Mở rộng diện tích liên kết sản xuất nông sản vụ đông
Trong những năm gần đây, vụ đông đã trở thành một trong những mùa vụ mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho nông dân. Để có được kết quả này, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đã tích cực khuyến khích và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích cho các loại cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định cũng được ưu tiên, với mục tiêu thúc đẩy tiêu thụ và chế biến sản phẩm nội địa, từ đó gia tăng giá trị kinh tế cho sản xuất vụ đông.
Người dân xã Hoằng Đạt (Hoằng Hoá) chăm sóc dưa chuột baby vụ đông.
Nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hà Trung đã lập kế hoạch trồng 1.050ha cây vụ đông trong năm nay; trong đó, có khoảng 460ha cây trồng có liên kết sản xuất với 300ha sẽ được dành cho ngô và 160ha còn lại dành cho khoai tây và khoai lang. Để đạt được mục tiêu này, nhất là với diện tích cây trồng có hợp đồng tiêu thụ, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và HTX dịch vụ nông nghiệp kết nối với các doanh nghiệp đã hợp tác thu mua trong các vụ trước, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác mới, nhằm đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ ổn định và bền vững. Hiện tại, một số loại cây như khoai tây, khoai lang, hành lá, dưa leo và ngô ngọt đã có cam kết từ các doanh nghiệp về việc bao tiêu sản phẩm. Huyện cũng khuyến khích nông dân mở rộng diện tích các loại cây phục vụ chế biến và có khả năng tiêu thụ tốt trên thị trường nội địa.
Để mở rộng diện tích sản xuất cây trồng cho vụ đông 2024-2025, huyện Hà Trung đã thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển ngành trồng trọt của tỉnh. Những chính sách này bao gồm khuyến khích tích tụ đất đai, hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất hiện có và mở rộng thêm các chuỗi liên kết mới. Huyện cũng chú trọng khảo sát và dự báo thị trường nhằm hướng dẫn nông dân điều chỉnh phương án sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu để hạn chế tình trạng mất giá khi thu hoạch. Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất và kết nối với nông dân thông qua HTX dịch vụ nông nghiệp; đồng thời ưu tiên đầu tư cho sản xuất nông sản an toàn. Nhờ đó, vụ đông năm nay, huyện đã mở rộng nhiều diện tích liên kết sản xuất với các sản phẩm như ngô 200ha, ớt xuất khẩu 50ha, khoai lang 60ha, dưa leo 30ha, hành lá 50ha...
Người dân xã Hà Giang (Hà Trung) trồng dưa leo vụ đông.
Cùng với một số địa phương khác trong tỉnh, Hậu Lộc cũng là huyện đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc liên kết sản xuất cây trồng vụ đông, với 200ha ngô, 80ha khoai tây, 40ha ớt cùng 25ha dưa leo đã được liên kết thành công. Để có được thành quả ấy, huyện đã thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn để nâng cao nhận thức và kỹ năng sản xuất cho nông dân, giúp họ hiểu rõ về lợi ích của việc liên kết sản xuất. Đặc biệt, thúc đẩy việc ký kết hợp đồng giữa các HTX nông nghiệp và doanh nghiệp tiêu thụ nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm chủ lực trong vụ đông của huyện. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ cung cấp giống cây trồng chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương; hướng dẫn nông dân các kỹ thuật canh tác hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản vụ đông của huyện, giúp sản phẩm tăng khả năng liên kết và dễ dàng tiếp cận cả thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Trịnh Văn Chất cho biết: Vụ đông năm nay, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu gieo trồng 47.000ha, tập trung ưu tiên cho các loại rau màu và cây ngắn ngày như ngô ngọt, ngô làm thức ăn chăn nuôi, cùng các loại rau như cải và dưa chuột. Những cây trồng này nhằm nâng cao giá trị và bù đắp cho diện tích không gieo trồng được. Đồng thời, cần tăng cường liên kết bao tiêu sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết ở các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để phát triển cây màu vụ đông ưa lạnh trên toàn tỉnh trong thời gian tới.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai các giải pháp mở rộng diện tích cây trồng liên kết sản xuất để tăng giá trị kinh tế, bao gồm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết bền vững và sản xuất theo hợp đồng để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Các đơn vị liên quan cũng chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, rà soát nhu cầu thị trường, xác định các sản phẩm có lợi thế để phát triển sản xuất hợp lý, nhằm giảm thiểu tình trạng dư thừa nông sản gây khó khăn cho nông dân.
Bài và ảnh: Chi Phạm
- 2024-11-17 16:02:00
Tích tụ, tập trung đất đai tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp ở Nga Sơn
- 2024-11-17 14:53:00
“Số hóa” sản phẩm OCOP
- 2024-10-17 15:13:00
Giá xăng giảm nhẹ, RON95-III xuống dưới ngưỡng 21.000 đồng mỗi lít
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng điện tử
Bản tin Tài chính 17/10: Giá vàng đồng loạt tăng mạnh
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo triển khai nghiêm túc giải pháp kích cầu tiêu dùng
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng những tháng cuối năm
Nỗ lực cán đích các mục tiêu năm 2024 (Bài cuối): Sẵn sàng tâm thế “chạy nước rút”
Bản tin Tài chính ngày 16/10: Vàng thế giới giảm tiếp, vàng nhẫn trên đỉnh
Hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm nông sản năm 2024 sẽ được tổ chức tại Quảng trường Lam Sơn
Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Thọ Xuân đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm