Lực đẩy để Việt Nam trở thành cường quốc biển vào năm 2045
Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển như chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhiều giải pháp đồng bộ và táo bạo đang được đặt ra.
Chiến lược rõ ràng để phát huy “sức mạnh biển”
Trong cuốn sách xuất bản năm 1980, Alfred Thayer Mahan - nhà địa chiến lược và sử gia người Mỹ đã phác thảo “6 điều kiện chính ảnh hưởng đến sức mạnh biển của các quốc gia”. Ông mở đường đột phá tư duy khi cho rằng sức mạnh trên biển mới giúp các nước trở thành cường quốc chứ không phải sức mạnh trên đất liền.
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển.
Theo các nhà nghiên cứu, lý thuyết này có thể được giải thích qua 6 điều kiện để một quốc gia trở thành cường quốc biển, gồm: Có vị trí địa lý thuận lợi; Có bờ biển sử dụng được, nhiều tài nguyên thiên nhiên và khí hậu thuận lợi; Có lãnh thổ đủ rộng; Có dân số đủ đông để tự vệ; Có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; Có một chính phủ đủ năng lực để làm chủ biển.
Đối với Việt Nam, một quốc gia ven bờ Biển Đông với vùng biển rộng khoảng 1 triệu km2, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta là thực hiện song song hai nhiệm vụ: vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời mở ra hướng “tư duy đại dương” trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.
Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển kể từ năm 2007, lợi ích thu được từ kinh tế biển của Việt Nam chưa xứng tiềm năng. Điều này đã được PGS.TS Bùi Nhật Quang, nguyên Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đánh giá trong nghiên cứu “Chiến lược biển của một số quốc gia trên thế giới và gợi ý chính sách cho Việt Nam”.
Để tạo sức bật mạnh mẽ hơn cho kinh tế biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục thông qua Nghị quyết 36/NQ-TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển; tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn cần khắc phục. Để tháo gỡ nút thắt này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư, hình thành những dự án lớn để phát triển kinh tế biển. Trong đó, triển khai dự án lấn biển là giải pháp quan trọng giúp mở rộng dư địa phát triển cho các tỉnh thành ven biển hiện nay.
Nỗ lực khai thác tối ưu tài nguyên biển
Nhìn ra thế giới, lấn biển đã trở thành “một hiện tượng toàn cầu” trong hai thập kỷ qua. Trung Quốc đã xác định mục tiêu và các giai đoạn để tiến ra biển, trở thành “cường quốc biển”, lấy xây dựng kinh tế biển làm trung tâm, có quy hoạch tổng thể khai thác biển, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và thúc đẩy các ngành sản xuất biển, thực hiện quy hoạch đồng bộ với bảo vệ môi trường biển... Tính đến năm 2021, tổng diện tích các dự án lấn biển của Trung Quốc đã vượt hơn 20.000km2. Diện tích này gần gấp đôi Qatar và xấp xỉ bằng diện tích đất của Israel.
Sân bay Kansai tọa lạc trên hòn đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka, Nhật Bản.
Ấn Độ đã xây dựng chiến lược phát triển biển nhằm mục tiêu khai thác triệt để tài nguyên biển; đẩy mạnh thương mại biển gồm dịch vụ, vận tải, du lịch. Trong chiến lược phát triển đất nước, Thái Lan cũng đưa ra kế hoạch 4 điểm về biển, gồm: cải thiện hiệu quả quản lý biển; khôi phục và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực cạnh tranh trong phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát ô nhiễm và an toàn hàng hải dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.
Tại Việt Nam, năm 2024, Nghị định về hoạt động lấn biển chính thức được ban hành nhằm hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, tạo cơ hội mở rộng, khai thác và phát triển hiệu quả quỹ đất quốc gia. Ngày 7/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, xác định mục tiêu Xây dựng các vùng ven biển thành chỗ dựa vững chắc để tiến ra biển và tạo động lực cho các vùng khác trong cả nước cùng phát triển; Thực hiện lấn biển ở những khu vực thích hợp, không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa - lịch sử tại vùng bờ để tăng thêm không gian, quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển...
“Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, để hoạt động lấn biển có hành lang pháp lý chuẩn mực. Từ đó, tạo ra không gian thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo nên những công trình đa mục tiêu, đa mục đích, vừa bảo vệ an ninh quốc phòng, vừa sản xuất kinh doanh các lĩnh vực như hàng hải, chế biến thủy sản, năng lượng, dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái biển...”, TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định.
Một góc khu đô thị lấn biển tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.
Những năm qua, khoảng 80 dự án lấn biển được thực hiện với quy mô khác nhau, trong đó dự án có quy mô lớn tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Kiên Giang... Các dự án này đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn ở khu vực ven biển, hải đảo. Dù chưa thể so sánh với các quốc gia trên thế giới nhưng điều này cũng phần nào cho thấy nỗ lực khai thác tối ưu tài nguyên biển của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tháo gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách cho lấn biển là hướng mở để phát triển kinh tế xã hội, đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, bảo vệ bờ biển, chống xói mòn, sạt lở do mưa bão hay nước biển dâng... Những đô thị biển được xây dựng sẽ giúp địa phương phát triển du lịch, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và điểm đến của du khách.
Những diễn biến gần đây trên bản đồ thu hút đầu tư đã cho thấy các địa phương đang rốt ráo bắt tay vào công cuộc tiến ra biển. Sau khi Nghị định về lấn biển có hiệu lực, Bến Tre là một trong những tỉnh đầu tiên công bố sẽ lấn biển 50.000 ha để phát triển kinh tế, chú trọng đô thị biển, khu công nghiệp và các ngành kinh tế biển khác... UBND TP HCM vừa duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, diện tích 2.870 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9 tỷ USD. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Kiên Giang cũng dự kiến đến năm 2030, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh tăng hơn 4.581ha do đưa vào triển khai xây dựng các dự án lấn biển.
Với hành lang pháp lý hoàn thiện và sự quyết tâm của các tỉnh thành, các dự án ven biển, lấn biển thời gian tới sẽ giúp khai thác tối ưu nguồn tài nguyên biển để đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững như mục tiêu “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đề ra.
Tùng Dương
- 2024-11-13 14:50:00
Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai
- 2024-11-13 09:49:00
Thông báo về việc tài trợ Dự án Khu dân cư phường Quảng Thành của Công ty TNHH Tập đoàn Bất động sản Đông Á
- 2024-10-11 15:13:00
Yên Định: Tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024
Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hoạt động hiệu quả, Lasuco đang mở ra chu kỳ phát triển mới nhanh và bền vững
Tổ chức TCVM Thanh Hóa nỗ lực vì sự phát triển của cộng đồng
Đa dạng hình thức tuyên truyền đưa chính sách thuế vào đời sống
Thọ Xuân nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp
Bản tin Tài chính ngày 11/10: Vàng giảm, đồng USD “neo” gần mức đỉnh của 2 tháng
Trải nghiệm nghề cùng phụ nữ các vùng miền xứ Thanh
Nông dân miền ngược thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Đảo chiều tăng mạnh, giá mặt hàng RON95-III cộng thêm gần 1.300 đồng mỗi lít