(Baothanhhoa.vn) - Chị thường nghĩ tết là đận vất vả nhất trong năm cần phải vượt qua. Chị mở tết ra từ độ tháng Mười dương bằng email đặt bài: “Tết viết cho anh cái gì hay ho nhé!”. Tất nhiên vẫn kèm theo những yêu cầu khác như tầm hai ngàn chữ, vui nhiều hơn buồn, kết thúc có hậu, truyền tải thông điệp nhân văn... Và tất nhiên bài tết thì nhất định phải có không khí tết, màu sắc tết. Món gì ngon ăn mãi cũng chán, thứ gì hay viết mãi cũng nhàm.

Pháo hoa

Chị thường nghĩ tết là đận vất vả nhất trong năm cần phải vượt qua. Chị mở tết ra từ độ tháng Mười dương bằng email đặt bài: “Tết viết cho anh cái gì hay ho nhé!”. Tất nhiên vẫn kèm theo những yêu cầu khác như tầm hai ngàn chữ, vui nhiều hơn buồn, kết thúc có hậu, truyền tải thông điệp nhân văn... Và tất nhiên bài tết thì nhất định phải có không khí tết, màu sắc tết. Món gì ngon ăn mãi cũng chán, thứ gì hay viết mãi cũng nhàm.

Pháo hoaMinh họa của Nhật Hải

Chị ngán tết đến tận cổ rồi mà vẫn phải viết làm sao để người ta thấy cái háo hức trải đầy trên trang báo. Để chữ nghĩa không giả trân vô hồn người viết buộc phải nuôi cảm xúc. Dần dà chị nhận ra nuôi cảm xúc khó hơn nuôi đám hạt giống rau mẹ gieo ở trước vườn. Khó hơn nuôi cây mai, cây đào cho ra hoa đúng vụ. Nói vậy chứ đến hạt giống cũng đâu phải cứ đủ nước, đủ ẩm sẽ mọc mầm xanh tươi. Cây cối cũng không phải cứ chờ đúng ngày đúng tháng, bón phân, tỉa lá, hãm nụ đúng quy trình là sẽ được một mùa hoa như ý. Còn một yếu tố mà con người không can dự được đó là thời tiết. Mưa thối đất thối cát thì hạt giống cũng thối theo. Trời nắng quá hãm cách nào hoa cũng nở toe toét từ từ trong tháng Chạp. Huống hồ là cảm xúc của một người đàn bà sợ tết.

Chị mở nồi thịt nấu đông trong mường tượng của mình, nếm thử nó bằng hương vị từ ký ức rồi trải ra trang viết. Bát canh măng nóng hổi được mẹ chiu chắt bằng cái nắng tháng Sáu, tháng Bảy trên mảnh sân nhà là món ăn duy nhất khiến chị không thấy ngán. Dù có thể chị đã thưởng thức nó bằng tâm hồn hơn là vị giác. Chảo mứt táo ngào trên bếp củi ngọt khé đường khiến chị khẽ rùng mình. Rổ nem rán, thịt áp chảo, giò thái từng miếng dày lần nào bày ra cũng chẳng mấy ai đụng đũa. Có thể vì mệt nhoài nên chị chẳng thấy gì ngon, bởi từ hai ba tháng Chạp trở đi ngày nào cũng quần quật dọn dẹp. Năm nào cũng nguyên một thắc mắc, cả năm ngày nào cũng lau quét mấy lần mà sao đến tết ở đâu ra lắm rác? Tụi nhỏ được nghỉ học chẳng có việc gì làm cứ quanh quẩn trong nhà, chị dọn chỗ này chúng bày chỗ kia, hò hét nhau đến mệt nhoài tự nhiên nghĩ sao mà khổ thế? Quanh năm vất vả, tết là lúc thong thả nghỉ ngơi. Nhưng nhà một nơi, quê chồng một nơi nên muốn thảnh thơi cũng đâu có dễ.

Bố chồng mất sớm, nhà hai đứa em gái, đứa thì lấy chồng xa, đứa lỡ dở mang con về gửi mẹ rồi vất vả bôn ba tận xứ người. Nhà neo người mà chiều ba mươi tết mẹ chồng vẫn còn lúi húi ngoài vườn hái táo. Vườn táo rộng lại đúng mùa chín rộ, nếu không cố hái bán thì ra tết chẳng mấy người mua. Hết bán buôn rồi bán lẻ, hết táo ngọt đến táo chua. Thành ra mọi việc trong nhà loay hoay chỉ có mình chị vừa mua sắm, dọn dẹp, nấu nướng lại quản thêm bốn đứa nhỏ vừa con, vừa cháu. Chồng chị làm ca có năm phải trực, nếu không anh cũng phải ở nhà cúng giao thừa. Ở cả năm, tết đến cũng đâu thể để cửa nhà nguội lạnh. Thành ra chỉ có mấy mẹ con, bà cháu ở quê tất bật. Tối ba mươi người ta tắm gội thơm tho chỉ chờ cúng giao thừa, vậy mà chị chạy đua với thời gian vẫn chưa hết việc. Gà cúng đang luộc, nồi xôi chưa chín, nhà cửa lũ trẻ bày bừa chưa kịp dọn. Có khi gần giao thừa nhớ ra nhà chưa có lạng chè nào. Mua sắm trăm thứ cũng có món quên, mà đâu thể để sang năm mới. Lúc phóng vội xe ra quán tạp hóa gần nhà, chị nghe gió sông thổi ràn rạt lạnh buốt bên tai mà không khỏi chạnh lòng. Làm sao không sợ tết?

Nhưng giao thừa năm ấy sáng vụt lên trong ký ức của những người đàn bà lầm lũi trong nhà. Lũ trẻ không ngủ sớm như mọi năm, chúng háo hức đợi màn bắn pháo hoa sẽ diễn ra ngay trong sân nhà mình. Trong lúc mẹ chồng ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường đếm ngược thời gian để cúng giao thừa thì lũ nhỏ đã mặc quần áo mới ngồi trước hiên chờ đợi. Bên sông người ta đã bắt đầu bắn pháo hoa lác đác. Giao thừa đã điểm, tiếng pháo nổ ngày càng nhiều thêm. Chị đợi mẹ chồng cúng xong mới châm lửa đốt pháo hoa trong tiếng hò reo ầm ĩ của tụi nhỏ. Trên nền trời tối mịt bỗng sáng bừng lên, tỏa từng chùm sắc màu, rạng rỡ bao khuôn mặt. Đấy là lần đầu tiên chị thấy mẹ chồng mình cũng có lúc vui như trẻ nhỏ.

Từng chùm pháo bừng sáng rồi tàn lụi mang theo bao cung bậc cảm xúc trong khoảnh khắc bước sang năm mới. Tụi nhỏ lớn thêm, mẹ chồng chị lại già đi một tuổi. Đời một người đàn bà góa bụa đã đi qua những năm tháng thăng trầm, thật ra có bao nhiêu khoảnh khắc sum vầy bừng lên hạnh phúc? Nhất là niềm vui có đôi khi cũng giống như những chùm pháo hoa kia vụt sáng rồi vụt tắt. Chị nhận ra bao tất bật lo toan của những ngày tháng Chạp để đổi lấy khoảnh khắc này, cũng bõ...

Tản văn của Vũ Thị Huyền Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]