(Baothanhhoa.vn) - Năm 1994, Tư lệnh Quân khu 4 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ra kiểm tra công tác quốc phòng ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, ông nhận được tin Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Bồng từ trần ở quê nhà xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Khi ấy tôi đang là Trưởng Ban Chính sách của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được chỉ huy cử đi tháp tùng Tư lệnh. Ngồi trên xe cùng Tư lệnh, ông hỏi tôi:

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những điều tôi biết về sư đoàn trưởng

Năm 1994, Tư lệnh Quân khu 4 Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ra kiểm tra công tác quốc phòng ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa, ông nhận được tin Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Xuân Bồng từ trần ở quê nhà xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Khi ấy tôi đang là Trưởng Ban Chính sách của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được chỉ huy cử đi tháp tùng Tư lệnh. Ngồi trên xe cùng Tư lệnh, ông hỏi tôi:

- Trong chiến trường đồng chí ở Sư đoàn nào? –

Tôi thưa:

- Báo cáo Tư lệnh em ở Sư đoàn 1 ạ!

- Đồng chí có biết ai là Sư đoàn trưởng không?

- Dạ có! Thủ trưởng Trần Văn Trân ạ!

- Đúng rồi!

Rồi tôi kể lý do vì sao tôi biết Sư đoàn trưởng với Tư lệnh:

Sau tổng tấn công nổi dậy mùa Xuân 1968 ở mặt trận Làng Vây Khe Sanh, Tiểu đoàn 8 Sư đoàn 304B của tôi được lệnh hành quân vào Tây Nguyên bổ sung về Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 chiến đấu. Tháng 9-1968, Trung đoàn 101 cùng Sư đoàn hành quân vào chiến trường Đông Nam bộ chiến đấu ở Lộc Ninh, Bà Chiêm, tỉnh Tây Ninh. Đường 13 đoạn Cây Cầy, Chơn Thành Hớn Quản thuộc tỉnh Bình Long. Cuối năm 1969, trung đoàn được lệnh tập trung về Lò Gò xóm Giữa nhận tân binh từ ngoài miền Bắc bổ sung vào đơn vị để đi đồng bằng Sông Cửu Long. Lúc đó, tôi được điều lên làm trợ lý Quân lực Trung đoàn. Một lần, tôi được đi cùng Trung đoàn Trưởng Tám Đôi và Chính ủy Giáp Văn Túc lên Ban Quân lực Sư đoàn báo cáo tình hình trang bị, vũ khí và quân số. Trưa hôm đó, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân sang Phòng Quân lực làm việc. Thấy tôi mặc bộ quần áo “Tô Châu” biết là lính mới vào miền Tây. Sư đoàn trưởng vỗ vai tôi cười và nói:

- Đồng chí quê ở đâu?

Tôi báo cáo:

- Dạ! Em quê huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa ạ!

Sư đoàn trưởng hỏi tiếp:

- Đồng chí có biết bơi không?

Tôi thật thà thưa:

- Dạ không ạ!

Sư đoàn trưởng vỗ vai tôi và nói:

- Thế về đơn vị học bơi đi nhé! Vào chiến trường Tây Nam bộ phải vượt nhiều kênh rạch, không biết bơi là không ổn!

- Vâng ạ! – Tôi đáp lại.

... Tháng 2-1970, đơn vị đang chiến đấu ở vùng Thới Sơn, Thới Thuận thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đơn vị được Trung đoàn trưởng Tám Đôi thông báo Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân bị phục kích và hy sinh khi vượt kênh Vĩnh Tế sang đất Campuchia để lên “R” (Tên gọi ký hiệu của Bộ Tư lệnh miền) đóng trên đất Tây Ninh báo cáo kế hoạch chiến đấu mùa khô năm 1970 của Sư đoàn. Cho đến hôm nay, khi được ngồi cùng xe với Tư lệnh Quân khu tôi mới hiểu rõ ngọn nguồn về câu chuyện bi hùng của Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân của tôi.

Đầu tháng 2-1970, trước khi về trên Bộ Tư lệnh miền (B2) báo cáo, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân đến chào lãnh đạo tỉnh An Giang lúc đó đang đóng ở khu vực núi Dài Lớn để xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền. Rồi ngay trong đêm, đoàn cán bộ của Sư đoàn vượt kênh Vĩnh Tế để sang đất bạn Campuchia thì bị địch phát hiện. Chúng dùng máy bay trực thăng bắn pháo sáng làm sáng rực cả đoạn kênh Vĩnh Tế mà đoàn bị địch bao vây. Máy bay địch điên cuồng bắn rốc két làm nhiều đồng chí trong đoàn hy sinh, trong đó có y tá Nguyễn Văn Thương. Với sự nhạy cảm của người từng xông pha trận mạc, Sư đoàn trưởng nhận biết tình thế chẳng lành, ông nhanh tay quơ lấy túi thuốc quân y và khẩu súng AK của y tá Thương quàng vào người rồi ra lệnh cho Đại đội trưởng trinh sát Thành:

- Bằng mọi cách đồng chí phải vượt vòng vây của địch mang cặp tài liệu đem về giao cho Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Viên. Tôi và anh em còn lại sẽ đánh lạc hướng địch để đồng chí cơ động bí mật rút ra khỏi vòng vây địch!

Do lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, Sư đoàn trưởng và một số đồng chí trong đoàn bị địch bắt sống, còn lại hầu hết đều hy sinh. Nhưng, cặp tài liệu ông giao cho Đại đội trưởng Thành đã được mang về giao lại cho Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Viên, do đó toàn bộ kế hoạch tác chiến của Sư đoàn không bị bại lộ.

Bị bắt vào trong tù, Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân khai là Nguyễn Văn Thương – Thượng sĩ - Y tá (theo thẻ căn cước của đồng chí Thương y tá đã hy sinh). Bọn cai ngục nghi ngờ, tra khảo:

- Mày già thế này mà có quân hàm Thượng sĩ là khai bố láo! – tên cai ngục tát vào mặt ông và hất hàm hỏi tiếp:

- Mày làm y tá có biết chữa bệnh không?

Ông trả lời:

- Có! – Rồi Sư đoàn trưởng bình tĩnh nói tiếp:

- Vì tôi chỉ học sơ cấp nên quân hàm có thế thôi! Việt Cộng chúng tôi muốn có quân hàm cao hơn phải đi học tiếp. Tôi do tuổi cao, sức yếu, lại thường xuyên phải cứu chữa thương binh nên chưa được cử đi học!

Khi đó, trong nhà tù đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 1 bị bắt đã biết tên, biết mặt Sư đoàn trưởng. Nhưng mặc dù bị bọn cai ngục thường xuyên tra tấn, thẩm vấn anh em vẫn kiên định, một lòng một dạ quyết không tiết lộ danh tính của thủ trưởng mình. Thời gian đầu mới bị bắt, địch đưa ông vào nhà tù Cần Thơ, sau đó chuyển đi nhà tù Hố Nai – Suối Máu (Biên Hòa). Trong lao tù, ông tham gia cấp ủy nhà tù, động viên các chiến sĩ cách mạng. Ông còn làm “y tá” chữa bệnh cho ngay cả vợ, con bọn cai ngục. Vỏ bọc y tá rất hoàn hảo, đã nhiều đêm vợ tên cai ngục bị kiết lỵ, đến gọi ông, ông đã chữa khỏi bệnh cho vợ nó, vợ nó hàm ơn rối rít.

... Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký ngày 27-1-1973 đến ngày 18-3-1973 bên dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị, cách quê hương ông ở Thừa Thiên Huế không xa, ông được trao trả. Cởi bỏ bộ quần áo Ngụy quyền vứt xuống dòng Thạch Hãn, ông bơi về bờ Bắc. Khi vừa lên khỏi bờ sông, một chiếc xe con của chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã chờ sẵn đưa ông lên xe chạy thẳng về thị xã Đông Hà. Lúc này, bọn lính Ngụy mới tá hỏa, thế là chúng đã thả một tù binh cộng sản là cán bộ cấp cao trong Quân đội nhân dân Việt Nam...

... Trở về với Tổ quốc và nhân dân, sau ít thời gian an dưỡng, ông được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ làm Sư đoàn trưởng sư đoàn 341, Sư đoàn 2 lần anh hùng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 341 dưới sự chỉ huy của Sư đoàn trưởng Trần Văn Trân cùng với các đơn vị bạn đã đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, cánh cửa thép của bọn Mỹ Ngụy, mở đường cho đại quân ta tiến thẳng vào sào huyệt của quân thù, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau đó ông tiếp tục được giao các chức vụ Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Phó Giám đốc Học viện Lục quân (Đà Lạt), Tham mưu phó rồi Tham mưu trưởng mặt trận 719. Dù ở cương vị nào, Thiếu tướng Trần Văn Trân đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và quân đội giao phó. Với cấp dưới, ông luôn thương yêu, chăm lo cho cuộc sống gia đình, sức khỏe của họ. Đã nhiều lần ông dành phần thuốc bồi dưỡng của ông cho các chiến sĩ bị đau ốm. Ông thương chiến sĩ như con của mình. Vì vậy, trong lao tù địch đã dụ dỗ, mua chuộc, tra khảo nhiều chiến sĩ Sư đoàn 1 nhưng cán bộ, chiến sĩ một lòng, một dạ trung thành với ông, giữ vững khí tiết, quyết thà chết chứ không khai báo danh tính Sư đoàn trưởng của mình.

Gần 40 năm chiến đấu, ông có mặt hầu hết các chiến trường, kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo chủ chốt trong quân đội, ông được quân đội cho nghỉ hưu và sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, ông mất cách đây ít năm. Là người lính của Sư đoàn 1, may mắn còn sống sót trở về sau chiến tranh, tôi viết lại câu chuyện này như một nén tâm hương trân trọng thắp lên bàn thờ của ông. Một nhân cách lớn, một con người mà hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 1 luôn tâm phục, khẩu phục, thương tiếc vô cùng...

Phạm Quang Thư



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]