Mùa linh cảm: Viết ra để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”
Mùa linh cảm (NXB Trẻ, 2020) của nhà văn Đoàn Tuấn không chỉ viết về những linh cảm trước cái chết không tránh khỏi của những đồng đội mình mà còn là linh cảm về những nỗi đau mà những người lính phải chịu đựng sau khi đã kết thúc cuộc chiến này.
Ngay từ dòng đầu cuốn sách, nhà văn Đoàn Tuấn đã viết: “Tôi nghĩ về người lính. Bề ngoài ai cũng tưởng đơn giản. Đơn giản đến tận cùng. Uống chung ngụm nước. Đọc chung lá thư. Chui cùng căn hầm, nhưng bên trong họ là những miền bí ẩn, là những chiều sâu thăm thẳm hơn đại dương, không ai và không bao giờ khám phá nổi”.
Quả thực, đã 45 năm sau chiến thắng biên giới Tây Nam, nhưng dường như mỗi sự kiện, mỗi nhân vật vẫn hằn lên trong trái tim Đoàn Tuấn từng khoảnh khắc. Độ lùi thời gian có thể làm nhòa đi một vài chi tiết, song với tư cách là một nhà văn mặc áo lính, điều đó chỉ làm ông có cái nhìn tỉnh táo và bao quát hơn. Giã từ vũ khí, nhà văn Đoàn Tuấn và rất nhiều đồng đội đã cầm bút, dựng nên bức tranh về chiến trường K, nơi họ sống và chiến đấu trong những năm tháng thanh xuân.
Nếu không có những trang văn của những nhà văn đã từng mặc áo lính, đã tham chiến thì chúng ta ngày hôm nay sẽ không thể hiểu hết những nỗi đau xé lòng, những cái chết, những cơn khát ghê người trong 6 tháng mùa khô ở chiến trường K.
Như cách nhà văn Đoàn Tuấn tâm sự: “Mùa linh cảm chính là cái mùa nhiều đau đớn, cái mùa kỳ lạ. Một cái mùa mà tôi và đồng đội đã trải qua bằng cảm nhận của chính mình”.
Đó là An “bột”, người có nước da trắng hồng như da con gái. Trắng đến nỗi mái tóc cũng hoe vàng. Cặp mắt nâu lúc nào cũng long lanh sáng. Đôi môi đỏ tươi. Hàm răng trắng bóng. Không ít lần An linh cảm khi nâng bát rượu “Uống đi, chỉ lần này thôi. Lần cuối cùng đấy!”.
Đó là thiếu úy Hà Huy Lan, khi chết mà nằm nghiêng như đang ngủ say. Đôi dép cao su được đặt ngay ngắn dưới chân. Quanh anh còn ba vỏ đạn M.79. Da mặt còn tươi, áo vẫn bỏ trong quần. Đó là tư thế chết đẹp nhất ở chiến trường mà tôi được gặp.
Đó là Nguyễn Tấn Cường, trước khi chết “Trở nên tốt bụng”, cho thằng Bình điếc cái áo mới, đổi cho thằng Diệu cái bi đông nhôm còn mới, lấy cái bi đông nhựa màu xanh cũ kỹ. Còn cái mũ cũng cho thằng Của.
Đó là Trần Thanh Biện - gửi lại chiếc đồng hồ, gia tài của người lính với “gương mặt như có điều gì thảng thốt, giọng nói dù vẫn nhỏ nhẹ nhưng không được bình tĩnh, ánh mắt cháy rực sáng. Rất rực sáng. Và dáng đi của anh thật vội vã. Mất hút luôn. Dẫu linh cảm nhưng đã là người lính thì vẫn phải đi”.
Đó là Phạm Văn Khai, đại đội trưởng Đại đội 6, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307. Người có ngày bắn đến bốn chục trái B40, trong khi những người khác chỉ bắn khoảng dăm ba trái là phải nghỉ vì sức ép rất lớn, có thể bật máu tai hoặc bị điếc. Và đặc biệt, ở thời kỳ chốt biên giới, anh Khai không như các vị chỉ huy khác, luôn có mặt ở thông hào, vừa chỉ huy đại hội vừa trực tiếp chiến đấu.
Đó là Bùi Văn Ngườm, máu ròng trên câu hát hòa bình ơi. Một người mê hát và bị bọn giặc bắn thủng họng, vỡ quai hàm khi đang hát. Nhưng dường như chính anh cũng linh cảm về sự ra đi của mình, khi chép bài hát cho đồng đội và phóng bút đề: “Chiến trường K. Vĩnh biệt em!”.
Là Nguyễn Phan Nhật Minh với những dòng thư gửi về cho gia đình: “Khi ba mẹ nhận được thư này, chắc là con cũng đang ở một nơi rất xa. Nơi ấy, không có mùa mưa, không còn mùa khô, không còn mìn, cũng không còn những ngày vất vả... Chỉ còn những người đồng đội thân thương”.
Và còn những gương mặt đồng đội khác... 18 chân dung đồng đội của nhà văn Đoàn Tuấn trong “Mùa linh cảm” “dù trong thâm tâm biết mình sẽ chết, nhưng họ vẫn bình tĩnh đón nhận. Họ điềm nhiên đi vào cái chết như một lẽ thường tình. Không phải một người, mà nhiều người đã ra đi như thế. Họ không run sợ. Họ không đào ngũ. Họ không tìm cách trốn tránh, tụt tạt lại tuyến sau. Họ đã chết. Đó là những người dũng cảm nhất. Trẻ nhất. Đẹp nhất. Hình ảnh họ mãi mãi sáng ngời trong tâm trí chúng tôi”.
Mùa linh cảm của Đoàn Tuấn không chỉ viết về những linh cảm trước cái chết không tránh khỏi của những đồng đội mình, “mùa linh cảm” ấy còn là linh cảm về những nỗi đau mà người lính Việt và gia đình họ phải chịu đựng sau khi đã kết thúc cuộc chiến này. Đó là những người mẹ mất con, sau bao nhiêu năm vẫn chưa thể tìm được xác con mình. Khi nghe tin con trai chết, mẹ liệt sĩ Phạm Văn Chung khóc và nói: Thà nó hy sinh ở Trường Sơn hay ở Đồng Tháp, thì bác còn nhớ. Dù sao đây cũng là ở nước mình, chứ nó hy sinh ở cái tỉnh nào xa vời tận Campuchia bác làm sao nhớ nổi”. Qua những chuyến đi báo tử, Đoàn Tuấn càng thấu hiểu hơn: “Đối với lính chiến, giờ trước sống, giờ sau chết hầu như không khoảng cách”, nhưng còn người đang sống là nỗi buồn thương, là sự day dứt, là những hình ảnh chẳng bao giờ có thể quên được, “so sánh với nỗi chờ đợi của những người vợ lính là sự phũ phàng, nhẫn tâm”.
18 chân dung đồng đội được nhà văn Đoàn Tuấn thể hiện rõ “chất lính” trong Mùa linh cảm, những người lính trẻ dù linh cảm về cái chết nhưng “định mệnh, số phận và cái chết cuốn họ đi”. Đúng như nhà thơ Thanh Thảo cảm nhận: “Đoàn Tuấn viết về chiến tranh, chân thực đến nghiệt ngã, dù trần trụi, đau đớn nhưng vẫn lạc quan, thấm đẫm tình người, tình đồng chí, không một dòng bi lụy”.
Từng có 5 năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia, Đoàn Tuấn đã viết không ít những bài thơ xúc động về những người lính hy sinh ngoài biên giới: “Nằm bên ngoài Tổ quốc dưới mưa rơi/ Tôi không thể sống thiếu người đã mất/ Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi”; “Tổ quốc nặng sâu hơn bởi tình yêu mảnh đất/ Đất bên ngoài Tổ quốc! Việt Nam ơi!’’. Mùa linh cảm đã hòa trộn được những ký ức ngày hôm qua với cuộc sống hôm nay. Bởi mong muốn duy nhất của một người cầm bút như ông là để “không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”, dù chiến tranh có lùi xa bao nhiêu năm đi nữa.
Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-09-20 07:11:00
Khát vọng từ mùa thu cách mạng
Phát huy giá trị văn hóa phục vụ yêu cầu đổi mới và phát triển quê hương, đất nước
Dấu xưa kinh thành Vạn Lại - Yên Trường
Chàng Mo Ậu
Trên mảnh đất huyền thoại, tâm linh
Giải ngân nguồn vốn đầu tư công, phát huy hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội
Cuộn băng ký ức về thời sinh viên
Ông Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa: “Huyện Hoằng Hóa bước vào hành trình xây dựng và phát triển thành thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030 với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Ký ức xứ Thanh qua các ngôi làng cổ
Để tình đồng chí là động lực trong “cuộc chiến” giữa thời bình