Nga Sơn đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Huyện Nga Sơn đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND xã Nga Liên.
Cùng với việc tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng công nghệ, huyện ưu tiên công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và hình thành các công dân số. Trong triển khai thực hiện, Nga Sơn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá sự hài lòng của người dân tại bộ phận “Một cửa” của huyện và của UBND xã, thị trấn, đồng thời chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Nga Liên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC gắn với chuyển đổi số và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Phó Chủ tịch UBND xã Nga Liên Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Cùng với việc yêu cầu các cán bộ, công chức thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức về công nghệ nhằm theo kịp tiến trình chuyển đổi số, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 9/9 thôn, xóm, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, dịch vụ hành chính công, thanh toán không dùng tiền mặt... Xã thành lập các nhóm zalo ở từng lĩnh vực phụ trách để chủ động, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và triển khai, nhất là những văn bản chỉ đạo đột xuất đều được gửi qua hệ thống thư điện tử hoặc nhắn tin qua các nhóm zalo để cán bộ, công chức xã cũng như đội ngũ cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện”.
Đặc biệt, năm 2023, Nga Liên là 1 trong 5 đơn vị trong tỉnh được Sở Thông tin và Truyền thông lựa chọn triển khai mô hình thí điểm “3 không”. UBND xã đã huy động công an xã cùng các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp viễn thông, chi nhánh ngân hàng hỗ trợ người dân tạo lập tài khoản, cài đặt định danh điện tử VneID và các ứng dụng thanh toán, cấp miễn phí chữ ký số và mã QR Code nhằm giúp người dân thực hiện thành công các thủ tục hành chính (TTHC) toàn trình và không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thiết yếu tại nhà văn hóa thôn với 3.512 tài khoản định danh điện tử được cấp; 695 người dân được tạo tài khoản để khai thác, sử dụng các dịch vụ công trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; tạo 1.800 tài khoản thanh toán điện tử cho người dân... Đến nay, 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức của xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. 100% văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật); tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 100%.
Cùng với Nga Liên, các địa phương trong huyện đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần cải cách TTHC. Hiện nay, 100% các xã, thị trấn trong huyện có trạm BTS (công nghệ 3G, 4G), cáp quang đáp ứng dịch vụ viễn thông phục vụ chuyển đổi số. 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã đều có mạng LAN nội bộ và kết nối mạng Internet tốc độ cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh đã được kết nối đến Huyện ủy, UBND huyện và 24/24 xã, thị trấn trên địa bàn... Theo Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nga Sơn Nguyễn Thị Minh: "Đây là thuận lợi lớn để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giúp cán bộ, công chức không phải nhập lại thông tin khi thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm, qua đó giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động. Việc thực hiện liên thông TTHC đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí đi lại cho người dân, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn hoặc yêu cầu các thông tin không cần thiết, không đúng quy định, tăng sự hài lòng của người dân, tổ chức".
Tại bộ phận một cửa của huyện cũng như ở các xã, thị trấn, điểm mới so với trước đây là ngoài việc niêm yết, công khai TTHC còn được đầu tư máy tính chuyên dụng để người dân tiện tra cứu TTHC và giao dịch trực tuyến. Để góp phần hình thành các công dân số, huyện Nga Sơn đã thành lập 168 tổ công nghệ số cộng đồng với 845 thành viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các dịch vụ số.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, nhất là trong cải cách TTHC đã giúp cho các TTHC trên nhiều lĩnh vực ở Nga Sơn được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, góp phần tăng niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền.
Bài và ảnh: Phan Nga
{name} - {time}
-
2024-12-10 15:13:00
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hội phụ nữ
-
2024-12-10 08:01:00
Phát triển kinh tế số: Chưa được như kỳ vọng
-
2024-05-08 11:23:00
Triển khai thực hiện các tiêu chí chuyển đối số cấp huyện và mô hình “3 không”
Yên Định nhân rộng mô hình chuyển đổi số
Chuyển đổi số ở xã Quảng Bình
Năm 2024 đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, tạo bứt phá phát triển kinh tế-xã hội
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan
Bệnh viện tuyến huyện nỗ lực chuyển đổi số
Nhân rộng mô hình chuyển đổi số, tiến tới phát triển “Làng số”
Chuyển đổi số doanh nghiệp ở Thanh Hóa: Cơ hội và thách thức
Chuyển đổi số trong hoạt động đăng kiểm
Huyện Triệu Sơn và VNPT Thanh Hóa ký kết thoả thuận hợp tác chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025