Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu
(Ảnh: Vietnam+)
Tết Trung Thu là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, còn được gọi là Tết thiếu nhi. Vì vậy, vào dịp này, trên đường phố chúng ta thường thấy rất nhiều món đồ chơi cho trẻ em như đèn lồng, đèn ông sao, trống, mặt nạ, đầu sư tử...
Bên cạnh đó, Trung Thu cũng là tết đoàn viên, là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam, mang trong mình nguồn gốc cũng như ý nghĩa đầy thú vị.
Nguồn gốc cho tên gọi Tết Trung Thu
Tết Trung Thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm, được tổ chức kéo dài từ ngày 14-16/8 Âm lịch.
Theo truyền thuyết của Trung Quốc, Tết Trung Thu được tổ chức nhằm tưởng nhớ lại chiến công vang dội của cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn chỉ đạo lật đổ nhà Nguyên. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm kết thúc mùa vụ của người nông dân, ngày lễ cũng là một dịp để người nông dân cầu mong một mùa vụ bội thu.
Vì vậy, vào ngày lễ này, gia đình sẽ quây quần bên nhau, thưởng thức những chiếc bánh Trung Thu cùng với những tách trà như một biểu hiện sự đoàn viên và sum vầy.
1. Các tên gọi khác của ngày Tết Trung Thu
Người Việt sử dụng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ Tết Trung Thu, mỗi tên đều gắn với những ý nghĩa biểu tượng khác nhau.
Tết Rằm tháng Tám: Đây là cách sử dụng ngày để làm tên gọi của tết, tết diễn ra vào ngày Rằm của tháng Tám Âm lịch.
Tết Trung Thu: Đây là tên gọi phổ biến nhất, bởi thời gian diễn ra tết vào giữa mùa Thu.
Tết trông Trăng: Đây là một trong những cái tên đầu tiên của Tết Trung Thu có nguồn gốc xa xưa từ Trung Quốc. Ngày nay, tên gọi này ít được sử dụng, chủ yếu tại các vùng nông thôn Việt Nam - nơi ngắm Trăng là hoạt độ ng chính trong ngày Rằm tháng Tám. Lúc này ánh Trăng sẽ tròn và sáng nhất trong năm nên các gia đình thường tề tựu ngồi bên nhau ngoài sân vừa ngắm Trăng, vừa trò chuyện.
Tết thiếu nhi: Người Việt quan niệm đây là ngày tết dành cho thiếu nhi, là dịp để trẻ em được thỏa sức vui chơi và tham gia các hoạt động đặc trưng của ngày lễ. Hình ảnh trẻ em cười rộn ràng vui đùa cùng nối nhau thành từng hàng để đi rước đèn dưới ánh Trăng tròn trở thành một hoạt động không thể thiếu trong ngày này. Ngoài ra, các em nhỏ còn tụ họp lại bên nhau chơi những trò chơi dân gian như lò cò, ô ăn quan,...
(Ảnh: Vietnam+)
Tết đoàn viên: Đây là tên gọi được sử dụng phổ biến nhất sau Tết Trung Thu. Tên này được đặt dựa trên hoạt động nội hàm của ngày lễ, dịp này các thành viên trong gia đình đang làm ở bất kỳ đâu cũng sẽ quay về nhà ông bà, cha mẹ để cảm nhận không khí hạnh phúc sum vầy của ngày Tết Trung Thu bên mâm cỗ nhiều bánh trái và tiếng cười rộn rã của trẻ nhỏ.
Tết hoa đăng: Tên gọi này xuất phát từ Trung Quốc, thả hoa đăng là một trong những hoạt động thường trong ngày Tết Trung Thu. Thời điểm này, không chỉ người dân trang trí trước nhà bằng những lồng đèn rực rỡ mà còn thả những chiếc lồng đèn hoa đăng thả trên dòng nước. Bên trong những chiếc lồng đèn hoa đăng là những lời ước nguyện cầu mong của người dân cùng với ngọn nến thắp sáng thả trôi theo dòng nước.
Ngoài việc thả đèn dưới dòng nước, ở một số nơi còn gửi ước nguyện vào những chiếc đèn rồi thả lên không trung theo ánh Trăng tròn cầu mong một năm an lành, thịnh vượng đến với gia đình. Ở Việt Nam, chỉ có một số ít nơi gọi cái tên này.
2. Nguồn gốc Tết Trung Thu
Nhiều người cho rằng Tết Trung Thu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng khi đi vào những giai thoại, người Việt Nam và Trung Quốc đều có những nguồn gốc về Tết Trung Thu khác nhau.
Câu chuyện Hậu Nghệ và Hằng Nga
Theo truyền thuyết, Hậu Nghệ và Hằng Nga là những vị thần sống bất tử, có công mang lại bình yên cho nhân gian nên người đời hết lòng tôn kính. Truyện kể lại rằng, mười người con của Ngọc Hoàng biến thành mười Mặt Trời làm cho cuộc sống phàm trần trở nên khó khăn hơn, gây ra nhiều đau khổ cho nhân gian. Thấy thế, Ngọc Hoàng đã mời gọi Hậu Nghệ giúp đỡ và chàng đã bắn hạ gục liên tiếp chín Mặt Trời, chỉ để lại duy nhất một người con của Ngọc Hoàng để tỏa sáng và mang hơi ấm cho thế gian.
Ngọc Hoàng thấy thế nổi trận lôi đình vì đã giết chết chín người con yêu quý của ông để cứu lấy thế giới phàm trần, ông đã trừng phạt vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống trần gian làm phàm nhân. Cuộc sống trần gian bao điều cơ cực, Hậu Nghệ không chịu nổi cảnh vợ mình chịu khổ và già nua mỗi ngày, vì thế chàng đã tìm ra được thuốc trường sinh bất lão.
Trải qua bao khó khăn, gian nan trắc trở, Hậu Nghệ cuối cùng đã gặp được Tây Vương Mẫu. Cảm thông và thấu hiểu tấm lòng và tình cảm dành cho vợ của chàng, Tây Vương Mẫu đã cho chàng một viên linh đơn và dặn rằng mỗi người chỉ nên uống nửa viên để có thể bất tử. Tuy nhiên, không may xảy ra cho vợ chàng, trong lúc Hậu Nghệ đi vắng, Hằng Nga liền thấy chiếc hộp linh đơn sáng lấp lánh, nàng đã tò mò lấy xem, bất ngờ Hậu Nghệ về, sợ chồng phát hiện, nàng đã vội vàng cho ngay viên linh đơn vào bụng. Do tác dụng mạnh của linh đơn, nàng đã bay về cung trăng và mối tình cả hai đành phải tách biệt và dang dở.
Trên cung trăng, nàng có Thỏ Ngọc làm bạn, Thỏ Ngọc thấy Hằng Nga suốt ngày ủ rũ, buồn bã vì nhớ thương chồng, Thỏ Ngọc đã giúp nàng làm ra thuốc để nàng có thể quay về nhân gian. Tuy nhiên mọi cố gắng đều không thành công, Hằng Nga và Thỏ Ngọc nương nhau sống trên cung trăng và không trở về được trần gian nữa. Theo nhân gian tương truyền rằng, họ vẫn tin Hằng Nga là người tốt và sẽ được thần tiên giúp đỡ, vào Rằm tháng Tám, Hằng Nga sẽ được phép xuống trần dạo chơi và phát quà cho các em nhỏ.
Truyền thuyết vua Đường Huyền Tông
Hay từ câu chuyện lịch sử Trung Quốc thời nhà Đường, nguồn gốc của Tết Trung Thu gắn liền với nàng Dương Qúy Phi - một trong tứ đại mỹ nhân làm nên giai thoại đất nước Trung Hoa bấy giờ.
Cũng chính vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bị triều thần cho rằng nàng mê hoặc nhà vua Đường Huyền Tông (hay Đường Minh Hoàng) chìm đắm trong tửu sắc bỏ bê triều chính. Đường Huyền Tông buộc phải ban phát cho sủng phi của mình dải lụa trắng để củng cố triều đình trong niềm tiếc thương vô hạn.
Vì niềm thương tiếc khôn nguôi ấy đã làm lay động các tiên nữ, vào đêm Trăng sáng nhất của mùa Thu, vua đã được đưa lên trời gặp lại Dương Qúy Phi. Sau khi về trần gian ông đặt ra Tết Trung Thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi của mình.
Truyền thuyết chú Cuội cây đa
Nhân gian truyền nhau rằng, vùng nọ có một tiều phu tên là Cuội, một hôm vào rừng đốn củi, may mắn thay Cuội đã phát hiện cây đa quý. Nhờ cây thuốc thần này, Cuội đã giúp nhiều người “cải tử hoàn sinh”, vượt qua sinh lão bệnh tử. Tiếng đồn về danh tính của Cuội và cây thuốc thần vang xa, bọn xấu đem lòng ghen ghét, hãm hại Cuội.
Một hôm lúc Cuội có việc vắng nhà, vợ Cuội đã bị kẻ xấu hãm hại và giết chết. Tuy nhiên nhờ cây thuốc thần, Cuội đã có thể cứu sống vợ mình, nhưng sau khi “cải tử hoàn sinh," vợ Cuội thay đổi tính tình và trí nhớ suy giảm. Một hôm, người vợ đãng trí đã dùng nước bẩn tưới cây đa quý, ngay sau đó cây đã tự bật gốc và bay lên trời. Vừa lúc đó, Cuội trở về và hốt hoảng chạy đến níu chặt cây nhưng không được, thế là Cuội đã theo cây đa bay lên tận trời cao.
Từ chính câu chuyện đó, nhân gian tương truyền rằng, những đêm Trăng rằm nhìn lên Mặt Trăng sẽ thấy vệt đen giống hình cây đa cổ thụ có người ngồi dưới gốc cây, đó cũng chính là hình ảnh ăn sâu vào tâm thức của người dân là Chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa.
Theo sự tích này, mỗi năm đến Rằm tháng Tám, Trăng sẽ tròn và sáng nhất, người ta thường bày mâm cỗ về phía Mặt Trăng để cúng Trăng cầu nguyện bình an, gia đình đoàn viên, sum họp. Từ đó, phong tục ngắm và cúng Trăng là tập tục không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt Nam.
Còn theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung Thu ở Việt Nam đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Còn theo văn bia chùa Đọi năm 1121, từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê-Trịnh, Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Nghiên cứu về nguồn gốc Tết Trung Thu, theo học giả P.Giran (trong Magiet Religion, Paris, 1912), từ xa xưa, ở Á Đông người ta đã coi trọng Mặt Trăng và Mặt Trời, coi như một cặp vợ chồng. Họ quan niệm Mặt Trăng chỉ sum họp với Mặt Trời một lần mỗi tháng (vào cuối tuần Trăng). Sau đó, từ ánh sáng của chồng, nàng Trăng mãn nguyện đi ra và dần dần nhận được ánh dương quang - trở thành Trăng non, Trăng tròn, để rồi lại đi sang một chu kỳ mới. Do vậy, Trăng là âm tính, chỉ về nữ và đời sống vợ chồng. Và ngày Rằm tháng Tám, nàng Trăng đẹp nhất, lộng lẫy nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn Tết mừng Trăng.
Sách “Thái Bình hoàn vũ ký” viết: “Người Lạc Việt cứ mùa Thu tháng Tám thì mở hội, trai gái giao duyên, ưng ý nhau thì lấy nhau." Nên mùa Thu là mùa của thành hôn.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên nhân lúc tháng Tám gieo trồng đã xong, thời tiết dịu đi, là lúc “muôn vật thảnh thơi," người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi Tết Trung Thu.
3. Ý nghĩa ngày Tết Trung Thu
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng Trăng. Trăng tròn và Trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó Trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung Thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
Trong ngày vui này, theo phong tục người Việt, tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau cùng làm cỗ cúng gia tiên.(Ảnh: Vietnam+)
Khi đêm xuống, mặt đất ngập tràn ánh Trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm Trăng và bày hoa quả, bánh kẹo cho trẻ em vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông Trăng, phá cỗ...
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm Trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu Trăng Thu màu vàng, năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ. Nếu Trăng Thu màu xanh hay lục, năm đó sẽ có thiên tai. Còn nếu Trăng Thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-15 09:31:00
Nhiều kênh truyền hình dừng phát sóng kể từ ngày hôm nay
-
2025-01-14 13:56:00
Báo chí chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại quan trọng năm 2025
-
2024-08-29 10:51:00
Lễ hội Chá Mùn của người Thái đen ở Thanh Hóa trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nâng tầm giá trị lịch sử Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh
[Podcats] - Tản văn: Tháng tám của những ngày xưa
Du lịch Đà Nẵng chinh phục nấc thang mới
Hoạt động thư viện cơ sở: Hai mảng màu sáng - tối
Bức tranh “thi vị” bên hồ Vua Lê
Bật mí điểm check-in với sen cực hot khi đến Sun World Ha Long
Du khách xúc động hoà vào nghi lễ thiêng liêng trong lễ Vu Lan tại núi Bà Đen
Lễ hội Lam Kinh năm 2024 sẽ khai mạc vào sáng ngày 24/9
Vẻ đẹp rực rỡ của LAMORI dưới ánh hoàng hôn