(Baothanhhoa.vn) - Trò chuyện với các bạn người Lào lưu mãi trong lòng tôi là tình cảm chân thành của các bạn dành cho đất nước, con người Việt Nam.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất Việt

Trò chuyện với các bạn người Lào lưu mãi trong lòng tôi là tình cảm chân thành của các bạn dành cho đất nước, con người Việt Nam.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất ViệtCác lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường Đại học Hồng Đức.

Đi một ngày đàng...

Tôi có cuộc hẹn với những người bạn Lào tại Trường Đại học Hồng Đức. Luôn ấp ủ một giấc mơ về nước Lào xa ngái, tôi đến với tất cả sự háo hức, mong chờ.

Ký túc xá dành cho lưu học sinh Lào 3 tầng khang trang, nằm sâu trong khuôn viên Trường Đại học Hồng Đức. Nơi đây có 98 lưu học sinh Lào đang lưu trú. Đầu giờ chiều, đa số các bạn sinh viên đều đang trên giảng đường. Một vài cánh cửa phòng khép hờ, Quỳnh - cô gái từng là du học sinh Việt Nam tại Lào gần 5 năm, gõ cửa, mở lời chào bằng tiếng Lào. Anh Kongchay KhamMeunKhoun dù chưa biết chuyện gì vẫn đon đả mời khách.

Anh Kongchay là Chánh Văn phòng huyện Hiểm, tỉnh Hủa Phăn hiện đang là sinh viên lớp Cao học K16B, Khoa Kinh tế- QTKD. “Thế là gặp đúng người, đúng việc rồi”, tôi nghĩ. Anh nói được tiếng Việt nhưng chưa bắt kịp ngữ điệu vùng miền... Cho nên muốn nghe anh bộc lộ hết tâm tư của mình tôi lại phải cầu cứu Quỳnh. Gương mặt dãi dầu, từng trải nhưng lại toát lên ánh nhìn tinh nhanh, vui tươi khi nói đến Việt Nam. Anh thậm chí còn có cả tên tiếng Việt - Trần Văn Tâm. Anh em chúng tôi thỏa thuận sẽ gọi nhau bằng tên tiếng Việt, anh rất vui. Anh bảo, tên này do anh trai đặt và anh rất thích.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất ViệtAnh Kongchay đi tham quan Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc).

Anh kể cho chúng tôi nghe về tình yêu dành cho Việt Nam và niềm vui khi được cử đi du học, cùng những kỷ niệm khó quên khi là sinh viên trên mảnh đất Thanh Hóa. “Từ nhỏ đến khi trưởng thành, tôi đã được nghe rất nhiều về đất nước Việt Nam. Ấn tượng trong tôi về đất nước của các bạn rất đẹp. Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Lào, tôi về quê hương công tác hơn 10 năm. Cuộc sống hằng ngày, tôi được gặp gỡ, làm việc với nhiều người Việt Nam, họ nói tiếng Việt và tôi rất thích tiếng nói ấy. Cơ hội lần này đã giúp tôi thực hiện giấc mơ Việt Nam ấp ủ bao năm: được đến đất nước nhiều lần xuất hiện trong sách vở, thi ca mà đứa trẻ Lào nào cũng phải học; được học và nói tiếng Việt; được thấy biển- thứ mà nước Lào không có; được học hỏi những cách làm hay, hướng đi đúng từ Chính phủ Việt Nam để mang về xây dựng quê hương Lào còn bộn bề khó khăn...”.

Gần 1 năm sống và học tập ở Việt Nam, anh càng yêu đất và người nơi đây. Để được khám phá, trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân bản địa, anh còn mang chiếc xe đạp từ Lào sang Việt Nam. Mỗi ngày, ngoài giờ học, anh thường đạp xe rong ruổi, đi uống trà đá như người Việt và trò chuyện với người bán hàng để vừa luyện tập tiếng Việt, vừa tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống ở Việt Nam. “Tôi nhận thấy, TP Thanh Hóa có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông đi lại thuận tiện; đời sống người dân khá giả... Ở đây, chúng tôi được yêu thương đặc biệt. Từ các em bé đến ông già, bà cả khi biết tôi là người Lào, họ đều rất vui vẻ, thân thiện. Quán trà đá, cafe, tôi hay ngồi, các cô chú thi thoảng còn không lấy tiền”, anh Kongchay kể.

Anh Kongchay đặc biệt rất thích biển, anh đạp xe xuống biển Sầm Sơn chơi mỗi khi có cơ hội. Anh muốn tận dụng khoảng thời gian ở Việt Nam để thỏa nỗi khát khao về biển. Học mà chơi, chơi mà học, anh Kongchay không quên mục đích chính của bản thân: Học để mang kiến thức về xây dựng quê hương. Anh nói: “Hiểm là huyện miền núi nên đời sống của người dân quê tôi còn không ít khó khăn. Vì vậy, tôi luôn khát khao vươn lên và tôi hiểu, chỉ có tri thức mới làm con người ta thay đổi. Mong ước ấy đã thôi thúc tôi phải học lên cao để hoàn thiện bản thân cũng như mang kiến thức học được về phục vụ quê hương, đất nước”.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất ViệtAnh Kongchay (áo trắng) trong buổi giáo lưu với các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Lào.

Kiến thức ở đây không chỉ trong sách vở mà còn là kiến thức thực tế. Anh tận dụng hết tất cả các cơ hội có thể để được tham quan, giao lưu, học hỏi và tạo dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp Việt Nam... “Rất nhiều các mô hình kinh tế ở Việt Nam có thể ứng dụng ở Lào. Tuy nhiên, cái vướng của chúng tôi là vốn, cơ chế, chính sách... đặc biệt là con người”, anh giải thích, với diện tích bằng 2/3 diện tích Việt Nam và dân số chỉ gần 7 triệu người trải đều khắp đất nước, người dân Lào có phong thái sống chậm rãi, khoan thai tận hưởng cuộc sống và ít có tham vọng làm giàu. “Người Lào chúng tôi quan niệm rằng, nếu phải sống vội vàng, không hạnh phúc để được giàu có thì họ sẽ chọn đủ ăn, đủ sống để được hạnh phúc”.

Là một cán bộ trẻ, năng động, anh Kongchay không mấy đồng tình với sự an phận của đồng bào mình. Anh mong muốn, đất nước mình sẽ phát triển giống Việt Nam. “Tôi rất khâm phục người Việt Nam. Các bạn siêng năng, chăm chỉ, giỏi làm ăn, buôn bán và kiên trì. 2/4 công ty hiện đang hoạt động ở huyện Hiểm là do người Việt Nam thành lập, điều này chứng minh người Việt Nam dù ở đâu, hoàn cảnh nào các bạn cũng rất giỏi thích nghi, biết tận dụng cơ hội để kiếm tiền. Ở Lào, chúng tôi đang bắt đầu triển khai chương trình NTM, hy vọng kết quả sẽ được như mong muốn. Quê hương chúng tôi sẽ giàu và đẹp như đất nước Việt Nam”, đó là tâm sự của anh Kongchay khi nói về hành trình “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của mình.

...học một sàng khôn

Khác với sự thâm trầm, bản lĩnh của anh Kongchay, chàng trai trẻ 20 tuổi - Anan Phommavong, sinh viên năm 3 Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, lại thu hút người đối diện bởi gương mặt điển trai, trong sáng và nụ cười tươi như nắng.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất ViệtAnan (đứng giữa) đạt giải khuyến khích cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài.

Đến Việt Nam với tâm thế, đi để thấy mình khôn lớn và trưởng thành hơn trong suy nghĩ và đi là để trở về. Tuy nhiên, Anan từng có thời gian muốn bỏ cuộc: “Đó là thời gian đầy hoang mang đối với em. Vốn là học sinh khá ở trong nước, em luôn tin, sẽ không có gì là khó khăn đối với mình. Suy nghĩ ấy thay đổi hẳn từ lúc em học tiếng Việt. Càng học em càng thấm câu nói mà các bạn học em hay dùng để động viên em “phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”.

Tất nhiên, ngoài tiếng Việt, còn rất nhiều điều khiến những sinh viên ngày đầu đặt chân tới một đất nước mới như Anan phải lo lắng. Dù ở ký túc xá dành cho lưu học sinh Lào nhưng tất cả đều xa lạ nên không ai sớm mở lòng. Vì thế, những ngày đầu, nỗi nhớ người thân, quê hương cuộn trào trong lòng Anan. Mỗi lần liên lạc với gia đình, nghe tiếng ba mẹ, Anan chỉ muốn vượt 600km để về Viêng Chăn. Lời động viên của bố mẹ, anh trai - cũng là lưu học sinh Lào tại Trường Đại học Vinh đã níu chân Anan.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất ViệtAnan tích cực tham gia vào các chương trình thể thao tại trường

Em nhận ra ngôn ngữ chính là chìa khóa để tăng thêm vốn hiểu biết, từ đó Anan quyết tâm phải học thật thành thạo tiếng Việt để học tập được nhiều điều mới mẻ tại đất nước anh em. Em chủ động giao tiếp với các thầy cô, bạn bè. Quá trình trò chuyện cùng mọi người đã giúp cho vốn từ vựng tiếng Việt của Anan ngày càng phong phú hơn. Hiểu tiếng, Anan dần hòa đồng và có những người bạn mới. Họ đã giúp cuộc sống của Anan ngày càng trở nên sôi động, thú vị hơn mỗi ngày. “Em đã đến nhà bạn ở xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống chơi; đi thăm Vườn Quốc gia Bến En; đi Sầm Sơn tắm biển;... đi đâu chúng em cũng được chào đón, yêu thương. Mẹ của các bạn nấu những món ngon cho em ăn, dẫn em đi chơi và trò chuyện như con cháu trong nhà. Em thật sự rất cảm động”.

Để rồi, từ một anh chàng muốn bỏ học vì nói và nghe tiếng Việt kém, giờ đây Anan trở thành một học viên Lào tiêu biểu của trường. Hiện nay, Anan đang bước vào kỳ thi kết thúc năm 3 đại học. Chỉ còn một năm nữa, Anan sẽ hoàn thành chương trình học tại Việt Nam và trở về quê hương. Trong thời gian này, Anan đang tìm hiểu về các chương trình khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam. Anan chia sẻ: “Ở trường em, phong trào khởi nghiệp rất sôi nổi. Khởi nghiệp như một “hệ tư tưởng” được cả Chính phủ kêu gọi ủng hộ. Nhiều quỹ khởi nghiệp đã được thành lập để hỗ trợ cho các bạn trẻ, sinh viên trên những bước đi đầu tiên. Khác với đất nước chúng em, rất ít khi nghe đến chuyện khởi nghiệp. Đa số các thế mạnh về tài nguyên, du lịch là người nước ngoài vào đầu tư, khai thác. Chúng em muốn học hỏi các bạn Việt Nam và xem họ như là một hình mẫu để khởi nghiệp”.

Nuôi giấc mơ Lào trên đất ViệtAnan thử nghiệm nấu món Việt tại quán của gia đình ở quê hương Viêng Chăn.

Bản thân Anan cũng đang nhen nhóm một dự định khởi nghiệp “nho nhỏ”, đó là mang ẩm thực của Việt Nam về đất nước mình. “Ở quê hương Viêng Chăn, gia đình em có một quán ăn ở gần bệnh viện. Em thấy món bánh cuốn rất ngon, phù hợp để ăn sáng và bán cho đối tượng khách hàng ở quán. Em đang tìm nơi để học nghề và sẽ về truyền lại cho bố mẹ em”, Anan chia sẻ rằng, quê hương Anan có rất nhiều người Việt Nam sang học tập và làm việc, em muốn khai thác thị trường này. Anan muốn mở nhà hàng Việt với những món đặc sản như: bánh xèo, nem chua rán... tại nước Lào trong tương lai.

Mong ước của anh Kongchay và Anan cũng như bao du học sinh Lào khác, đó là mang kiến thức tích lũy trong thời gian học tập ở Việt Nam về phục vụ đất nước mình. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần ham học hỏi, cầu tiến của các bạn du học sinh Lào và tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa Nhân dân hai nước Việt - Lào anh em.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]