Mô hình kinh tế siêu lợi nhuận từ khu đồng trũng Liên Lộc
Tròn 10 năm về quê khởi nghiệp, anh Nguyễn Hoài Châu ở xã Liên Lộc (Hậu Lộc) đã biến khu đồng sâu trũng thành mô hình kinh tế hiệu quả. Với sự năng động trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đến nay, anh đã có doanh thu ổn định 10 tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Hoài Châu (thứ 3 từ trái sang) giới thiệu máy sấy thăng hoa để sơ chế đông trùng hạ thảo khô.
Những ngày cuối năm âm lịch, anh Châu đang cho thả những xe cá giống cỡ lớn khoảng 1kg để nuôi lứa tiếp theo. Với 2 ao lớn, anh thường dành một ao luôn nuôi tôm và một thả cá. Trên đa phần diện tích còn lại là những khu trồng dược liệu là đinh lăng, đu đủ đực, rồi cây ăn quả và trồng hoa. Tuy nhiên, hoạt động nuôi trồng thủy sản và trồng trọt thuần túy chỉ mang tính chất “cho vui” với chủ trang trại. Một khu nhà chuyên nuôi đông trùng hạ thảo ở giữa cánh đồng thoáng đãng này mới là “gà đẻ trứng vàng” của mô hình kinh tế.
Dẫn những vị khách đi thăm, anh Nguyễn Hoài Châu giới thiệu tỉ mỉ các phòng nuôi, phòng thí nghiệm, khu ương phôi hiện đại. Những lọ thủy tinh đựng sản phẩm được dán nhãn mác theo các quy trình sản xuất dược liệu. Với hệ thống máy móc hiện đại đầu tư lên đến nhiều tỷ đồng, đa phần sản phẩm đông trùng hạ thảo ở đây đều được sấy thăng hoa để bán khô với tên thương mại “Đông trùng hạ thảo Su Kha”. Từ năm 2021, khi mảng sản xuất đông trùng hạ thảo phát triển mạnh, anh đã cho thành lập Công ty CP Dược liệu Su Kha Việt Nam để tiện giao dịch các hợp đồng. Đến năm 2022, “Đông trùng hạ thảo Su Kha” được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sự nhạy bén phát triển thị trường qua các kênh thương mại điện tử đã đưa sản phẩm đến hầu khắp các tỉnh trong nước.
“Riêng sàn thương mại SENDO, chúng tôi đã phát triển hơn 70 cộng tác viên từ Bắc Giang vào đến Long An để phát triển thị trường, làm đầu mối cung ứng sản phẩm ở các tỉnh. Các cộng tác viên đều có thu nhập từ 3 đến 15 triệu đồng/người/tháng – tùy vào doanh số bán hàng. Chúng tôi đang có hướng đi mới là ký hợp đồng với một công ty dược liệu để sản xuất viên nang và cốm từ đông trùng hạ thảo” – anh Châu chia sẻ. Cũng theo hạch toán của ông chủ mô hình kinh tế tổng hợp, doanh thu của trang trại 2 năm gần đây đạt khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận khoảng 30% doanh thu. 8 lao động thường xuyên tại trang trại được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định, thu nhập bình quân hằng tháng đạt hơn 6 triệu đồng mỗi người.
Có được thành quả như hôm nay, ít người có thể nghĩ rằng, đây chính là khu đất trũng lầy, hoang hóa giữa cánh đồng thôn 2, xã Liên Lộc. Vào năm 2013, tuy đang làm việc cho một công ty tại Hà Nội, anh Châu quyết tâm về quê để khơi dậy tiềm năng đất đai quê hương. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, anh đấu thầu 2,76 ha đất để cải tạo. Lúc đó, quyết định này bị gia đình phản đối kịch liệt vì công việc đang ổn định, vợ con có nhà và vẫn sinh sống tại Hà Nội. Người thanh niên sinh năm 1977 thuê máy móc đào 2 ao lớn để lấy đất tôn cao toàn khu sản xuất, xây dựng các khu chuồng trại, hình thành nên khu sản xuất. Những khu trại nuôi chim bồ câu Pháp, rồi nuôi thỏ Newzeland để cung cấp cho Công ty Nippon của Nhật Bản. Thời điểm những năm 2015–2017, đàn chim lên tới 400 cặp bố mẹ. Giai đoạn 2015–2018, thỏ bố mẹ luôn được duy trì 500 đến 600 con, thỏ thương phẩm khoảng 5.000 con. Anh còn thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến với 11 thành viên là các chủ trại thỏ ở Hậu Lộc, Triệu Sơn, Thọ Xuân để bảo đảm đầu ra cho phía đối tác.
Khi thỏ và chim bồ câu ngày càng nhiều người nuôi, thị trường bão hòa, anh tìm hướng mới với trại gà công nghiệp quy mô từ 4.000 đến 6.000 con/lứa. Giai đoạn 2015–2020, cá rô đầu vuông cũng là đối tượng nuôi ổn định tại trang trại với sản lượng khoảng 50 tấn, doanh thu khoảng 1,4 tỷ đồng mỗi năm.
Thế rồi biến cố xảy ra khi trận lụt lịch sử 2017 làm nước tràn mênh mông, ao vỡ bờ nên khoảng 1 tỷ đồng cá rô mất trắng, các vật nuôi khác ảnh hưởng nặng nề. Tiếp đến là tình hình chăn nuôi gà ngày càng khó khăn, giá thức ăn tăng cao khiến người nuôi không còn nhiều lợi nhuận. Những năm 2000 đến 2022, dịch COVID–19 tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất. “Tôi quyết định thoái dần hoạt động chăn nuôi vì không mấy hiệu quả. Rồi sau đó xây dựng trại nuôi nấm đông trùng hạ thảo. Đúng thời điểm dịch bệnh, những hàng hóa khác ngưng trệ nhưng đông trùng hạ thảo tốt cho đề kháng để phòng bệnh nên vẫn tiêu thụ đều. Thuê chuyên gia rồi vừa làm vừa học tập kinh nghiệm nên tôi đã nhanh chóng chiếm lĩnh được các khâu kỹ thuật sản xuất” – anh Châu tâm sự.
Việc năng động thay đổi đối tượng sản xuất cũng là ưu điểm và hướng đi đúng, bởi theo anh Châu, đó là cách thích ứng để nâng cao giá trị, vừa bỏ dần các hoạt động chăn nuôi tác động không tốt đến môi trường, phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp. Được biết, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đến hết năm 2023 mới đạt trung bình 120 triệu đồng/ha, thì ở mô hình này đã đạt hơn 3,6 tỷ đồng/ha/năm, trong đó riêng lợi nhuận đã gần 1,1 tỷ đồng/ha. Đây là những con số rất cao so với mặt bằng sản xuất chung, đưa mô hình kinh tế siêu lợi nhuận này trở thành điển hình trong phát triển trang trại ở huyện Hậu Lộc.
Là cử nhân tốt nghiệp Khoa Đông phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, những kiến thức tích lũy ở trường và kinh nghiệm làm việc tại thủ đô giúp anh sẵn sàng thay đổi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. “Su Kha” – theo tiếng Phạn có nghĩa là sự tốt đẹp, may mắn mang tính lâu bền, đã được anh đặt tên cho công ty, gửi gắm những mong ước của mình cho sự phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2024-11-25 09:36:00
Sẽ tự động quyết toán, hoàn thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm 2025
-
2024-11-25 09:18:00
Hướng dẫn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, quy chế hoạt động cho các HTX phi nông nghiệp
-
2024-01-04 10:57:00
Nông Cống hoàn thành kế hoạch làm thủy lợi mùa khô
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực KKT Nghi Sơn và các Khu công nghiệp triển khai nhiệm vụ năm 2024
Thị trường hoa, cây cảnh khởi động ngày tết
Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông
“Nóng” hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại
Sẽ kiểm tra đột xuất việc chấp hành chính sách tiền tệ ngân hàng
Giúp người hoàn lương tiếp cận nguồn vốn chính sách
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển bền vững
Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi