(Baothanhhoa.vn) - Hoằng Hóa  - vùng đất cổ nằm ở hạ lưu sông Mã, tích tụ phù sa màu mỡ mà bồi đắp nên những vỉa tầng văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Từ “chiếc nôi” Hoằng Hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều hiền tài phụng sự quê hương, đất nước và minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học của vùng đất “nhân kiệt” này. Nhằm lan tỏa, khơi dậy truyền thống quý báu ấy, trong hai năm qua, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức lễ hội Bút Nghiên tại xã Hoằng Lộc với nhiều hoạt động sôi nổi, độc đáo, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Lễ hội Bút Nghiên - tôn vinh truyền thống hiếu học quê hương

Hoằng Hóa - vùng đất cổ nằm ở hạ lưu sông Mã, tích tụ phù sa màu mỡ mà bồi đắp nên những vỉa tầng văn hóa tiêu biểu, độc đáo. Từ “chiếc nôi” Hoằng Hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều hiền tài phụng sự quê hương, đất nước và minh chứng sinh động cho truyền thống hiếu học của vùng đất “nhân kiệt” này. Nhằm lan tỏa, khơi dậy truyền thống quý báu ấy, trong hai năm qua, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức lễ hội Bút Nghiên tại xã Hoằng Lộc với nhiều hoạt động sôi nổi, độc đáo, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Lễ hội Bút Nghiên - tôn vinh truyền thống hiếu học quê hươngTiết mục trống hội được tổ chức tại lễ hội Bút Nghiên năm 2022. Ảnh: V.H

Cổ Hoằng xưa, Hoằng Hóa ngày nay là vùng đất văn vật, khoa bảng, hiếu học nổi tiếng khắp cả nước. Người mở đầu cho truyền thống khoa bảng ở Hoằng Hóa nói riêng và cả tỉnh Thanh Hóa nói chung là Lưu Diễm (có tài liệu ghi chép là Lưu Bính) quê ở làng Vĩnh Trị, tổng Từ Minh, nay là xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa). Ông đỗ thứ hai đệ nhất giáp (tức Bảng nhãn) khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Kiến Trung 8 (1232) đời Trần Thái tông. Sách “Liệt huyện đăng khoa bị khảo” ghi: Ông đỗ Bảng nhãn lúc 22 tuổi, làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.

Kể từ người khai khoa đầu tiên ấy, lớp lớp thế hệ người Hoằng Hóa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, rèn luyện, phấn đấu mang tài năng, trí tuệ của mình viết tiếp truyền thống, khơi dòng cho mạch nguồn hiếu học, truyền thống khoa bảng chảy mãi... Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cùng với Nhân dân cả nước, dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng mảnh đất Hoằng Hóa bao đời coi trọng việc học hành, xem giáo dục - đào tạo thế hệ mai sau là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi gia đình, dòng họ, mỗi làng xã...

Về với làng Hội Triều (xã Hoằng Phong), lắng lòng nghe chuyện kể về Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, Lương Hữu Khánh vang danh kẻ sĩ xứ Thanh.

Ghé thăm nghè Nguyệt Viên để hiểu hơn về câu ca được truyền tụng trong dân gian: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tán vàng”. Hay tìm đến Hoằng Cát bày tỏ lòng cảm phục trước truyền thống hiếu học của gia đình họ Nhữ, họ Đặng..., đọc tấm bia làng Đại Khê do Nhữ Đạm trai - Nhữ Bá Sỹ soạn mà lâng lâng vui sướng, tự hào: “Đại Khê ta xưa có người đậu đạt, làm quan, đường văn học nổi tới gần đây. Tuy chưa phải là chấn động, nhưng văn đã có mạch, tới nay văn trị thịnh vượng, tiếng ca tụng, lời học đọc vang rộng khắp làng xóm. Đạo học đó phải nắm vững, sáng như mặt trời, tỏa rạng trên đầu”...

Đâu phải chỉ những địa danh, những con người, gia đình, dòng họ được lịch sử điểm mặt gọi tên, lưu danh trên bảng vàng..., nhiều thế hệ cháu con, theo cách riêng của mình, đã cùng nhau đem sức mình mà điểm tô cho truyền thống hiếu học, khoa bảng của huyện Hoằng Hóa thêm phần sinh động. Đó là những người dân nghèo phải ăn ngô, ăn khoai, đi ở, làm thuê cuốc mướn để theo đuổi việc học tập. Thành công có thể đến hoặc không nhưng tinh thần, ý chí, nghị lực vượt lên trên mọi nghịch cảnh để làm bạn với con chữ của họ đã là một tấm gương sáng, một bài ca đẹp. “Có lẽ cũng chẳng cần kể ra ai thông minh, ai có tài khinh luân, ai ưu quốc ái dân... Bởi vì cái đất Hoằng Hóa, dân “trọng khoa khinh hoạn” mà bao người đỗ đạt, làm nên, vang danh khắp chốn”, đúng như người xưa từng viết thơ ca ngợi: “Thiên tích thông minh Hoằng Hóa dục/ Thánh phù công dụng Đạt Tài năng”.

Như mạch nguồn chảy mãi, “sóng sau xô sóng trước”, truyền thống khoa bảng ở Hoằng Hóa gọi tên nhiều ngôi làng như: đình Bảng (xã Hoằng Lộc), Quỳ Chữ, Đông Khê (xã Hoằng Quỳ), Hội Triều (xã Hoằng Phong), Cát Xuyên (xã Hoằng Cát), Cự Đà (xã Hoằng Đức)... Sự hiếu học của Hoằng Hóa đã đi vào những câu ca truyền tụng: “Thi Hoằng Hóa, khóa Đông Sơn” hay “cơm Nông Cống, cá Quảng Xương, văn chương Hoằng Hóa”, và người đời cũng thường nhắc tới một Hoằng Hóa “Hiếu học - Cần học - Khổ học”.

Đến nay, Hoằng Hóa đã có trên 400 tiến sĩ và hàng trăm giáo sư, phó giáo sư làm công tác khoa học trong nước và ngoài nước, hàng chục đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc Nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nghệ sĩ Nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, các tướng lĩnh, gần 500 bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Thuở xưa, Hoằng Hóa có 48 vị đại khoa thì nay đã có 13 học sinh đạt giải quốc tế và khu vực. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học trong huyện ngày càng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn cấp THCS là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh 5 năm liên tục, có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Giữa nhộn nhịp, xôn xao tên làng, tên xã ấy, Hoằng Lộc được xem như “cái rốn” khoa bảng của huyện Hoằng Hóa. Người Hoằng Lộc đỗ đạt nhiều qua các thời kỳ. Làng có 12 vị đỗ đại khoa, 7 vị được khắc tên trên các bia đá ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Gần hai trăm người đậu cử nhân, hương cống, hàng trăm người đỗ sinh đồ. Các thế hệ cháu con Hoằng Lộc tỏa đi khắp muôn phương đóng góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước. Mảnh đất ấy có Bảng Môn Đình vừa là nơi thờ thành hoàng của làng, vừa là nơi hội tụ của nhiều nho sinh, nơi giúp họ dùi mài kinh sử, nơi tôn vinh các vị khoa bảng của làng. Bảng Môn Đình đã trở thành biểu tượng cho sự hiếu học của người Hoằng Lộc, được nhiều nơi biết đến và được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Vì lẽ ấy, đất và người Hoằng Lộc vinh dự và tự hào được chọn là nơi diễn ra lễ hội Bút Nghiên. Lễ hội được tổ chức với mục đích tôn vinh truyền thống hiếu học của Nhân dân Hoằng Hóa, giáo dục truyền thống hiếu học, khuyến học, niềm tự hào của các tầng lớp Nhân dân trong huyện và những người con quê hương Hoằng Hóa, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh... Gắn với lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2022, lễ hội Bút Nghiên lần thứ II được tổ chức với nhiều nội dung về văn hóa, giáo dục, thể thao sôi nổi, mang đậm nét truyền thống quê hương, các hoạt động giáo dục thể hiện khả năng tư duy nhanh, sáng tạo, nhạy bén, khéo léo và năng khiếu của học sinh... như: lễ cáo yết dâng hương 12 vị đại khoa tại khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia Bảng Môn Đình; thi vẽ tranh, viết chữ đẹp, đố vui, giao lưu văn nghệ quần chúng, vui các trò chơi dân gian...

Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, hình thành và phát triển cùng tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, cùng với hệ thống 94 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận; trong đó có 16 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh (riêng xã Hoằng Lộc có 3 di tích quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh), truyền thống hiếu học là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên nguồn lực nội sinh, động lực đưa huyện Hoằng Hóa phát triển bền vững. Như lời đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Văn Phúc đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc lễ hội Bút Nghiên lần thứ II, năm 2022: Lễ hội Bút Nghiên không chỉ là dịp để giới thiệu, quảng bá nét đẹp đất và người Hoằng Hóa mà góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, lịch sử gắn với du lịch, tạo điểm nhấn thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với Hoằng Hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại và văn minh, từng bước đưa huyện Hoằng Hóa trở thành huyện trong tốp đầu của tỉnh vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.

Bài viết sử dụng tư liệu trong cuốn “Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa”, 1995, NXB Khoa học xã hội.

Minh Quân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]