(Baothanhhoa.vn) - Người phụ nữ nhỏ bé nhưng được trời phú cho sức khỏe và có nghị lực vượt khó đã chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ được nhiều đồng đội... Đó là nhận xét của nhiều người dành cho cô Nguyễn Thị Ngọc, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy).

Nữ cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, nghĩa tình với đồng đội

Người phụ nữ nhỏ bé nhưng được trời phú cho sức khỏe và có nghị lực vượt khó đã chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho gia đình và giúp đỡ được nhiều đồng đội... Đó là nhận xét của nhiều người dành cho cô Nguyễn Thị Ngọc, hội viên Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy).

Nữ cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, nghĩa tình với đồng độiLãnh đạo Hội Cựu TNXP tỉnh, huyện, xã thăm vùng đồi trồng cây gai xanh của hội viên Nguyễn Thị Ngọc (người đội mũ tai bèo), thôn Thuần Lương, xã Cẩm Tú.

Ở tuổi 18, cô Nguyễn Thị Ngọc cũng như bao thanh niên khác đều hăng hái tham gia lực lượng thanh niên tình nguyện sau năm 1975 (nay là cựu TNXP) làm nhiệm vụ khôi phục sau chiến tranh tại đập Thung Bằng (Cẩm Thủy). Những ngày tháng làm nhiệm vụ nơi nước độc rừng thiêng, điều kiện ăn uống, sinh hoạt vô cùng gian khổ nhưng cô Ngọc vẫn mạnh khỏe trở về sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ. Về quê hương, cựu TNXP Nguyễn Thị Ngọc gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong phát triển kinh tế. Cô trăn trở nhiều đêm với suy nghĩ: Nếu không nỗ lực cày cuốc bằng sức lao động thì không thể sống được ở vùng đất đồi này. Chỉ có lao động chăm chỉ mới vỡ hoang đất đồi để trồng cây lương thực, cây lấy gỗ, chăn nuôi. Với ý chí của người lính Cụ Hồ, không ngại khó, ngại khổ, cô Ngọc cùng chồng và các con khai hoang, vỡ đất trồng cây gây rừng, phát triển chăn nuôi. Có những năm do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, thành quả sản xuất gần như mất trắng. Đất không phụ công người, sau nhiều năm bền bỉ lao động và nhạy bén với thị trường trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay cô Ngọc đã là “điểm tựa” vững chắc trong phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ của gia đình mà còn giúp cho nhiều hội viên, người lao động trong xã có việc làm ổn định.

Cô Ngọc chia sẻ: “Nhận thấy tiềm năng đất quê hương rộng, thuận tiện cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt, gia đình tôi đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, lấy ngắn nuôi dài và khai hoang trồng cây gây rừng. Có những thời điểm do kinh tế eo hẹp, các con còn nhỏ, nhiều khoản chi phí ăn học cho các con và sinh hoạt gia đình khiến vợ chồng tôi càng khó khăn hơn. Không chịu khuất phục trước cảnh đói nghèo, vợ chồng tôi cần mẫn làm kinh tế bằng sức lực, sự kiên trì, nhẫn nại. Nhờ vậy, kinh tế gia đình từng bước ổn định hơn, các con có điều kiện học tập, trưởng thành”.

Năm 2018, huyện Cẩm Thủy có chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh nên cô Ngọc đã mạnh dạn chuyển đổi 2/14 ha đất đồi sang trồng cây gai xanh và có giá trị kinh tế ngay trong năm đầu. Sản phẩm thu hoạch được Nhà máy Sản xuất sợi gai An Phước đóng trên địa bàn huyện thu mua nên đầu ra tương đối ổn định, các hộ yên tâm sản xuất. Ngay năm đầu, 2 ha cây gai xanh đã cho thu hoạch 4 - 5 lứa, sản lượng đạt 1,4 tấn vỏ khô/lứa, trừ chi phí còn thu nhập 130 triệu đồng. Năm thứ 2 gia đình cô Ngọc tiếp tục mở rộng thêm 2 ha nữa và vận động thêm một số hội viên trồng để có nguồn thu, vươn lên thoát nghèo. Cựu TNXP Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ thêm: “Tôi mạnh dạn chuyển đổi tất cả 4 ha trồng củ đậu, sắn, mía hiệu quả thấp sang trồng cây gai xanh. Hiệu quả ngay năm đầu tiên và nhân lên gấp đôi, gấp ba so với trồng các loại cây khác. Nay toàn bộ diện tích 14 ha đồi bạt ngàn các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả và cây gai xanh của gia đình đều có nguồn thu ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động”.

Nữ cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, nghĩa tình với đồng độiNhiều lao động được tạo việc làm từ cây gai xanh của gia đình cựu TNXP Nguyễn Thị Ngọc, xã Cẩm Tú.

Chúng tôi theo chân cô Ngọc ra đồi, cách nhà cô chừng 2 km, chứng kiến không khí lao động tại đây khá nhộn nhịp. Hai máy sơ chế gai xanh hoạt động hết công suất, những chuyến xe máy được người lao động đưa sợi gai đến các điểm có giàn phơi khẩn trương hơn để đón được ánh nắng cho sợi gai khô, dai và thơm hơn. Nhiều lao động có việc làm thêm phần phấn khởi nói với chúng tôi: Việc làm ở đây khá ổn định, tuy làm nông vất vả nhưng gần nhà, trưa về sớm lo cơm nước, sinh hoạt cho gia đình. Thu nhập hơn 100 đến 200 nghìn đồng/ngày/lao động.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, cô Ngọc còn tích cực tham gia phong trào, hoạt động của hội. Trước đây khi còn làm Chi hội trưởng Chi hội cựu TNXP thôn Thuần Lương, cô Ngọc luôn được hội viên ghi nhận, cấp ủy đánh giá nhiệt tình và trách nhiệm. Trong quá trình đảm nhiệm vai trò chi hội trưởng, cô Ngọc chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghĩa tình đồng đội để hỗ trợ, gắn kết hội viên với tổ chức hội, tạo động lực cho hội viên tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương. Chi hội thôn Thuần Lương có số Quỹ nghĩa tình TNXP nhiều nhất huyện là hơn 200 triệu đồng/49 hội viên, bình quân hơn 4,5 triệu đồng/hội viên. Số quỹ này đã giúp nhiều hội viên vay phát triển kinh tế, phần lãi suất được dành thăm hỏi, tặng quà cho hội viên khó khăn, vì thế đã có nhiều hội viên được vay quỹ và thoát nghèo.

Cô Nguyễn Thị Thơm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Cẩm Tú cho biết: Xã có 129 hội viên, có nhiều hội viên làm kinh tế rất tốt, quy mô lớn, trong đó có hội viên Nguyễn Thị Ngọc, thôn Thuần Lương. Ngoài giúp đồng đội sản xuất, cựu TNXP Nguyễn Thị Ngọc còn tạo việc làm cho nhiều lao động và luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương, đặc biệt là tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, sống vì nghĩa tình đồng đội.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]