(Baothanhhoa.vn) - Mường Lát giờ đang bước vào mùa hạ, trùng trùng điệp điệp trước mắt là núi non hùng vĩ, bên cạnh là thung lũng sâu hút biếc xanh lúa, ngô đang mùa trổ bắp. Và bao bọc khách phương xa là vạt mận xanh mướt phủ trùm bên nhau, những ngôi nhà xinh xắn của người Mông, Thái, Dao... nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, những con đường đổ bê tông vào từng ngõ nhỏ... Mận đã kết quả, xanh nõn trong tán lá, nhưng chưa đến ngày chín đỏ. Quê hương giản dị mà yêu thương quá đỗi!

Nơi “cổng trời” nở hoa

Mường Lát giờ đang bước vào mùa hạ, trùng trùng điệp điệp trước mắt là núi non hùng vĩ, bên cạnh là thung lũng sâu hút biếc xanh lúa, ngô đang mùa trổ bắp. Và bao bọc khách phương xa là vạt mận xanh mướt phủ trùm bên nhau, những ngôi nhà xinh xắn của người Mông, Thái, Dao... nằm cheo leo giữa lưng chừng núi, những con đường đổ bê tông vào từng ngõ nhỏ... Mận đã kết quả, xanh nõn trong tán lá, nhưng chưa đến ngày chín đỏ. Quê hương giản dị mà yêu thương quá đỗi!

Nơi cổng trời nở hoaCổng trời Trung Lý. Ảnh: CTV

Dừng xe tại “cổng trời” xã Trung Lý - “cánh cổng” nằm giữa lưng chừng trời, phải đi qua đó mới vào được trung tâm Mường Lát, tôi bước xuống ưỡn ngực để hít hà bầu không khí trong lành, mát dịu của gió, của cây xanh và đá. Dưới chân “cổng trời”, những bông cẩm tú cầu, cúc cầu vồng đung đưa theo từng làn gió trông thật thích mắt. Và, những vạt hoa màu tím nhỏ li ti, tôi không biết tên, chúng mọc thành từng thảm giữa lởm chởm đá núi. Dù sinh trưởng trong môi trường nghèo dinh dưỡng, những bông hoa tim tím kia vẫn vươn mình trỗi dậy mỗi khi mùa về. Hoa vốn dĩ không biết giấu mình, đủ nắng hoa sẽ nở. Người vùng cao cũng thế, họ sống thật thà, thẳng thắn như những cây gỗ trong rừng, như đá trên núi và như những bông hoa dại kia, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy.

Đẹp thế, dịu dàng thế, nhưng Mường Lát vẫn còn nghèo. Người ta kể cho những vị khách phương xa nghe những câu chuyện về thuở “hồng hoang”, thời “cổng trời” vẫn là một đỉnh dốc vô danh. Trong bút kí của mình, tác giả Nguyễn Kim Khiêm viết, “cổng trời” là tên do Đoàn Kinh tế 74, bộ đội Quân khu 4 và những thanh niên tình nguyện đặt ra. Đây là một đỉnh đèo hình yên ngựa, nơi gặp gỡ của hai máng đá. Máng phía Đông từ Hiền Trung, Hiền Kiệt ngược lên. Phía Tây là máng đá khổng lồ, sâu thăm thẳm, dài mấy chục cây số từ sông Mã phía Cò Cài thốc lên bị dãy núi nước bạn Lào sau lưng bản Táo, xã Trung Lý chặn lại. Hai vùng khí kỳ ảo này gặp nhau trên cái Yên Ngựa có độ cao 1.150m so với mặt biển tạo nên một vùng trời khác biệt hoàn toàn, lính ta gọi là “cổng trời”, đồng bào Thái gọi là Pu Noọc Coọc. Pu Noọc Coọc có nghĩa là đèo Phượng Hoàng. Nơi đây có khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Quanh năm mưa. Quanh năm mù. Quanh năm gió. Quanh năm rét. Trùng điệp là rừng già nguyên sinh. Rừng giấu hình hài trong mưa. Có khi mưa dầm dề hàng tháng. Quần áo phơi suốt tuần vẫn ướt. Càng mưa càng khan nước uống, nước ăn. Nước suối đột ngột dâng lên hàng ba bốn mét, có khi hàng chục mét, đục ngầu như bát đất. Khe suối u tịch huyền bí ngày thường vốn thơ mộng bỗng là nỗi kinh hoàng. Nhiều người gọi đây là “vùng trời thủng”. Khi viết về những năm tháng mở đường Hồi Xuân - Tén Tằn, những người lính mở đường trong tiểu thuyết “Vùng trời thủng” của cố nhà văn Kiều Vượng bị trâu rừng đuổi đánh, bị hổ vồ, bị sập hầm chết, bị ong đất đốt không cứu được, bị lợn lòi nhay, bị rắn độc cắn, bị nứa lao xuống xọc lòi ruột..., được miêu tả là một phần sự thật khốc liệt của “cổng trời”. Thung lũng Táo, thung lũng Hiền Kiệt lúc nào cũng ngập trắng một màu mây. Mây cứ từ phía sông Mã bất chợt cuồn cuộn dâng về phủ đầy lòng khe, lòng suối, phủ đầy bao nhiêu chòm bản. Hàng nghìn ngọn núi hùng vĩ chỉ còn là những chấm nhấp nhô hệt như một vịnh Hạ Long giữa lòng Tây Bắc tỉnh Thanh.

Có lẽ, nhờ cái sự khốc liệt đặc biệt của “cổng trời” nên nơi đây đang được UBND huyện Mường Lát, UBND xã Trung Lý xây dựng là điểm du lịch. Không chỉ có “cổng trời” mà Pha Đén, xã Pù Nhi; Sài Khao, xã Mường Lý cũng nằm trong danh sách 10 bản được huyện Mường Lát định hướng, lựa chọn xây dựng làm điểm du lịch cộng đồng theo Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là giải pháp quan trọng “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh, tạo đà cho du lịch ở huyện vùng biên phát triển. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của huyện, là điểm đến của du khách trong và ngoài tỉnh. Đến năm 2030, du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của huyện, có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương, đưa huyện Mường Lát thoát nghèo nhanh và bền vững.

Nếu “cổng trời” là “cánh cửa” đón khách du lịch thì Pha Đén, xã Pù Nhi lại là nơi giữ chân họ khi có ngọn núi cao nhất, cách trung tâm xã khoảng 5km. Nơi đây hiện có 97 hộ, với hơn 400 khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bà con vẫn giữ nét văn hóa truyền thống về trang phục, nhà ở, ẩm thực, sinh hoạt, văn nghệ... Các chàng trai Mông biết thổi khèn, thổi sáo, đàn môi; các chị em biết múa hát theo điệu khèn, tiếng sáo, biết thêu thùa. Ngày lễ, tết, đồng bào Mông làm các món ăn như bánh giầy, bánh ngô, muối mắc khẻn. Nhà nào cũng chăn nuôi lợn, gà bản địa, trung bình mỗi hộ nuôi từ 5 đến 10 con trâu, bò. Đặc biệt, trong bản một số hộ vẫn giữ được nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Nơi cổng trời nở hoaMận đã kết quả, xanh nõn trong tán lá, nhưng chưa đến ngày chín đỏ. Ảnh: P.V

"Nhờ Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”, đường lên Pha Đén đã được mở rộng và đổ bê tông rất thuận tiện. Năm 2019, điện lưới cũng đã được kéo lên Pha Đén. Dọc hai bên đường trong bản, bà con trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan vườn nhà thoáng đãng... Bà con dân bản đang học cách làm du lịch cộng đồng từ chính tiềm năng của mình để góp phần đổi thay cuộc sống. Dưới sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chúng tôi tin sẽ gặt hái được thành công trong tương lai”, ông Lâu Văn Đua, Trưởng bản Pha Đén, nói.

Bản Sài Khao, xã Mường Lý cách thị trấn khoảng 30km, nằm ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Đường lên Sài Khao có thể xem là một thử thách của các tay lái khi cần những cảm giác mới lạ. Đến đây vào buổi sáng, du khách không chỉ nhìn thấy sương bảng lảng xen vào từng ngọn cỏ, cành cây mà còn cảm nhận được hơi nước ướp chượt cơ thể. Những thửa ruộng bậc thang trải đều, bám theo triền núi uốn cong; những ngôi nhà sàn thưng gỗ ẩn mình mà đầy trầm tích văn hóa, tạo nên vẻ đẹp lặng lẽ mà lắng sâu. Đặc biệt, từ đỉnh Sài Khao có thể nhìn thấy đỉnh Pha Luông hùng vĩ như trong câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” mà nhà thơ Quang Dũng đã nhắc đến trong bài thơ Tây Tiến.

Sài Khao cũng là địa danh gắn liền với những năm tháng lịch sử vàng son chói lọi của Trung đoàn Tây Tiến. Hàng chục năm sau ngày đoàn quân Tây Tiến rút đi, những dấu tích mà bộ đội Tây Tiến khi dừng chân, lập căn cứ đã để lại vẫn còn. Được biết, trong thời gian sống ở Sài Khao, nhiều người lính Tây Tiến đã hỗ trợ, giúp đồng bào người Mông cách trồng lúa nước, làm những bức tường đá để tránh muông thú. Từ đó, đồng bào nơi đây bắt đầu cho làm những “tường thành” để bảo vệ nhà cửa, mùa màng. Ngoài ra, còn có vườn bưởi trồng trên sườn núi, khu ruộng bậc thang. Tất cả trở thành nét văn hóa độc đáo của đồng bào.

Chiều muộn, Mường Lát dường như chìm hẳn trong trạng thái nghỉ ngơi, an nhiên, bình yên giữa núi rừng như một mỹ nhân đang say ngủ...

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]