉnh, địa bàn vùng DTTS&MN đã có nhiều doanh nhân điển hình trong sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, trong đó có nhiều doanh nhân DTTS đã và đang đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS&MN. Một số tấm gương điển hình như: Ông Phạm Văn Thuyền, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Đức Tài, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa); ông Hà Văn Lưu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và dịch vụ Phước Lộc, thôn Khà, xã Kỳ Tân (Bá Thước); ông Dương Ngọc Trường, Giám đốc Công ty CP Befine, thôn Trường Sơn, xã Thạch Sơn (Thạch Thành)....

Xây dựng vùng DTTS&MN ngày càng phát triển

Có thể khẳng định, đội ngũ những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS&MN có sức ảnh hưởng sâu rộng, lan tỏa trong cộng đồng dân cư; là tấm gương về đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; chịu khó vươn lên trong lao động, sản xuất, làm giàu chính đáng; có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đội ngũ người có uy tín đóng vai trò là cầu nối truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.

Giai đoạn 2024-2025, để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân trong vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN vùng DTTS&MN, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp đó là:

Thứ nhất, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách cho vùng đồng bào DTTS&MN. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia là: Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTTS&MN giai đoạn 2021-2030; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; XDNTM giai đoạn 2021-2025; các cơ chế, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN nói chung và chính sách cho người có uy tín nói riêng đảm bảo kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc tranh thủ, phát huy vai trò của đội ngũ những người có uy tín, trưởng thôn bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân là người DTTS. Tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS hoạt động, cống hiến để họ ngày càng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung lực lượng cho đội ngũ những người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân vùng DTTS&MN của tỉnh. Chú trọng công tác phát hiện, tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời biểu dương những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng kiến tốt nhằm phát huy vai trò người có uy tín tại các địa phương, đơn vị.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phong trào thi đua yêu nước tại vùng DTTS&MN. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, trong đó chú trọng tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, các mô hình mới sáng tạo, hiệu quả tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Qua đó động viên và khích lệ đồng bào tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước góp phần phát triển KT-XH; QP-AN vùng DTTS&MN.

Thứ tư, quan tâm phát triển doanh nghiệp tại vùng DTTS&MN. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, kích cầu các doanh nghiệp, doanh nhân là người DTTS phát triển. Tổ chức nhiều hình thức để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, động viên, khích lệ kịp thời đối với các doanh nhân là người DTTS để họ phát huy tốt vai trò, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh góp phần vào sự nghiệp phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, cơ sở.

Mai Xuân Bình

Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

Gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa

Người công giáo tiêu biểu

Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN

Đó là ông Bùi Công Bằng, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Vân Lung, giáo phận Thanh Hóa, xã Thành Long (Thạch Thành).

Ông Bùi Công Bằng sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Vân Lung thuộc xã Thành Long. Ông vừa là người có uy tín trong đồng bào DTTS, vừa là người tiêu biểu trong đồng bào công giáo, có nhiều đóng góp cho địa phương. Trên địa bàn xã có 4 giáo họ lớn với 4.410 giáo dân chiếm 62% số dân của xã và hầu hết là dân tộc Mường. Đời sống kinh tế chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và kinh tế rừng, một bộ phận Nhân dân cũng như giáo dân trong xã sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán nhỏ. Những năm gần đây, đời sống của giáo dân đã được nâng lên rõ rệt.

Với cương vị là Chủ tịch Hội đồng giáo xứ, ông Bùi Công Bằng luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con giáo dân trong giáo xứ thực hiện tốt tín ngưỡng tôn giáo, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS, động viên giáo dân luôn chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, sống tốt đời đẹp đạo. 100% hộ giáo dân trong xã đều ký cam kết thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng mô hình “Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa” đã được chính quyền và ngành công an giúp đỡ xây dựng và thực hiện thành công trong giáo xứ năm 2019. Ông Bằng cũng đã tích cực vận động bà con giáo dân và Nhân dân trong xã thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng thôn NTM. Và cũng trong năm 2019, xã Thành Long đã được công nhận xã về đích NTM.

Bên cạnh đó, ông Bằng còn là hạt nhân quan trọng tại địa phương khi tham gia tích cực vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội trong đồng bào công giáo. Phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nhất là nội bộ trong dân tộc, tôn giáo, không để nảy sinh thêm vấn đề phức tạp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.

Từ những kết quả thực tiễn trên, ông Bùi Công Bằng là tấm gương người DTTS có uy tín, người công giáo tiêu biểu của xã Thành Long có nhiều đóng góp cho các phong trào, cuộc vận động và sự phát triển KT-XH của địa phương, sự ổn định và phát triển trong đồng bào dân tộc và công giáo. Ông đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, địa phương.

Bác sĩ người Mường hết lòng vì sức khỏe cộng đồng nơi vùng cao

Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN

Chuyên môn, kinh nghiệm, tình cảm, sự gắn bó và cống hiến là những yếu tố khẳng định bác sĩ Trương Thị Mầu, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước, là người có uy tín tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình người Mường ở huyện vùng cao Bá Thước, bà Trương Thị Mầu đã trải qua tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả. Tuy vậy, bằng ý chí, quyết tâm vượt khó của mình, bà đã quyết tâm lập nghiệp bằng con đường học hành. Trải qua những ngày tháng khó khăn khi xa gia đình học tập tại Trường bổ túc công nông cấp 3 Thanh Hóa (đóng tại huyện Ngọc Lặc), Trương Thị Mầu đã không ngừng quyết tâm để vươn lên học giỏi và chọn con đường theo ngành y. Kết quả, Trương Thị Mầu đạt học sinh giỏi toàn diện và thi đỗ Trường Đại học Y Thái Bình.

Tốt nghiệp đại học, với phương châm học để phục vụ quê hương, đầu năm 1983, bác sĩ Trương Thị Mầu chính thức nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước. Từ đó, nữ bác sĩ người Mường đã gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc và Nhân dân huyện Bá Thước. Trải qua nhiều vị trí công tác, chuyên môn và từng nắm giữ các cương vị Giám đốc Trung tâm Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bá Thước, bác sĩ Trương Thị Mầu không ngừng góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, được ngành, tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.

Với những đóng góp, cống hiến trong suốt 30 năm công tác, bác sĩ Trương Thị Mầu đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của ngành, của tỉnh, của huyện. Đặc biệt, năm 2010 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, được đi dự Hội nghị Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII; năm 2011, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là những phần thưởng cao quý và xứng đáng dành cho bác sĩ Trương Thị Mầu.

Sau khi nghỉ hưu, xét thấy bản thân vẫn còn sức khỏe, với đam mê nghề nghiệp, năm 2013, bác sĩ Trương Thị Mầu cùng với một số anh, chị, em đồng nghiệp khai trương Phòng khám Đa khoa Lương Điền tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung (Bá Thước). Hằng năm, phòng đã khám và điều trị cho từ 18.000 đến 20.000 lượt bệnh nhân. Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Thị Mầu và phòng khám tích cực tham gia công tác từ thiện nhân đạo, khám bệnh miễn phí cho người có công; người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi và đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo quanh khu vực; tặng quà cho các gia đình nghèo trong thôn vào dịp lễ, tết.

Chiến sĩ công an Nhân dân hết mình vì an ninh vùng DTTS

Phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng thôn, bản, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong đồng bào DTTS&MN

Đó là Trung tá Bùi Duy Lê, Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Như Xuân. Anh đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần bảo đảm an ninh, ổn định tình hình chính trị, xã hội vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Như Xuân.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thượng Ninh (Như Xuân), chàng trai Bùi Duy Lê (sinh năm 1977) đã quyết tâm học tập tốt và chọn con đường trở thành chiến sĩ công an Nhân dân. Sau khi tốt nghiệp THPT, Bùi Duy Lê đã học tập tại Trường Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh Nhân dân). Tốt nghiệp đại học, Bùi Duy Lê đã trở về quê hương và công tác tại Công an huyện Như Xuân từ năm 2002 đến nay. Năm 2014, đồng chí Bùi Duy Lê được giao trọng trách nắm giữ vị trí Đội trưởng Đội an ninh, Công an huyện Như Xuân.

Trải qua nhiều giai đoạn, Trung tá Bùi Duy Lê luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo Công an huyện Như Xuân giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân; luôn củng cố và phát huy thế trận an ninh Nhân dân, không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình”, chống phá của các thế lực thù địch. Kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết dứt điểm các vụ việc, tình hình ngay tại cơ sở, không để xảy ra các điểm nóng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Như Xuân.

Bên cạnh công tác, nhiệm vụ chuyên môn, Trung tá Bùi Duy Lê còn tích cực tham gia vận động đồng bào tham gia XDNTM, phòng chống dịch bệnh, phòng chống xuất cảnh trái phép, các hoạt động tôn giáo trái phép; xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan; xây dựng đời sống văn hóa, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đạt kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa rộng rãi trên địa bàn huyện.

Với những sự đóng góp của mình, Trung tá Bùi Duy Lê là điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN của huyện Như Xuân, đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu, như: Huy chương “Vì an ninh Tổ quốc” của Chủ tịch nước; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an; cùng nhiều giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân; nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

18°C - 25°C
Có mây, không mưa
  • 18°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]