(Baothanhhoa.vn) - Tuy còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, song Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Na Mèo đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, vươn lên trở thành điểm sáng giáo dục ở huyện vùng biên Quan Sơn.

Nỗ lực vượt khó ở ngôi trường vùng biên

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, song Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Na Mèo đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, vươn lên trở thành điểm sáng giáo dục ở huyện vùng biên Quan Sơn.

Nỗ lực vượt khó ở ngôi trường vùng biênMột giờ học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Na Mèo.

Thành lập chưa lâu do chia tách từ Trường THCS Sơn Thủy vào năm 2000, lại nằm ở xã đặc biệt khó khăn, Trường PTDTBT THCS Na Mèo gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Ngoài kế hoạch được Nhà nước đầu tư xây dựng 10 phòng học kiên cố mới đây, nhà trường vẫn chưa có nhà công vụ cho giáo viên, khiến giáo viên phải ở tạm trong khu bán trú của học sinh. Bên cạnh đó, mặc dù đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng nhà trường vẫn còn thiếu nhiều máy vi tính và thiết bị dạy học trên lớp. Trong khi đó, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đa phần học sinh nhà ở cách xa trường, gần đường biên giới, giao thông khó khăn. Cá biệt, nhiều học sinh cách trường hơn 20 km thường xuyên nghỉ học hoặc bỏ học giữa chừng, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các cháu quay lại lớp học.

Thực hiện lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, thời gian qua ban giám hiệu nhà trường đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh vùng cao được phát triển toàn diện. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dương, nhà trường đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo bằng cách cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn của tỉnh và huyện. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng tại chỗ thông qua tổ chức thường xuyên hoạt động dự giờ trên lớp hoặc khuyến khích thầy cô giáo học hỏi qua đồng nghiệp, qua mạng internet để tự nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học ở tất cả các bộ môn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đồng thời tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm... Hằng tháng, các tổ chuyên môn đã lựa chọn một chủ đề, nội dung giảng dạy để thảo luận, trao đổi tự nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Cùng với đó, nhà trường đã thực hiện khách quan, minh bạch việc kiểm tra, đánh giá và xếp loại, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường đều có trình độ chuẩn và trên chuẩn. Cơ cấu giáo viên tương đối đồng đều ở tất cả các bộ môn. Từ tinh thần năng động, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, các giờ học đã trở nên hấp dẫn hơn, thu hút học sinh nghe và tương tác.

Cùng với quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục các môn văn hóa, do có môi trường học bán trú, nhà trường đã tổ chức xây dựng và thực hiện nhiều mô hình thiết thực, nhằm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ví như, trong mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, học sinh được tiếp cận với kiến thức mới, bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của bản thân về các chủ đề học đường, xã hội... Đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động trải nghiệm ngoại khóa, trình bày ý tưởng sáng tạo sau khi được tiếp thu kiến thức lý thuyết trên lớp. Cùng với đó, nhà trường đã duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, giúp học sinh rèn luyện sức khỏe và tự tin giao lưu trong các hoạt động của nhà trường và địa phương.

Thông qua các mô hình giáo dục ngoại khóa, học sinh của nhà trường đã tự tin hơn khi xuất hiện trước đám đông. Đồng thời từ các câu lạc bộ, nhà trường đã phát hiện và tiếp tục bồi dưỡng học sinh có năng khiếu để tham gia các hội thi của huyện và tỉnh. Thực tế nhiều năm trở lại đây, tham gia các cuộc thi của huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, Trường PTDTBT THCS Na Mèo đều có học sinh đoạt giải. Ví như trong năm học 2022-2023, nhà trường có 7 giải học sinh giỏi cấp huyện các môn văn hóa. Thi học sinh giỏi thể dục - thể thao cấp huyện, học sinh của trường giành giải nhất nội dung bóng đá, giải nhất nội dung chạy 1.500m nam, giải nhì nội dung đá cầu đơn nữ, giải ba nội dung đá cầu đơn nam... Tham gia Hội thi Giai điệu tuổi hồng cấp tỉnh, học sinh nhà trường đoạt 1 giải ba và 1 giải khuyến khích...

Thời gian qua, nhà trường đã quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của các em học sinh. Trong số 242 học sinh của nhà trường có 167 học sinh bán trú. Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhà trường đã tuân thủ các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo từng khâu: nhập, kiểm tra thức ăn, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Tận dụng các khoảng đất trống trong khuôn viên giáo viên trồng và chăm sóc các loại rau để có thêm nguồn thực phẩm sạch, cải thiện thêm chất lượng bữa ăn cho học sinh. Bên cạnh đó, tận dụng thời gian rảnh rỗi các thầy cô giáo đã lên núi, ra suối đưa các loại vật liệu về tạo cảnh quan khuôn viên nhà trường...

Thầy giáo Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Na Mèo, cho biết thêm, nhà trường đã thường xuyên trao đổi, quán triệt và rút kinh nghiệm trong nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh bán trú theo tuần. Đồng thời động viên giáo viên phụ trách bán trú ngoài nhiệm vụ giảng dạy phải gần gũi, giúp đỡ học sinh trong sinh hoạt hằng ngày. Từ đó, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn, giúp học sinh yên tâm học tập.

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]