Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 3): Đảng viên tiên phong đưa ruộng về... bản
Khi đám đất nương bạc phếch cũng là lúc cánh rừng đầu nguồn kế tiếp bị đốn hạ, hơn 10 năm trước, nhiều hộ đồng bào Mông ở Thanh Hóa vẫn cứ tiến sâu vào rừng, trèo lên núi cao nhưng chưa từng thoát khỏi vòng vây đói nghèo. Cho đến khi, có những đảng viên tiên phong đưa ruộng về bản tập trung thâm canh...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Mèo Thao Văn Thê (bên phải) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây dứa gai. Ảnh: P.V
Cây khoai mán trên đồi núi Ché Lầu
Gần 4 năm trước, khi những cây khoai mán ruột vàng được đưa về, chẳng hộ đồng bào Mông nào ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) tin tưởng. Họ nghi hoặc, rồi chê bai người chủ của mô hình ấy - đảng viên Thao Văn Thê (sinh năm 1986), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã với đủ thứ điều. Thậm chí, khi anh bỏ tiền ra thuê người xáo cỏ, vun gốc cho thứ cây ấy cũng chẳng người hào hứng vì sợ “ông chủ” không tiền trả công.
Thê hiểu điều đó, chẳng mấy ai chịu thay đổi. Cho đến trước khi di cư từ xã Pù Nhi (Mường Lát) về Ché Lầu sinh sống, bà con vẫn còn du canh làm rẫy. Gặp cây thì phát, gặp rừng thì chặt phá, đốn hạ, cũng chỉ vì có đám đất trống, tra xong hạt lúa, hạt ngô họ để lại đó đợi nước từ mẹ trời, được ăn mất chịu. Qua đi một vài mùa mưa, đám đất ấy bị rửa trôi, cứng trơ như đá núi, cây cỏ mọc không nổi, họ tiếp tục bìu díu vào rừng sâu. Những cánh rừng bị gục xuống tan hoang, nhưng người Mông chưa bao giờ khấm khá lên được. Còn đám đất phì nhiêu quanh bản thuận lợi tưới tiêu bị bỏ lại, cho cỏ dại mặc sức sinh sôi.
Mà có lần theo cán bộ huyện, xã đến tận nhà vận động, tôi tận nhìn những cái lắc đầu lia lịa của người dân khi nghe chuyện trồng cây khoai, cây lúa, về xuất khẩu lao động. Đó vốn dĩ là cứu cánh, là hướng đi để họ thoát khỏi đói nghèo, cho con trẻ được đến trường học chữ... Họ như mặc kệ, trời sinh voi sinh cỏ, nghèo đói đã có Nhà nước lo, chẳng phải làm giàu.
Anh Thao Văn Thê tuyên truyền, vận động đồng bào Mông bản Ché Lầu xóa bỏ hủ tục, phát triển kinh tế.
Thao Văn Thê thì khác, thân làm cán bộ bán chuyên trách cấp xã, phụ cấp ít ỏi chẳng đủ nuôi thân, còn gồng gánh gia đình 6 miệng ăn, nên vẫn đau đáu nghĩ cách làm giàu. Từ trồng sắn, nuôi dê, đào ao nuôi cá, rồi vào rừng nhặt nhạnh từng củ măng, tổ ong về bán. Rồi anh nghĩ, chỉ có tập trung thâm canh tăng vụ kết hợp chăn nuôi gia súc mới đủ ăn ở triền đất biên cương nghèo đói này. Nhưng để tìm đáp án cho bài toán trồng cây gì và nuôi con gì cho hết đói cũng khiến anh mất ròng rã mấy năm trời hì hục công sức, cùng bao tiền của đội nón ra đi.
Đầu tiên anh trồng xoan. Xoan không lớn được. Lúc chuyển trồng gừng, truân chuyên bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sản lượng rất cao nhưng bán củ chẳng ai mua. Những đêm giông bão phải thức dậy lấy khay, chậu hứng nước, rồi dùng áo mưa che cho vợ con khỏi ướt trong căn nhà lụp sụp, xiêu vẹo khiến anh chẳng đành lòng, nên tiếp tục tìm hướng thoát nghèo. Cây khoai mán ruột vàng được Thê đưa về Ché Lầu từ năm 2018 với suy nghĩ ấy.
Nhưng trời đất nào dễ chiều lòng người, trong hai năm đầu, phần chưa am hiểu kỹ thuật chăm sóc, phần chưa biết cách phòng trừ sâu bệnh, cây khoai chưa ra củ đã lụi đi, xơ xác. Bao tiền của chắt bóp, vay mượn anh em họ hàng cũng ra đi theo thứ cây ấy. Người bản chê bai, rằng Thê là thằng phá hoại chứ làm ăn gì. Rồi vợ khóc, con đói thêm vì bố thua lỗ. Thê nhìn thấy cũng đành giấu đi nỗi niềm, tìm hiểu cặn kẽ căn nguyên thất bại, quyết làm đến cùng. “Mình muốn chứng minh rằng, bà con có thể tự mình thoát nghèo trên chính ruộng nương ở bản mình, không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước được”, Thê kiên định.
Rồi non héc-ta khoai mán ruột vàng của gia đình Thê bời bời xanh tốt. Trước khi thu hoạch, Thê bon bon xe máy về phố huyện Quan Sơn, rồi TP Thanh Hóa xa xôi để tìm đầu mối tiêu thụ. Việc thành công, năm 2020, gia đình anh đã thu được lợi nhuận hơn 80 triệu đồng từ cây khoai mán. Một năm, hai năm,... rồi nuôi thêm con lợn, con bò, giờ Thao Văn Thê đã có căn nhà khang trang bậc nhất Ché Lầu.
Anh Thao Văn Thê chăm sóc vườn ổi của gia đình.
Trồng khoai mán chẳng tốn nhiều công sức, đồng vốn, lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần việc chật vật nơi vực sâu núi cao phá rừng lấy đất làm nương rẫy, nên nhiều hộ đồng bào Mông ở Ché Lầu đã đến học hỏi, xin kiến thức từ Thao Văn Thê. Không chỉ có cây khoai mán ruột vàng, Thê còn chỉ cách trồng lúa nước hai vụ, trồng nứa vầu, rồi thâm canh cây sắn... Cứ thế, Ché Lầu giờ đã là bạt ngàn màu xanh no ấm, xen lẫn trong những nụ cười lung linh nắng mới.
Thao Văn Thê cười hồn nhiên: “Giờ đồng bào Mông ở Ché Lầu không phá rừng lấy đất làm nương rẫy nữa. Mọi người ở lại bản, tập trung thâm canh nhiều loại cây trồng, chăn nuôi phát triển kinh tế. Thanh niên trai gái trong bản cũng tìm việc, làm công nhân ở TP Thanh Hóa hoặc các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh... để nâng cao thu nhập”.
Đưa bản ma túy về đích nông thôn mới
Căn nhà của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pù Toong Chá Văn Dia nằm trên lưng chừng con dốc, ven Quốc lộ 15C dẫn lên phố huyện Mường Lát. Bẵng một thời gian không gặp, ngồi trước tôi, người đàn ông dáng dong dỏng cao vẫn chầm chậm câu chuyện như thể chiêm nghiệm dưới vầng tráng nhăn nheo nhuốm màu từng trải.
Anh Chá Văn Dia tuyên truyền, chủ trương của Đảng đến với người dân Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát).
Hẳn Chá Văn Dia là một đảng viên đặc biệt, hy hữu không chỉ riêng trong vùng đồng bào Mông nơi biên viễn xứ Thanh. Đặc biệt bởi anh đã kiên trì, nhẫn nại làm lại cuộc đời từ quá khứ lầm lỗi, đau thương để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, là chỗ dựa tinh thần cho biết bao mảnh đời bất hạnh, khổ đau nơi bản nghèo bị ràng rịt, bủa vây trong ma túy. Còn đặc biệt bởi, Pù Toong là bản nông thôn mới đầu tiên trong vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa. Mà phía sau những thành công ấy có hành trình không mệt mỏi của ý chí kiên định, quyết tâm thay đổi quê hương của người đảng viên này.
Chá Văn Dia sinh năm 1971 ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi. Trước năm 2000, Dia còn là tấm gương vượt lên hoàn cảnh, bữa sắn bữa ngô, chân trần vượt dốc đến trường, rồi trở thành “hàng hiếm” ở huyện vùng biên Mường Lát, khi có tới 2 bằng trung cấp. Một của Trường Trung cấp Nông lâm (nay là Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa) năm 1995, một của Trường Trung cấp Phát thanh - Truyền hình (nay sáp nhập vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa) năm 1999. Ra trường, anh được nhận làm công nhân Lâm trường Mường Lát (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Mường Lát), rồi vợ chồng con cái bồng bế nhau về Pù Toong sinh sống, làm việc theo hợp đồng giao khoán từ năm 2000 với bao hy vọng đổi thay.
Nhưng rồi phúc họa song trùng, khi niềm vui trên nơi ở mới vừa bắt đầu, thì tai ương liên tiếp ập xuống, cuốn phăng đi mái ấm nhỏ nhoi, mà đến giờ nhớ lại, nước mắt anh còn lăn dài trên sống mũi đỏ lừ. Đó là một ngày mưa tháng 10/2000, vợ anh đột ngột bỏ các con mà đi sau một tai nạn giao thông ở ngay chân dốc gần nhà. Tưởng rằng, vụ tai nạn ấy đã là tột cùng nỗi đau của hai đứa trẻ mồ côi, nào ngờ chỉ hai tháng sau, Dia vô tình trở thành tội phạm vận chuyển thuốc phiện, phải biền biệt phía sau song sắt lạnh lẽo.
“Mình có nghiện đâu, cũng chẳng hám tiền bạc mà vận chuyển ma túy. Chỉ là mình mua giúp không công cho một người quen thôi. Nhưng có ngờ đâu”... Đôi mắt đỏ hoe, giọng anh ngắt quãng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pù Toong, xã Pù Nhi Chá Văn Dia giới thiệu thành tích cá nhân và của bản đạt được trong thời gian qua.
Thẳm sâu trong đôi mắt ấy, tôi nhìn thấy những giằng xé đớn đau của một người con được ăn học đủ đầy, một người bố vô tình đẩy những đứa trẻ vào cùng cực khổ đau với bao bất hạnh của kiếp phận làm người. Mà có lẽ nỗi đau thương ấy đã thôi thúc anh lao động cải tạo tốt và được hưởng ân xá, tha tù trước thời hạn 2 năm vào năm 2004. Hôm đó trời nhá nhem, về đến nhà, nhìn hai đứa nhỏ lấm lem, rách rưới, anh chỉ biết ôm chúng mà gào khóc.
Trở lại đúng nơi mình gục ngã, bỏ lại sau lưng những tiếng điều về một tên tù số má, côn đồ, hung hãn, Chá Văn Dia hăm hở làm lại. Mà việc làm đầu tiên anh làm đã là chuyện “ngược đời” với bao người Mông nơi biên ải - vận động bố mình cai nghiện.
Ngày ấy, chẳng riêng gì bố Dia nghiện, triền miên trong nỗi ám ảnh gieo rắc xuống bao mái nhà, đường ngõ ở Pù Nhi là nỗi đau ma túy. Ốm đau chẳng cần đi viện, thuốc thang, chỉ cần ma túy. Đám cưới người ta mang thuốc phiện để mời nhau, đám tang cũng sử dụng để lấy sức trông thi thể cả tuần trời trong nhà... Ma túy như là lẽ sống, là mọi lý lẽ ở đời, nên lời Dia nói, ban đầu ông chẳng nghe, bảo “trứng nào khôn hơn rận”. “Mình quyết tâm khuyên nhủ nhiều lần, thậm chí cãi lại bố, rồi mua thuốc cai nghiện về. Bố thương mình nên đã nghe theo và cai nghiện thành công chỉ hơn 1 tháng trời”, Chá Văn Dia kể lại.
Tiếng lành đồn xa, cách làm của Dia đã thắp lên ngọn lửa hy vọng trong những mái nhà ở Pù Nhi đang rệu rã, lạnh ngắt vì ma túy. Rồi anh được tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự bản Pù Toong.
Từ ngày ấy, anh tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhổ bỏ triệt để và không tái trồng cây anh túc. Những con nghiện trong bản được vận động cai nghiện tại nhà, hoặc đưa đi cai nghiện tập trung. Những điểm phức tạp buôn bán ma túy cũng được anh phối hợp với các lực lượng chức năng xóa bỏ. Năm 2007, tuy nằm giữa địa bàn “nóng” về an ninh trật tự thuộc diện nhất nhì tỉnh Thanh Hóa, nhưng Pù Toong đã sạch bong ma túy.
Một góc bản nông thôn mới Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát).
Càng tham gia vào công việc chung của bản, chăm lo cuộc sống Nhân dân, Chá Văn Dia như thấy lẽ sống cao đẹp, nên luôn động viên, thôi thúc mình ngày thêm việc làm ý nghĩa. Bằng kiến thức được học ở trường, anh khai khẩn, cải tạo đám đất hoang hóa gần suối để trồng cây lúa. Điều mà chẳng người Mông nào thích làm, vì đã quen du canh phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Từ một vụ thành công, rồi thâm canh 2 vụ, ruộng lúa anh trồng cứ bời bời tốt tươi, hạt thóc làm ra không những đủ ăn cho cả gia đình mà còn dư dả đem bán. Dân bản thấy thế nên học theo, làm theo, rồi cánh đồng Pù Toong giờ đã trập trùng xanh tốt với hai vụ lúa đều đặn trong năm.
Hành trình làm lại cuộc đời của Chá Văn Dia đã thành công bằng những việc “ngược đời” như thế, nhưng đã mang lại bình yên bản làng và miếng cơm manh áo cho người dân. Mà minh chứng cho sự thành công ấy là sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, bằng những lá phiếu bầu anh làm trưởng bản năm 2012. Sau đó anh được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng vào năm 2016. Đến cuối năm 2017, thực hiện chủ trương nhất thể hóa, Chá Văn Dia được bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pù Toong.
Cũng từ ấy, Chá Văn Dia đã cùng với chi ủy, ban quản lý bản vận động đồng bào Pù Toong xóa bỏ hủ tục trong tang ma, hôn nhân cận huyết thống, xây dựng nông thôn mới. Công cuộc ấy chẳng mấy chốc hoàn thành, bà con háo hức chuyển nuôi nhốt trâu bò lợn gà quanh nhà ra khu chăn nuôi tập trung, trồng thêm cây mận, cây đào bán về xuôi, rồi đóng góp ngày công, hiến đất mở rộng đường bản, sửa sang nhà văn hóa, xây dựng thành công bản nông thôn mới năm 2020.
Đồng chí Phạm Đức Lương, Bí thư Đảng ủy xã Na Mèo (Quan Sơn): Quá trình công tác, đồng chí Thao Văn Thê luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do hội nông dân phát động. Đặc biệt, đồng chí luôn nỗ lực, phấn đấu phát triển kinh tế hộ gia đình; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xóa bỏ các tập quán, thói quen sinh hoạt lạc hậu, thực hiện nếp sống mới, tham gia các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đồng chí Thê cũng là nhân tố tiêu biểu của xã trong tổ chức thực hiện Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. |
Trong màu no ấm trải rộng khắp núi đồi Pù Toong hùng vĩ, có sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, là công sức của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều người. Nhưng tôi biết, thành công ấy có “linh hồn” của Bí thư, Trưởng bản Chá Văn Dia, người đã trao truyền nhiệt huyết, lan tỏa trách nhiệm và khát vọng đổi thay nơi bản nghèo. Tôi nhớ lời mộc mạc của một lão nông tôi gặp đang chăm sóc vườn đào vừa thu hoạch quả, ông Lâu Văn Công: “Dia giúp bà con có thêm của ăn của để, nên chúng mình theo Dia, theo Đảng là đúng rồi”.
Còn với tôi, anh vẫn khiêm nhường: “Mình không giỏi đâu. Mình học theo lời Bác Hồ, muốn bà con tin, là cán bộ mình phải đi trước, làm trước”. Tôi mỉm cười, mắt hướng về biên viễn xanh tươi, nơi lá cờ đỏ sao vàng no gió tung bay...
Phóng sự của Đỗ Đức
Bài cuối: Những hạt nhân cộng hưởng để gỡ mớ bòng bong nút thắt.
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-10-05 10:31:00
Chung tay xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Quan Sơn nỗ lực xây dựng mái ấm cho hộ nghèo
Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 2): Chị Dợ vượt nỗi sợ định kiến
Truyền thông phòng, chống tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông
Thị xã Nghi Sơn khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất tại bản Cha Khót, xã Na Mèo và sụt lún đất, nứt khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân (Quan Sơn)
BIDV hiện thực hóa ước mơ an cư cho người nghèo huyện Bá Thước
Phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở đợt 2
Quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh
Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 1): Như thân cây kiêu hùng trước bão