Nỗ lực tìm kiếm khởi đầu mới
Quốc hội Đức đã bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Olaf Scholz, mở đường cho một cuộc bầu cử trước hạn với hy vọng có thể chấm dứt tình trạng bế tắc như hiện nay.
Quốc hội Đức họp hôm 16/12. Ảnh: REUTERS.
Kết thúc để mở ra chặng đường mới
Theo Reuters, Bundestag (Quốc hội Đức) ngày 16/12 bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Olaf Scholz; trong đó, 394 nghị sĩ bỏ phiếu phản đối ông Scholz, 207 nghị sĩ ủng hộ và 116 nghị sĩ bỏ phiếu trắng.
Đây là kết quả đúng như mong đợi của Thủ tướng Olaf Scholz cũng như các đối thủ của ông sau khi chính phủ liên minh sụp đổ hồi tháng trước do bất đồng về ngân sách khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz mất thế đa số tại Quốc hội. Khi đó, ông Scholz đã kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm mở đường cho một cuộc bầu cử trước hạn vào tháng 2 năm sau với hy vọng lập một chính phủ liên minh đa số mới, tạo điều kiện cho việc thông qua các dự luật ngân sách.
Hiện nay, tất cả các lực lượng chính trị lớn ở Đức đều đã sẵn sàng cho chiến dịch vận động tranh cử của mình. Trở lại mùa thu năm 2024, đảng Dân chủ tự do (FDP) rời khỏi liên minh cầm quyền và Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo Đức (CDU) coi bầu cử sớm là giải pháp duy nhất để có thể tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay. Các chiến dịch bầu cử đang được lan truyền trên Internet và sẽ sớm tràn ngập trên đường phố ở các thành phố của Đức. Lịch trình các cuộc mít tinh, hoạt động và gặp gỡ cử tri đang được các đảng chính trị Đức hoàn thiện. Rõ ràng trong điều kiện như vậy, sẽ không một lực lượng nào muốn hoãn việc khởi động các chiến dịch cho đến mùa thu năm 2025 theo kế hoạch ban đầu.
Cử tri Đức cũng không muốn chờ đợi lâu như vậy. Sau 3 năm trong nhiệm kỳ của “liên minh đèn giao thông”, sự mệt mỏi của người dân Đức ngày càng tích tụ. Văn hóa chính trị Đức ghi nhận các cuộc tranh luận sôi nổi về các vấn đề quan trọng của đất nước, những mâu thuẫn, bất đồng giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng FDP và đảng Xanh. Trong khi SPD và đảng Xanh muốn chi tiền cho chính phủ để khởi động nền kinh tế và thực hiện các quyết sách của họ, thì FDP lại khăng khăng tuân chủ chặt chẽ “Black Zero”, một mức trần nợ được ghi trong hiến pháp nhằm ngăn chặn việc vay các khoản tiền lớn trừ khi có trường hợp khẩn cấp. Sự đi xuống của nền kinh tế Đức và tỷ lệ chấp thuận chính phủ giảm mạnh đã dẫn đến nhiều rạn nứt trong nội bộ liên minh cầm quyền.
Kết quả là, các vấn đề xã hội, vốn đã xuất hiện từ thời của Thủ tướng Angela Merkel, ngày càng sâu sắc hơn. Nền kinh tế Đức phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, với những dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ không thể đảo ngược. Theo Bloomberg, sau 5 năm trì trệ, nền kinh tế nước này đã suy giảm 5% so với mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19. Dự báo nền kinh tế Đức sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024, trở thành nền kinh tế hoạt động yếu nhất trong nhóm các nước G7. Suy giảm khả năng cạnh tranh quốc gia có nghĩa là mỗi hộ gia đình sẽ thiệt hại khoảng 2.500 Euro mỗi năm.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã không thể giải quyết vấn đề, và theo thời gian những lời bào chữa từ chính phủ càng kém thuyết phục. Điều này dẫn đến việc các đảng đối lập, như đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và Liên minh Sarah Wagenknecht, ngày càng được nhiều cử tri Đức ủng hộ, là điều dễ hiểu.
Vấn đề Ukraine giữ vai trò “then chốt” trong cuộc bầu cử sắp tới?
Chiến dịch bầu cử sắp tới ở Đức sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, di cư và ngoại giao, trong đó vấn đề Ukraine được xem là mấu chốt quan trọng. Đảng CDU vốn theo đuổi quan điểm cứng rắn khi lãnh đạo đảng và ứng cử viên thủ tướng Friedrich Merz nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc cung cấp tên lửa Taurus cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Tuy nhiên, sau đó những tuyên bố của lãnh đạo đảng này đã “nhẹ tông” với lý do Đức không thể tự mình đưa ra những quyết định như vậy.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại quốc hội Đức hôm 16-12. Ảnh: REUTERS.
Tương tự, SPD đang thận trọng quay trở lại các cách tiếp cận ôn hòa trong chính sách đối ngoại tương tự như thời điểm trước tháng 2/2022. Thủ tướng Olaf Scholz đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên sau 2 năm kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.
Sự kết thúc của cuộc xung đột ở Ukraine, hoặc ít nhất là kết thúc giai đoạn chiến sự ác liệt nhất, bước sang đối thoại chính trị sẽ cho phép Berlin “dễ thở” hơn và giành nguồn lực vào các vấn đề nội bộ. Chỉ có một cách để có thể giải quyết nhanh nhất cuộc khủng hoảng năng lượng của ngành công nghiệp Đức là nối lại nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Trong bối cảnh hiện nay, điều này rõ ràng là không thể. Tuy nhiên, khi vấn đề Ukraine hạ nhiệt, hợp tác Nga - Đức về vấn đề này có thể được nối lại.
Về vấn đề di cư, sự kết thúc của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ giúp hàng trăm nghìn người Ukraine đã đến Đức sau tháng 2 năm 2022 có thể trở về nước. Mới đây, Bộ Nội vụ Đức cũng cho biết sẽ không xử lý các yêu cầu tị nạn của người Syria cho đến khi có thông tin rõ ràng hơn về diễn biến chính trị ở nước này. Trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần, với các đảng cực hữu và bảo thủ dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, Thủ tưởng Olaf Scholz và đồng minh đang cho thấy thái độ thận trọng trong vấn đề di cư, vốn được cử tri coi là vấn đề lớn thứ hai của Đức sau nền kinh tế.
Theo Artem Sokolov, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế, Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) nhận định, bất chấp xếp hạng thấp của Thủ tướng Olaf Scholz và những vấn đề nội tại của Đức, nhưng không thể phủ nhận ông vẫn là một trong những chính trị gia giàu kinh nghiệm nhất của Đức, người biết cách “lật ngược thế cờ” mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn. Việc chủ động kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho thấy ông Scholz và đảng của mình đã có những tính toán và bước chuẩn bị cho một chiến dịch vận động tích cực. Kịch bản năm 2021 có thể lặp lại khi các đối thủ của Thủ tướng Olaf Scholz thiếu kinh nghiệm, mắc sai lầm, trong khi ông Scholz thể hiện bản thân tốt hơn.
Rõ ràng, tình hình chính trị nội bộ Đức hiện nay đang khá bế tắc và cần có sự kết thúc để tìm ra lối thoát mới. Cử tri Đức không quan tâm nhiều đến các chương trình bầu cử của các đảng chính trị, mà mong đợi kết quả của một chính phủ có năng lực, rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và hành động, tìm ra những giải pháp tháo gỡ tình trạng khó khăn ở trong nước hiện nay.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-19 13:22:00
Người biểu tình tấn công tòa án Hàn Quốc: Biểu tình bạo lực và phản ứng quốc tế
-
2025-01-19 09:21:00
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - Ý nghĩa đối với Trung Đông và Ukraine
-
2024-12-18 09:29:00
Houthis tấn công Israel bất chấp sự thất bại của đồng minh
Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều thách thức
Xu hướng “toàn cầu hóa” các cuộc xung đột trong năm 2024
Đâu là mặt trận chính nếu Thế chiến thứ III nổ ra?
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria
Tại sao Israel tấn công Syria?
Kỷ nguyên mới ở Syria và vị thế của Iran
Ai được chỉ định lập chính phủ mới để quản lý giai đoạn chuyển tiếp ở Syria?