Những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn (Bài 1): Như thân cây kiêu hùng trước bão
Thẳm sâu trong ánh mắt của những người Mông tôi gặp năm cũ là khoảng trời lang bạt, bìu díu nhau lên phía trời cao chon von để đắp đổi mưu sinh. Từng cánh rừng đầu nguồn bị hạ xuống, nhưng cuộc sống thiếu thốn vẫn tuần tự trôi đi như một điệp khúc buồn nương theo bao hủ tục rườm rà, nghiệt ngã. Giờ khác lắm, trên miền đất biên cương xanh thẳm này, đã có những đảng viên bộc trực, gan dạ, dám hứng chịu “búa rìu” dư luận, quyết nghĩ khác, làm khác, những mong bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng bản làng mỗi ngày thêm ấm no. Tôi gọi họ là những người Mông “đi ngược” tìm ấm no nơi biên viễn.
Ông Lầu Minh Pó tham gia tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Chẳng những ngày đương chức Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, mà ngay cả bây giờ nghỉ hưu, ông Lầu Minh Pó vẫn vậy, âm thầm và lặng lẽ, bền bỉ và tuần tự, mang ánh sáng văn hóa của Đảng về với đồng bào Mông quê mình. Còn với họ, ông như một ngọn đuốc, một thân cây kiêu hùng, sẵn sàng đón đợi, đương đầu với bão giông, quyết xóa đi những thứ hủ tục đã ăn sâu, bám rễ, đóng đinh trong đồng bào Mông nơi biên viễn.
Nhổ bỏ những “cây đinh” luật tục
Nghỉ hưu, ông Lầu Minh Pó về ở trong căn nhà cấp bốn đơn sơ trên lưng chừng con dốc dẫn từ Quốc lộ 15C, được “lợp” bởi bạt ngàn màu xanh của bao thứ cây ăn quả. Thấy tôi đến, ông bỏ lại đám đất vườn còn cuốc dở, tay bắt mặt mừng như đón người thân đi xa trở về. Căn nhà cũng như ông, rộng rãi và mộc mạc, gian khách chỉ có một bộ bàn ghế, tường bao cũng chẳng sơn phủ màu mè, chỉ có những tấm bằng khen, giấy khen được treo thành hàng ngay ngắn... Ông vẫn vậy, hóm hỉnh như khi còn đương chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, chỉ là vầng trán đã hằn thêm nếp nhăn, như chất thêm suy tư, trăn trở với đồng bào Mông quê mình.
Chuyện đã qua hơn 10 năm, nhưng tôi nhớ. Ngày ấy, Pù Nhi quê ông nghèo thăm thẳm, hằn lên mái tranh xiêu vẹo, cả trong lem luốc của những đứa trẻ mình trần đen đúa. Cái nghèo quấn chặt rồi đưa đẩy họ qua bao cùng cực mưu sinh, nhưng chẳng phải tất tần tật do thiên nhiên khắc nghiệt hay chợ khó đường xa, mà trước hết gói gọn trong 2 chữ “lạc lậu”. Lạc hậu của tục lệ, tập quán sản xuất, lạc hậu trong nếp nghĩ, tư duy,... Tang ma là một minh chứng điển hình. Mà đến giờ nhớ lại, tôi vẫn còn lạnh phía sống lưng về những đám tang đã từng chứng kiến.
Không biết từ bao giờ, khi tổ chức tang ma, chẳng gia đình người Mông nào chịu đưa người chết vào quan tài. Họ quàn quấn thi thể trong vải vóc áo quần rồi đặt lên cái cáng tre, treo lên thưng nhà kín mít không ô cửa sổ để cúng cấp cả tuần trời. Nhà càng đông con trai, thi thể càng phải để lâu làm ma. Thiếu thốn thì vay mượn, mỗi người con trai ít nhất phải mổ một con trâu hoặc bò theo lời phán của bà cô, ông cậu với quan niệm “báo hiếu”. Đến bữa, người ta hạ thi thể xuống “cho ăn” bằng cơm, bằng thịt, thi thoảng tang chủ còn phải dùng quạt phe phẩy xua đi lũ ruồi nhặng liên tục bâu vào. Thi lễ xong, thịt trâu bò ấy được bày biện cỗ bàn cho con cháu, người bản đến “chia buồn” ăn uống thâu đêm suốt sáng.
Sau đám, tang chủ chẳng những kiệt quệ về kinh tế mà còn lăn ra đổ bệnh vì nhiều đêm mất ngủ trong hơi lạnh, xú khí bốc lên. Rồi thuốc thang, rồi nghèo lại thêm nghèo... Ẩn sâu trong ông Pó về ngày xưa cũ vẫn là hình ảnh chạy đôn chạy đáo đằng đẵng hơn 6 năm trời trả nợ của vợ chồng người chú ruột sau đám tang ông nội mình. Lớp trẻ người Mông được học hành, được thoát ly, muốn thay đổi, nhưng chẳng ai dám vượt qua. Bởi hủ tục ấy như một lời nguyền truyền kiếp, hóa luật tục bám riết lấy họ như cái đinh sắt đóng sâu vào thân gỗ nghiến trên rừng.
Lặng một hồi tư lự, ông Pó kể: “Mình được học, được đi ra, thấy đám tang của các dân tộc anh em, rồi tự hỏi: Tại sao người Mông khi chết rồi lại không đưa vào quan tài ngay như các dân tộc khác để đảm bảo vệ sinh? Mổ nhiều trâu bò làm gì, người chết có ăn được không?”... Những câu hỏi chất chứa suy tư về con đường sáng cho đồng bào cứ xoáy sâu trong trí não, đeo bám tâm can ông hàng chục năm trời. Cũng chừng ấy năm, ông tự mày mò tìm đọc tài liệu trên sách báo ở các bảo tàng, đi lên tận vùng Tây Bắc, đến những nơi có đồng bào Mông sinh sống, tra ra gốc gác của đồng bào mình và những phong tục, nghi lễ. Ông thốt lên: “Chao ôi, đó là thói quen chứ không phải phong tục, văn hóa của người Mông mình”.
Nút thắt trói buộc tư tưởng được gỡ, ông vui mừng khôn xiết như thấy ánh sáng phía cuối đường hầm bấy lâu. Từ cuối năm 2012, ông hăm hở với “cuộc chiến” nhổ bỏ cây đinh luật tục - đưa người chết vào quan tài, bằng việc vận động đồng bào Mông ở xã Pù Nhi. Khi ấy ông làm Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, nói người ta cũng gật đầu, người còn bảo ủng hộ, người đãi bôi... nhưng chẳng ai làm theo.
Một ngày đầu năm 2013, ông chú ruột của ông Pó mất vì bệnh nặng tuổi cao. Trong nỗi buồn mất đi người thân, đầu ông chợt lóe lên ý nghĩ, muốn bà con nghe, gia đình mình phải làm trước. Rồi ông vận động ông già bà cả, người thân trong nhà, mà ông Lâu Gia Pó, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi khi đó cũng là một thành viên có tiếng nói. Đó là đám tang đầu tiên ở vùng đồng bào Mông Thanh Hóa mà người chết được đưa vào quan tài.
Mọi chuyện tưởng êm xuôi, nhưng sau đám không lâu, ông Lâu Gia Pó phải ra Hà Nội điều trị nhiều tháng liền vì bệnh cũ tái phát. Người ta buồn cho người nhập viện thì ít, nhưng hả hê ông Lầu Minh Pó thì nhiều. Họ chê bai, xỉa xói ông với đủ thứ điều gàn dở ở đời. Rằng, “3 tháng nữa thằng Pó sẽ chết thôi”, rồi “thằng Pó nó bị ma làm”... Một người nói, hai người chê,... thân làm cán bộ lãnh đạo huyện nhưng vợ con ông cũng chẳng dám ngẩng mặt ra đường. Búa rìu miệng lưỡi thế gian vô hình hóa hữu hình, đẩy “công cuộc” nhổ bỏ cây đinh luật tục vào tình thế chỉ mành treo chuông, kéo theo những hỉ hả của người đời về ông.
Như thân cây ưa sáng, kiêu hùng chẳng chịu khuất phục, lay chuyển trước bão táp mưa sa, ông vẫn quyết tâm làm, quyết tâm đưa người chết vào quan tài, điều mà lớp trẻ đồng bào Mông mong muốn mà chưa ai dám bước qua. Giọng ông kiên định: “Tôi động viên vợ con, rằng tôi đang làm đúng. Có thể sẽ phải chịu thêm điều này, tiếng kia, nhưng chắc chắn tôi đúng. Không sớm thì muộn, người chết phải được đưa vào quan tài”.
Và tin vui đã đến. Đó là lúc vị bí thư đảng ủy kia bình phục từ bệnh viện trở về, vẫn ngày ngày làm việc nơi công sở. Rồi ngày 25/6/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2181/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Đọc đề án, ông mừng muốn khóc thật to, muốn ôm chặt lấy vợ con để an ủi vì những tiếng điều họ phải chịu đựng bấy lâu vì ông. Bởi từ đây, việc đưa người chết vào quan tài đã được ràng buộc bằng pháp lý, thành mực thước không phải bàn cãi.
Có thêm sức mạnh từ Đảng, Nhà nước, ông hăng hái đi khắp các bản vùng đồng bào Mông để tuyên truyền, vận động bằng chính câu chuyện của mình. Từ một hộ làm theo, dần dà đồng bào Mông thấy đám tang được tổ chức theo nếp sống mới tiết kiệm, lại hợp vệ sinh nên tổ chức theo. Kể cả sau tháng 7/2014, được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, ông vẫn dành chủ yếu thời gian về cơ sở, cùng với cấp ủy, chính quyền, người có uy tín tiếp tục đưa ánh sáng văn hóa của Đảng về với đồng bào.
Vẫn còn “cuộc chiến” lớn hơn
Tôi hỏi: Đám tang trong vùng đồng bào Mông ở Thanh Hóa còn tái diễn hình thức cũ không?
Vẫn có. Chưa tuyệt đối hết được - ông Pó trả lời trong đôi mắt sụp buồn.
Nguyên nhân theo ông kể thì nhiều như cây rừng, nhưng tựu trung vẫn ở thói quen suy nghĩ, quan niệm của đồng bào. Cũng bởi họ sinh ra đã vướng víu trong đói nghèo, lạc hậu như giống cây gỗ vừa thoát khỏi lòng đất đã bị chằng chịt cây leo bụi rậm đeo bám, phải chật vật, gắng gượng sinh tồn mới thoát được ra để vươn lên đón ánh mặt trời. Rồi cuộc sống luôn luôn vận động, sẽ phải có điều hay chuyện dở, khi bí bách nhiều bà con vẫn thường vin vào yếu tố tâm linh, rằng do không cúng ma nhiều ngày, hoặc do người chết nằm trong quan tài có đóng nắp thì không còn ăn được đồ cúng...
Ông Lầu Minh Pó nâng niu tấm Bằng khen trong quá trình công tác.
Rồi cho đến nay, cả huyện Mường Lát vẫn chưa có một cửa hàng bán quan tài. Khi có người quá cố, con cháu lấy gỗ đục đẽo làm áo quan cũng phải mất hơn ngày trời. Họ không có sẵn gỗ, phải tìm mua thì phải cần thêm thời gian. Trong khi dùng cáng để treo thi thể lên vách, họ cầm dao ra ngay ngõ chặt hai cây tre làm cáng, một cây nứa làm dây buộc là xong. Như bình sinh họ vẫn thường nói vui “lắm tiền nhiều của làm gì, lúc chết giống nhau, đều hai tre một nứa”. Thế nên, sẽ rất khó khăn để người dân đồng ý đưa người chết vào quan tài. Mà nếu chuẩn bị được cỗ hòm, thì đám tang cũng không thể tổ chức trong vòng 24 giờ theo nếp sống mới.
Mà đâu chỉ rườm rà, tốn kém việc tang, việc cưới cũng chẳng kém phần. Rồi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lối nghĩ không muốn thoát nghèo, trông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước... Vậy nên, phía sau “cuộc chiến” đưa người chết vào quan tài là cả một “cuộc chiến” lớn hơn - xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại trong vùng đồng bào Mông. Ông Lầu Minh Pó bảo, đó là một cuộc cách mạng thực sự ở vùng biên viễn xứ Thanh này, luôn cần thêm tinh thần kiên trì, ý chí quyết tâm, sự vào cuộc đồng bộ và cả thời gian.
Còn ông, tuy nghỉ hưu, ngoài những ngày leo đồi trồng cây, nuôi bò, vẫn thường tham gia các hội nghị của tỉnh, của huyện tuyên truyền, vận động đồng bào ở khắp các bản vùng đồng bào Mông, không chỉ ở Mường Lát quê hương mà sang cả Quan Sơn, Quan Hóa. Bài giảng của ông thường có sức hút đến lạ. Không hẳn bởi ông là người người Mông, đã dám làm cái điều mà ban đầu họ sợ không dám làm là đưa người chết vào quan tài, mà còn ở cách nói chuyện mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ...
Nghe ông nói, nhiều người thâm căn cố đế bảo thủ chẳng bao giờ nghe ai, tin ai cũng phải xiêu lòng đổi hướng. Như ông Hơ Chứ Hơ (63 tuổi) ở bản Cá Nọi, xã Pù Nhi (Mường Lát) chẳng hạn. Ban đầu cán bộ bản, rồi xã tuyên truyền, vận động, ông không chống nhưng cũng chẳng làm theo điều gì. Bởi nghĩ, không treo người chết lên cáng, không mổ nhiều trâu bò cúng ma, cả bản sẽ trách tội bất hiếu, bị con ma nhà bắt đi. Rồi “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, con cái lại bất hiếu với mình... Nhưng rồi khi “nhà có chuyện”, ông Pó trực tiếp đến vận động, ông Hơ đã nghe theo, đưa người thân của mình vào quan tài trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.
Ông Hơ nói với tôi: “Cái Pó nói chuyện thật lắm, đúng lắm nên mình nghe theo. Lâu nay mình còn nuôi thêm con bò, trồng thêm cái ruộng lúa nước, có bát ăn bát để rồi. Rồi mình được bầu làm người có uy tín ở Cá Nọi, đi theo cái Pó nói chuyện để bà con xóa bỏ hủ tục, cố gắng trồng trọt, chăn nuôi để làm giàu và không theo tà đạo... Bà con mình cũng tiến bộ hơn rồi. Cái Pó có công với bản mình nhiều lắm”.
Tôi nhớ lại một sáng cuối năm 2023, hôm ông Pó được vinh danh tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023. Ngồi trên sâu khấu chia sẻ câu chuyện về hành trình nhổ bỏ những cây đinh luật tục đã qua, giọng ông sang sảng nhưng khiêm nhường, như chất đầy hơi ấm, ý chí kiên định, sắt son của người đảng viên: “Dù còn chút hơi tàn, tôi vẫn đóng góp công sức, trí lực cho sự đổi thay vùng đồng bào Mông”...
Ông Lầu Minh Pó sinh năm 1961, ở bản Pha Đén, xã Pù Nhi (Mường Lát). Trong quá trình công tác, ông đã kinh qua nhiều vị trí và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 1984 - 1996, ông làm giáo viên, rồi Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Quang Chiểu và Trường Phổ thông cấp 1 - 2 Pù Nhi. Tháng 9/1996 đến tháng 5/1997, ông làm chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát (thời điểm chia tách huyện Quan Hóa thành 3 huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát). Từ tháng 6/1997 đến tháng 5/2000, ông làm Phó trưởng Phòng Tổ chức, Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát. Sau đó, ông làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Mường Lát đến tháng 8/2005. Từ tháng 9/2005 đến tháng 6/2014, ông làm Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát. Từ tháng 7/2014 đến năm 2020 ông làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, sau đó được nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội. Quá trình công tác, ông đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước các cấp. |
Phóng sự của Đỗ Đức
Bài 2: Chị Dợ vượt nỗi sợ định kiến.
{name} - {time}
-
2024-12-11 20:21:00
Thị trường lịch Tết Ất Tỵ 2025 - Mẫu mã đa dạng, giá cả hợp lý
-
2024-12-11 16:51:00
Nhân Đại hội Đoàn Luật sư tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029: Khẳng định vị thế trong hoạt động nghề nghiệp, góp phần bảo vệ công lý
-
2024-10-03 18:03:00
Bước chuyển loại bỏ sự phiền hà
Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Quảng Xương với các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội
Hội LHPN tỉnh trao 10 suất học bổng Mottainai cho trẻ mồ côi
Chung tay chăm lo bữa ăn bán trú cho học sinh vùng biên
Công đoàn hỗ trợ vé máy bay cho đoàn viên về quê đón Tết 2025
Khắc phục nhanh nhà ở bị thiệt hại do thiên tai
Khắc phục sự cố công trình kè chống sạt lở tuyến đê tả sông Mã
Hoằng Hoá: Tiếp nhận hơn 8,6 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách
Thiệu Hóa: Chỉ đạo rà soát lại toàn bộ điều kiện hoạt động trang trại chăn nuôi lợn ở xã Thiệu Thành
Khi người già “cô đơn” tìm cách vượt qua nỗi buồn