Liên minh châu Âu tiếp tục siết chặt cấm vận vào ngành năng lượng của Nga
Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga vào ngày 20/6 sau nhiều bất đồng. Theo Le Soir, gói trừng phạt mới sẽ bao gồm các hạn chế đối với việc trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Đây là lần đầu tiên EU nhắm tới nguồn cung cấp LNG, loại hàng hóa mà một số quốc gia thành viên của khối này vẫn tiếp tục mua từ Nga, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang năm thứ ba.
Theo đó, thỏa thuận đạt được sẽ cấm các nhà xuất khẩu khí đốt của Nga sử dụng các cảng của EU để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba, nhưng không có lệnh cấm hoàn toàn đối với các quốc gia EU mua nhiên liệu. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm các biện pháp hạn chế Nga sử dụng đội tàu chở dầu “bóng tối”.
Trong hơn 1 tháng qua, các quan chức từ 27 nước thành viên EU đã thảo luận về gói trừng phạt thứ 14 của khối nhắm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu LNG của Moscow và kế hoạch buộc các công ty EU phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm lệnh trừng phạt của các công ty con và đối tác ở nước thứ ba. Việc phê duyệt đã bị trì hoãn nhiều lần do một số quốc gia lên tiếng bảo lưu, bao gồm cả sự phản đối từ Đức và Hungary, quốc gia trước đó đã tuyên bố sẽ ngăn chặn mọi lệnh trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng.
Tuy nhiên, việc kiểm soát LNG không thể thực hiện được lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn như trước đây đã thực hiện với than và dầu qua đường biển, hai trong số những nguồn thu lớn nhất của Moscow. Thay vào đó, các công ty EU vẫn sẽ được phép mua LNG của Nga nhưng bị cấm tái xuất khẩu sang các nước khác, một hành vi được gọi là “chuyển tải”.
Theo RBC, ông Roland Smith, nhà phân tích cao cấp tại BCS World of Investments cho rằng, gói trừng phạt chống Nga thứ 14 của EU có thể sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc tái xuất khẩu nhiên liệu, vì điều này sẽ ít gây thiệt hại hơn cho thị trường khí đốt châu Âu. “Châu Âu thậm chí có thể coi đây là một cách để bảo đảm quyền tiếp cận ưu đãi đối với LNG của Nga (có thể là giảm giá) bằng cách làm phức tạp thêm việc vận chuyển LNG đến châu Á”, ông Roland Smith nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm trên, Giám đốc nghiên cứu của Viện Năng lượng và Tài chính (IEF) Alexey Belogoriev lưu ý rằng, gói trừng phạt thứ 14 rất có thể sẽ chỉ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với việc trung chuyển LNG của Nga tại các cảng EU dự định giao hàng đến các khu vực khác. “Có những ước tính khác nhau về quy mô của hoạt động trung chuyển này, nhưng nếu so sánh khối lượng LNG được vận chuyển đến các cảng ở châu Âu và trữ lượng LNG mà theo nhiều nguồn tin khác nhau vẫn nằm trong EU (tức là nhập khẩu thực tế), thì vào năm 2023, sự khác biệt không quá nhiều - khoảng 1,7 triệu tấn/năm, tương đương 11% tổng lượng hàng xuất khẩu sang EU. Và gần như toàn bộ khối lượng này chỉ tập trung vào một cảng - Zeebrugge của Bỉ”, ông Belogoriev chỉ rõ.
Chuyên gia Belogoriev cho biết thêm, điểm đến chính để trung chuyển LNG của Nga ở châu Âu là Trung Quốc, và ở mức độ giao dịch nhỏ hơn là Ấn Độ và một số nước châu Á khác. Theo ông Belogoriev, các công ty Nga sẽ cố gắng chuyển hướng một số LNG trực tiếp đến Đông và Nam Á, nhưng khả năng thực hiện việc này còn hạn chế vì cần một đội tàu khá lớn. “Thứ gì đó có thể được trung chuyển ở vùng Murmansk. Nhưng kịch bản rất có thể xảy ra là nếu không thể trung chuyển, họ sẽ cố gắng bán số lượng lớn LNG này tại một địa điểm ở phía Tây Bắc châu Âu, điều này sẽ không nhiều nhưng vẫn sẽ làm tăng tổng nguồn cung LNG ở châu Âu. Hiện tại thị trường châu Âu đang thiếu hụt một chút, do đó đây là một biện pháp hợp lý nhằm kiềm chế sự tăng giá LNG”, Giám đốc IEF cho biết.
Đồng thời, ông Alexey Belogoriev tin rằng, nguồn cung LNG cho Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những phân khúc cạnh tranh nhất trong thương mại quốc tế về loại nhiên liệu này, do đó việc mất một phần khối lượng từ Nga trung chuyển ở châu Âu khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến trữ lượng LNG cũng như sự biến động của giá LNG ở châu Á.
Còn chuyên gia Andrey Gusev, Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực lưu ý rằng, các hạn chế đối với việc tái xuất khẩu LNG của Nga sẽ dẫn đến thu nhập của Nga giảm, vì các cảng EU sẽ không thể bán lại LNG của Nga. Điều này khiến cho thị trường ảm đạm hơn đôi chút và có thể làm giảm lợi nhuận tổng thể. “Nga có thể buộc phải chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả và hậu cần. Đối với EU, gói trừng phạt mới cho thấy chủ trương của châu Âu là muốn cân bằng giữa việc gây áp lực lên Nga với việc duy trì an ninh năng lượng. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến giá LNG tăng cao hơn do nguồn cung giảm. EU cũng có thể tìm kiếm các nguồn LNG thay thế, chẳng hạn như Mỹ và Qatar, khiến EU ngày càng phụ thuộc hơn vào những nhà cung cấp này. Tác động của gói trừng phạt mới đối với các nước châu Á có thể là tích cực, vì lượng LNG của Nga tăng lên có thể hạ giá cho người mua ở châu Á và giúp các nước này có nhiều lựa chọn nguồn cung hơn, từ đó giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp hiện tại”, ông Andrey Gusev nhấn mạnh.
Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức độc lập theo dõi nhiên liệu hóa thạch của Nga, ước tính rằng vào năm 2023, EU đã trả 8,3 tỷ Euro cho 20 tỷ m3 (bcm) LNG của Nga, chiếm 5% tổng sản lượng tiêu thụ khí đốt. Trong đó, Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha là những điểm nhập khẩu chính của LNG của Nga. CREA cho biết khoảng 22% trong số nguồn cung cấp này (4,4 bcm) đã được trung chuyển trên toàn cầu, với 1,6 bcm được gửi đến các quốc gia thành viên khác. Phần còn lại đến Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các khách hàng khác.
Các số liệu phản ánh vai trò dẫn đầu của phương Tây trong bảo hiểm hàng hóa và dịch vụ vận chuyển. Năm 2023, ngành hàng hải của các nước G7 đã xử lý 93% lượng xuất khẩu LNG của Nga, một ngành vận tải trị giá 15,5 tỷ Euro.
Hùng Anh (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-10 17:25:00
Thảm họa cháy rừng tại Los Angeles - hệ lụy của Biến đổi Khí hậu
-
2025-01-10 10:11:00
Khó khăn chồng chất
-
2024-06-20 16:43:00
Trung Quốc và Malaysia thắt chặt quan hệ với một hiệp định kinh tế mới
Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại
Gia tăng khả năng Fed chỉ hạ lãi suất một lần trong năm 2024
Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
Các nước nói gì về sự hiện diện của Nga trong đàm phán hòa bình cho Ukraine?
NATO chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự với Nga?
Ngành thực phẩm châu Âu “thấp thỏm” trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa
Đằng sau quyết định đầy rủi ro của Tổng thống Pháp Macron